📞

Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Tự hào anh bộ đội cụ Hồ

Nguyệt Anh 07:00 | 30/04/2024
Ông Đinh Khánh tâm niệm: "Trong chiến tranh, chúng tôi không sợ chết, khi hòa bình lập lại, những anh lính cụ Hồ luôn cố gắng giữ lại những thành quả mà bao anh em đã chiến đấu, đổ xương máu mới có được".
Chia sẻ cảm xúc nhân kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, cựu chiến binh Đinh Khánh cho rằng, ông luôn tự hào vì là người lính cụ Hồ. (Ảnh: NVCC)

Ở tuổi 81, cựu chiến binh Đinh Khánh vẫn rất minh mẫn, nhiệt huyết với các hoạt động văn nghệ. Với giọng sang sảng, ông kể: "Hồi ấy, tôi và những người lính trẻ không hề sợ hy sinh, tất cả cùng lên đường. Lúc bấy giờ, tuổi xuân phơi phới, người ta bảo, lửa thế kỷ XX cháy rực trong mỗi trái tim mỗi người dân yêu nước…".

Ông Khánh hiện đang là Trưởng Ban liên lạc bạn chiến đấu Trung đoàn 24 – Đoàn Phòng không Tô Vĩnh Diện – Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang và Hội bộ đội Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh Việt Nam; Trưởng đoàn nghệ thuật cựu chiến binh Hương xưa của Hội cựu nghệ sĩ văn công quân đội.

Nhớ thời làm tin trên chiến trường

Năm 1962, người thanh niên trẻ Đinh Khánh nhập ngũ, huấn luyện ngoài Bắc, sau đó hành quân vào Nam. Trong những năm 1968-1969, tình hình chiến sự ác liệt, khi đó ông Khánh là Trợ lý Tuyên huấn Trung đoàn 224 (Sư đoàn 375, Quân chủng Phòng không - Không quân) có mặt ở khắp các trận địa trên tuyến đường Trường Sơn.

Trung đoàn 224 thành lập Tổ tin gồm ông Đinh Khánh và ông Trần Mạnh Dung trực tiếp xuống các phân đội lấy tin về làm bản tin nội bộ. Ông Khánh cho biết, bộ đội chiến đấu gian khổ nên rất cần được động viên kịp thời. Vì thế, dù là viết tin nội bộ nhưng quá trình thu thập thông tin vô cùng vất vả, thận trọng.

“Nhớ có lần tôi đi lấy tin ở dốc cua bóng đèn, đường 20 Quyết Thắng (Quảng Bình). Khi đó, Đại đội 10 vừa bắn rơi một chiếc máy bay F4. Địch liền điều động các loại máy bay đến bắn phá trận địa. Trong làn ‘mưa bom bão đạn’, Trung đội trưởng Ngô Xuân Quảng bị thương nhưng vẫn dũng cảm lao ra khỏi hầm cứu đồng đội và đạn pháo. Trận đánh đó quân ta giành thắng lợi, không đồng chí nào hy sinh”, ông nhớ lại.

Tận mắt chứng kiến hành động dũng cảm của đồng chí Ngô Xuân Quảng, ông Khánh nhanh chóng viết bài nêu gương chiến đấu. Khi được hỏi về các công đoạn làm bản tin ngoài chiến trường, ông Khánh kể, sau khi thu thập thông tin về, ông ngồi tập trung viết tin, sửa từng câu chữ. Trong khi đó, đồng chí Dung làm nhiệm vụ thiết kế. Nhưng có một vấn đề khó khăn là cần phải có ảnh minh họa, ông Khánh dùng chiếc máy ảnh phim đen trắng chụp, sau đó về tráng phim rửa ảnh trong hầm tối.

Cả tin và ảnh được in rô-nê-ô (in bằng cách quay một cái trục lăn trên có gắn giấy đã đánh máy hoặc viết vẽ) trên giấy nến. Ông và đồng đội luôn cố gắng trình bày sao cho dễ đọc, phù hợp với điều kiện chiến đấu. Do vậy, số trang không cố định, ít nhất là hai trang, khi có yêu cầu nhiệm vụ thì số trang có thể tăng lên.

Người lính già kể, nội dung của tờ tin chủ yếu thông báo tình hình chiến sự, phổ biến mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên, biểu dương gương người tốt-việc tốt, thơ...

“Điều khó khăn nhất là nguyên liệu giấy mực thiếu thốn, phương tiện in ấn thô sơ”, ông Khánh nói. Tuy nhiên, tổ tin vẫn cố gắng để có bản tin đúng kế hoạch. Bản tin cũng phải được thủ trưởng phê duyệt chặt chẽ mới in ấn, phát hành.

Ông kể, do giấy không có nên phải lấy giấy lót đạn của các hòm đạn Liên Xô. “Đi đến đâu tôi cũng xin mang về in, đánh chữ trên giấy nến”, ông Khánh cho hay.

Với sự nhanh nhạy của người làm tin trên chiến trường, ông Khánh không ngại vào các đơn vị, nhất là những đơn vị trọng điểm tìm tư liệu để viết nên anh em rất quý mến. “Mỗi lần anh em nhận được tin thì phấn khởi lắm. Nhận được những lời động viên của anh em, mình cũng cảm thấy vui, ấm lòng. Mình làm được những việc nhỏ nhưng ý nghĩa lớn là vì thế”, ông tâm niệm.

Đó là những ký ức không phai nhòa, cũng là sự động viên những người làm công tác chính trị. Suốt thời gian dài, ông Khánh miệt mài theo các phân đội chiến đấu, làm tin phát hành đến tay bộ đội cho đến khi đất nước được giải phóng. Đến năm 1976, ông Khánh xuất ngũ trở lại nhà in Báo Nhân Dân công tác cho đến khi nghỉ hưu.

Lực lượng dân công hỏa tuyến lấp hố bom của địch, mở đường mới cho xe ra chiến trường tại khu vực ngã ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh. (Nguồn:TTXVN)

Ký ức về Đồng Lộc

Tháng 8/1965, ông đi chiến trường, thẳng vào Trường Sơn, đường 20 Quyết Thắng. Đến ngã ba Đồng Lộc thì dừng lại để bảo vệ cửa khẩu, lập lối mòn lên đường 20, gắn liền với sự kiện 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc hy sinh năm 1968.

“Tôi nhớ mãi, đó là trong một lần chiến đấu ở ngã ba Đồng Lộc đúng thời khắc 10 cô hy sinh. Tôi cũng là một trong số những người có thời gian tìm kiếm các cô. Khi đó, tôi đang làm Trợ lý tuyên huấn của trung đoàn”, ông trầm ngâm.

Sau đó, theo nhu cầu chiến đấu, đơn vị ông vượt lên trên đường Trường Sơn để lên đèo Phu La Nhích.

Mỗi lần vào thăm lại Ngã ba Đồng Lộc, thăm đơn vị cũ, thăm các nghĩa trang trong Trường Sơn, nghĩa trang ở Quảng Trị, ông lại bồi hồi. Bởi với ông, đó là ký ức thời hoa lửa đầy đau thương. Ông cùng đồng đội quyên góp ủng hộ đồng bào ở nơi đóng quân ngày xưa.

“Chúng tôi tìm, liên hệ và đưa các liệt sĩ về với gia đình, báo lại vị trí những ngôi mộ mà chúng tôi chôn cất đang nằm ở nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang đường 9”, người cựu chiến binh già nói.

Sau này, trong dịp kỷ niệm lần thứ 40 Ký ức Đồng Lộc, ông đã sáng tác bài hát “Ký ức về Đồng Lộc”:

“Muôn dặm ngàn lẫm liệt Trường Sơn/ Đây anh hùng ngã ba Đồng Lộc/ Mười thiếu nữ kiên trinh gan góc/ Tuổi hai mươi dáng vóc rạng ngời/ Khốc liệt đạn bom chói sáng nụ cười/ Gánh nặng Trường Sơn dồn về một góc/ Phá núi mở đường gian nan khó nhọc/ Em vẫn nở nụ cười tươi/ Mười cô gái mười bông hoa”.

Ông cho hay, mỗi lần ông và đồng đội vào "đám giỗ" các cô, đều gặp lại anh hùng La Thị Tám, anh hùng Uông Đông Hưng, anh hùng Vương Đình Nhỏ. Bạn bè cũ gặp nhau, lại ôn lại những kỷ niệm, dù đó chỉ là kỷ niệm buồn.

Ông Khánh (trái) bên cạnh các đồng đội. (Ảnh: NVCC)

Vẫn say sưa nghĩ về đồng đội

Trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, cùng đồng đội lập nên nhiều chiến công, nhưng điều khiến ông nhớ nhất là những người bạn thời chiến đấu.

Ông chậm rãi kể về Ngô Xuân Quảng (quê ở Cống thôn, Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội). Anh Quảng là một người con của Hà Nội cần cù, kiên trung. Khi ở trong chiến trường, anh thể hiện được là một cán bộ dũng cảm, can trường.

Khi tham gia bảo vệ những trọng điểm ở cầu Bắc Giang khi còn ở Sư đoàn Bắc Hà Nội, đơn vị ông bảo vệ cầu phủ Lạng Thương. “Lúc ấy, anh Quảng đã bị trận bom bi thủng 6 khúc ruột nhưng vẫn kiên cường chiến đấu. Khi đơn vị vào chiến trường, dù thương nặng nhưng anh cứ nhất quyết xin vào đơn vị để chiến đấu. Sau đó, chúng tôi phải đưa anh vào trong hậu cứ. Biết không thể qua khỏi, anh Quảng dặn tôi: “Tao còn một bộ quần áo Tô Châu rất mới, tao vẫn để dành, mày mang về mà mặc”, ông Khánh nhớ lại.

Sau đó, anh em đưa đồng chí Quảng ra Thanh Hóa và hy sinh tại đó. Hiện nay, tên anh được đặt cho một phố ở huyện Gia Lâm (Hà Nội).

Miền kí ức của ông dội về hình ảnh không thể quên của một người đồng chí, đồng đội. Đó là, Anh hùng lực lượng vũ trang, Thiếu tướng Vũ Anh Thố - sư đoàn trưởng Sư đoàn 361 Phòng không Hà Nội. Đồng chí Thố giành được những chiến công hiển hách nhưng lối sống bình dị, gần gũi với anh em.

Do nhu cầu hành quân kéo pháo di chuyển đến các điểm bảo vệ mục tiêu qua sông Tô Lịch bằng một chiếc cầu dân sinh tự bắc rất có thể xảy ra tai nạn, anh Thố đã kêu gọi anh em tiết kiệm kinh tế, tài chính mà mình được hưởng để góp vào mua nguyên vật liệu làm cầu, kết hợp các vật liệu phế thải từ vỏ bọc tên lửa. Đầu tháng 4/2024, anh Thố vừa qua đời, để lại muôn vàn tình yêu thương của đồng bào đồng chí đồng đội, cây cầu đó người dân gọi tên là “cầu ông Thố”.

Người lính cụ Hồ nay đã 81 tuổi, luôn say sưa nghĩ về đồng đội: “Anh em ở Trường Sơn gặp nhau, quý mến và trân trọng nhau lắm. Những ký ức trong chiến đấu bao năm rồi như còn nguyên vẹn”.

“Tôi vẫn nghĩ, trên thế giới không có quân đội nào giống như quân đội nhân dân Việt Nam, những người lính chiến đấu cùng nhau, kề vai sát cánh, cùng chung một chiến hào, người mất người còn, người bị thương, người tàn tật, người bị chất độc da cam đến bây giờ trở lại với nhau vẫn thương nhau lắm”, ông bùi ngùi.

Đáng nói là, trong lòng những người chiến sĩ như ông không chỉ có súng và đạn mà còn có cả nhạc và thơ. Phát huy được khả năng của một cán bộ tuyên huấn, ông Khánh vẫn sáng tác các tiết mục, những bài ca để tập cho đội là các chiến sĩ văn công của quân đội (Hội cựu nghệ sĩ văn công quân đội) thể hiện.

Nhớ về thời xông pha trận bạc, ông chia sẻ, khi ấy những người lính trẻ như ông không hề sợ hy sinh, bởi để có được hòa bình, tự do, lúc nào cũng phải đánh đổi. Cho nên, năm 1972, hàng ngàn sinh viên bỏ dở nghiên bút để tiếp tục vào chiến trường, nhiều đồng chí đã trở thành anh hùng và có những chiến công hiển hách.

Kỷ niệm với tướng Giáp

Ông kể, bác Võ Nguyên Giáp là anh em “đồng hao” với anh Hồng Cư, khi đó là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. “Khi chúng tôi thành lập đoàn nghệ sĩ văn công thì một số anh em còn tâm huyết ca hát, tôi may mắn được đứng trong đội đó. Anh Hồng Cư đứng ra thành lập và yêu cầu đặt tên là đoàn nghệ thuật cựu chiến binh Hương xưa”.

Có lần anh Hồng Cư đặt vấn đề: “Khánh có làm được một bài thơ vào chúc thọ anh Giáp không?”. Ông Khánh nhận lời và làm bài thơ có tên “Chúng em được về hát chúc thọ anh”.

Chị Hà (vợ bác Giáp) là người đọc bài thơ đó cho bác nghe và nói: "Cậu Khánh làm bài thơ này tặng anh đấy".

“Đại tướng rất vui nên nhận bài thơ đó và ký vào lề bài. Đó thực sự là niềm vinh dự rất lớn trong cuộc đời tôi. Sau đó, Đại tướng đã có một ưu tiên đặc biệt là hôm ấy chỉ tiếp đoàn Hương xưa từ 16h30 đến tối. Hôm đó, anh em tâm sự, chia sẻ nỗi lòng, hát và đọc thơ cho Đại tướng nghe. Đó chính là những kỷ niệm sâu sắc nhất về bác Giáp”, ông Khánh bộc bạch.

Ông còn hồ hởi khoe có bài thơ được trang trọng đăng trong cuốn sách “Tiếng thơ vang mãi” của Hội thi đàn Việt Nam, là bài thơ “Cây đại thụ nở hoa đời” cũng nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Suốt từ ngày nhập ngũ (năm 1963) đến khi hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (năm 1975) ông Khánh đã có những trải nghiệm đặc biệt. Kinh qua nhiều nhiệm vụ, lúc thì cán bộ trung đội, cán bộ tiểu đội, rồi lên làm trợ lý của trung đoàn phụ trách về tuyên huấn, ở vị trí nào ông Khánh cũng đều nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

“Dù ở tuổi cao, sức yếu, thương tật đầy mình, nhưng với bản chất anh lính cụ Hồ, những cựu chiến binh như chúng tôi vẫn tự bươn chải, tìm nguồn vui để động viên đồng đội, động viên chính mình vươn lên trong cuộc sống”.