Nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ, ông Vũ Quang Thành đã trải lòng về trận phá cầu Thạch Hãn (Quảng Trị) năm xưa. (Ảnh: NVCC) |
Tôi gặp cựu chiến binh Vũ Quang Thành quê ở Đồng Minh, xã Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa vào một ngày cuối tháng 7. Ông là người duy nhất còn sống của Trung đội anh hùng Mai Quốc Ca, tham gia trận phá cầu Thạch Hãn ngày 10/4/1972 năm xưa. Người lính già bồi hồi nhớ lại những ngày tháng lịch sử ấy…
Cuộc đấu “gan vàng dạ sắt”
Năm 1971, chàng trai trẻ xung phong lên đường nhập ngũ và được huấn luyện ở Đại đội 10, Tiểu đoàn 634 thuộc Tỉnh đội Thanh Hóa. Sau huấn luyện 5 tháng, ông Thành được bổ sung vào đơn vị đóng quân ở xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Đến cuối tháng 2/1972, ông lại vào Trung đội 2, Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, đóng quân ở chiến trường Quảng Trị với nhiệm vụ vận chuyển lương thực, vũ khí cho chiến dịch năm 1972.
Ông Thành kể, cách đây đúng 52 năm, vào đêm 9/4/1972, Trung đội quân giải phóng mang tên Trung đội trưởng Mai Quốc Ca (quê ở Thanh Hóa) gồm 20 chiến sĩ được giao nhiệm vụ mang theo 120kg bộc phá đánh chiếm và phá hủy cầu Thạch Hãn để ngăn chặn chi viện của địch từ thị xã Quảng Trị lên Ái Tử, Đông Hà. Từ đó, tạo điều kiện để các cánh quân của ta mai phục sẵn ở hai bờ sông Thạch Hãn và các vùng phụ cận tiêu diệt lực lượng quân sự của địch đang tập trung rất đông tại chiến trường Quảng Trị.
Tuy nhiên, khoảng rạng sáng ngày 10/4/1972, khi Trung đội đến gần cầu Thạch Hãn thì bị địch phát hiện. Cuộc đấu súng không cân sức diễn ra giữa một Trung đội chỉ 20 người với một tiểu đoàn địch. Quân địch điên cuồng xả súng, các chiến sĩ của ta cố gắng chống trả, cầm cự, quyết không lùi bước. Cứ như vậy, Trung đội và quân địch giằng co quyết liệt. Quân địch tiếp tục điều động thêm binh lính vây chặt. Các chiến sĩ đem hết sức mình phá vòng vây, tận dụng địa hình,“bọc lót” cho nhau để cùng vượt qua “cửa tử”.
Nhưng do tương quan lực lượng quá lớn, đến quá trưa ngày 10/4/1972, hầu hết các chiến sĩ của Trung đội đã hy sinh. Không kìm được dòng nước mắt, ông Thành trầm ngâm: “Bị địch phát hiện bao vây, anh em phải tản ra các hướng chiến đấu độc lập, kiên quyết bám trụ, đẩy lùi những đợt tấn công của địch, quyết tâm không chịu khuất phục. Nhưng đến khoảng 11h trưa ngày 10/4/1972 thì 19 đồng đội lần lượt hy sinh. Tôi không bao giờ quên được giây phút lịch sử ấy”.
Quân địch đưa thi thể các chiến sĩ đi phơi nắng để thị uy, nhưng người dân kéo đến yêu cầu được đưa anh em đi chôn cất. Trước sự quyết liệt của người dân, quân địch buộc phải nhượng bộ. Sau giải phóng, các anh đã được đưa về nghĩa trang thuộc huyện Triệu Phong. Tất nhiên, cũng có một ngôi mộ ghi tên anh Vũ Quang Thành.
Trong cuộc chiến ấy, Trung đội đã tiêu diệt được khoảng 125 tên địch thuộc nhiều binh chủng, 2 cố vấn quân sự Mỹ và “bắn hạ” nhiều xe cơ giới. Với những chiến công ấy, năm 1973, Trung đội Mai Quốc Ca được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, đồng thời phong tặng danh hiệu “Trung đội 1 thắng 100”.
“Chúng tôi đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, đó là điều cho đến bây giờ tôi luôn tự hào”, ông Thành bộc bạch.
Cựu chiến binh Vũ Quang Thành (đầu tiên từ trái sang) chụp cùng đồng đội từng tham gia trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. (Ảnh: NVCC) |
Không khuất phục trước kẻ thù
Là người duy nhất còn sống của Trung đội Mai Quốc Ca, ông Vũ Quang Thành nhớ lại những giây phút bị hành hạ trong lao tù. Ông kể: “Dù còn sống sót nhưng tôi bị thương nặng, bị rách ở bụng. Tôi gắng sức bò được ra đến bờ sông thì bất tỉnh. Khi tỉnh dậy tôi lại bị địch phục kích bắn đạn, sau đó chạy vào làng thì bị địch bắt ngày 12/4/1972”.
Bị địch bắt giữ, phải sống cảnh tù đày nhưng người chiến sĩ ấy quyết giữ vững lập trường: Thà chết, thà chấp nhận bị địch giam cầm chứ nhất định không chịu chiêu hồi.
Ông Thành bị đưa đi hỏi cung, rồi được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (Huế), sau chuyển đến Bệnh viện Duy Tân (Đà Nẵng) để tiếp tục chữa trị trong thời gian 2 tháng. Khi sức khỏe dần hồi phục, ông bị đưa ra trại giam Non Nước (Đà Nẵng) để lao động, khổ sai một thời gian, rồi lại vào nhà lao Bạch Đằng (Sài Gòn) để lấy cung, thẩm vấn.
Dừng lại giây lát, ông nói tiếp: “Khi đó, đích thân cố vấn Mỹ thẩm vấn tôi, xong chúng đưa tôi về trại giam Non Nước làm các thủ tục và chuyển thẳng tôi ra nhà tù Phú Quốc làm tù binh tháng 9/1972”. Đến 10/3/1973, sau khi Hiệp định Paris ký kết, ông cùng các đồng đội bị giam cầm đã được trả tự do.
Điều đáng nói, ở quê nhà, cha ông Thành vừa mất được một thời gian thì người nhà nhận được giấy báo tử ông. Sau này, khi ông viết thư tay gửi về, gia đình mới biết ông còn sống, niềm vui như vỡ òa. Năm 1974, ông được đơn vị cho phục viên trở về quê hương và tham gia công tác tại địa phương.
Niềm tự hào của người ở lại
Năm 1996, khi về thăm lại chiến trường xưa, nơi những đồng đội ngã xuống, ông Thành tình cờ phát hiện có tên mình khắc trên tấm bia liệt sĩ của Trung đội Mai Quốc Ca. Ngày nay, 19 ngôi mộ đã được phân thành một khu riêng biệt và cùng khắc chung một cái tên Trung đội Mai Quốc Ca tại nghĩa trang liệt sĩ Ái Tử tại huyện Triệu Phong (Quảng Trị).
Với niềm xúc động, cựu chiến binh già nhớ lại, tham gia Trung đội khi ấy có hơn 10 người là đồng hương Thanh Hóa. Cùng quê, khi trải qua những tháng ngày huấn luyện gian khổ, anh em gắn bó, thường tâm sự về chuyện gia đình, làng xã. Bởi vậy, ông không thể quên được trước sự hy sinh của các đồng đội. Ông nói: “Khi địch điên cuồng xả súng, tôi đau đớn ôm lấy thi thể anh em còn ấm nóng, nhặt lấy những viên đạn cuối cùng của đồng đội rồi tiếp tục lao ra khỏi vị trí, tiến về phía trước, quyết chiến với giặc”.
52 năm đã trôi qua, hồi ức về những ngày tháng đã sống và chiến đấu tại mảnh đất Quảng Trị như vẫn còn nguyên vẹn. Nhớ về những đồng đội của Trung đội Mai Quốc Ca là một lần ông trào dâng lên niềm tự hào không xiết. Mỗi lần trở lại về thăm lại chiến trường xưa, ông tự dặn mình phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh quên mình của đồng đội. “Tôi may mắn sống sót nên phải sống sao cho ý nghĩa, để trả ơn cuộc đời, trả ơn cho các đồng đội đã ngã xuống hy sinh để có độc lập hôm nay”, ông Thành tâm niệm.
Như một lát cắt ngang, ông xúc động nói, bản thân cũng có một ngôi mộ được gắn tên tuổi, quê quán ở Nghĩa trang Ái Tử. “Tôi vẫn không rời xa đồng đội, tên tôi vẫn ở đó trong danh sách 20 cái tên của trung đội anh hùng”. Đó là điều thiêng liêng mà ông mang theo suốt cuộc đời mình…
Chiến tranh đã lùi xa nhưng với người lính Vũ Quang Thành, ký ức về một thời đạn bom như còn mãi. Nhắc đến các đồng đội của mình, gương mặt ông Thành đầy vẻ tự hào. Chưa khi nào ông và các đồng đội nhụt chí, chịu đầu hàng.
Ông lại nhớ đến giây phút đồng đội hy sinh, nén đau thương, cố gắng để không khóc, vì nhiệm vụ cao cả, ông lấy nốt số đạn của đồng đội để tiếp tục chiến đấu. “Cảm giác khi đó không còn đấu súng đơn thuần nữa mà là đấu gan vàng, dạ sắt. Người này hy sinh, người khác lại xông lên. Chúng tôi đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng”, ông Thành nói.