Các thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. (Nguồn: Dân trí) |
Xuất hiện nhiều câu hỏi thời sự
Các giáo viên ở Tổ Xã hội – Hệ thống Giáo dục Hocmai nhận xét mỗi môn thi thành phần của bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội: Địa lí; Lịch sử và Giáo dục công dân vẫn bao gồm 40 câu hỏi và đúng cấu trúc nội dung như Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố.
Trong đó, 75% số câu hỏi ở mức độ Nhận biết và Thông hiểu với nội dung rõ ràng, không lắt léo, 25% số câu hỏi còn lại ở mức độ Vận dụng và Vận dụng cao dùng để phân hóa thí sinh. Nhận định cụ thể từng môn như sau:
Cụ thể, ở môn Lịch sử có 95% tổng số câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12 và 5% câu hỏi thuộc lớp 11, riêng với câu hỏi lớp 12, có 75% câu hỏi thuộc học kỳ I. Mức độ tương đương đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT 2021 nhưng có điểm khác là phần lịch sử thế giới không xuất hiện câu hỏi vận dụng, vận dụng cao. Dạng bài so sánh và liên chuyên đề xuất hiện nhiều. Đề thi không rơi vào các nội dung đã điều chỉnh dạy học trong năm học 2020-2021.
Đặc biệt, ở đề thi này xuất hiện dạng câu hỏi về mối liên hệ lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới ở mức độ cơ bản ví dụ câu 23, 27 (mã 307).
25% câu hỏi thuộc phần kiến thức trên 7 điểm chủ yếu là dạng so sánh các giai đoạn lịch sử, tổng kết tìm ra điểm chung, hoặc rút ra bài học kinh nghiệm, đòi hỏi khả năng đánh giá, nhận xét.
Đề thi môn Địa lý nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12, không có câu hỏi lí thuyết thuộc nội dung kiến thức 11 nhưng có 2 câu thực hành kĩ năng bảng số liệu và biểu đồ lấy số liệu từ lớp 11. Tỉ lệ câu hỏi lí thuyết /thực hành là 62,5%/37,5%.
Nhìn chung, mức độ câu hỏi khó hơn hơn đề thi tham khảo. Đề thi không xuất hiện dạng câu hỏi so sánh, không có câu hỏi mang tính thời sự. Đề thi đảm bảo mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp, có độ phân hóa phù hợp cho mục tiêu tuyển sinh đại học.
Môn Giáo dục công dân là môn thi cuối cùng trong bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội. Trong đó, 90% tổng số câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12 và 10% câu hỏi thuộc lớp 11, riêng với câu hỏi lớp 12, có 66% câu hỏi thuộc phạm vi kiến thức học kỳ I.
Mức độ căn cứ vào tỉ lệ cấp độ nhận thức tương đương đề tham khảo tốt nghiệp THPT 2021, tuy nhiên về độ khó thì nhỉnh hơn đề tham khảo, xuất hiện nhiều câu hỏi mang tính thời sự như về dịch Covid-19, cá độ bóng đá...
Đề thi chính thức khó hơn đề minh họa của Bộ?
Sáng nay 8/7, những thí sinh đăng ký thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên đã hoàn thành bài thi của mình. Nhiều giáo viên đánh giá đề thi có độ phân hóa cao. Trong đó, môn Vật lý luôn làm khó nhiều thí sinh.
Cô Trần Thị Kim Ngân, giáo viên Vật lý của Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) nhận định, đề thi môn Vật lý nhìn chung có mức độ khó hơn đề minh họa mà Bộ GD&ĐT công bố, đặc biệt có nhiều câu hỏi gây bất ngờ.
“Độ khó của đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 hơn khoảng 20% so với đề minh hoạ”, cô Ngân nói.
"Từ câu 1-30, học sinh khá thì có thể xử lý tốt, học sinh trung bình thì chưa chắc làm số này. Từ câu 31-36, học sinh giỏi có thể cũng gặp khó vì cần tư duy nhiều. Từ câu 37-40, thì không quá khó nếu so với các năm trước", cô Ngân đánh giá.
"Như vậy, dự kiến phổ điểm 6-7,5 là nhiều". Với đề thi này, theo cô Ngân sẽ phân hoá học sinh tốt. “Đề có vẻ khó hơn năm ngoái. Như vậy khả năng mặt bằng điểm thi sẽ thấp hơn".
Trong khi đó, với môn Sinh học, thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm (Hà Nội) đánh giá nhìn chung đề thi tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ GD&ĐT đã công bố và đảm bảo mục tiêu của kì thi tốt nghiệp THPT, có nội dung phân hóa phục vụ xét tuyển đại học. Đề có nhiều câu hỏi ứng dụng kiến thức Sinh học vào thực tế.
Tuy nhiên, theo thầy Công, đề thi môn Sinh có cấu trúc và độ khó cao hơn so với đề tham khảo năm 2021.
Cụ thể hơn, thầy Công cho biết cũng như đề các năm gần đây, đề thi hầu như nằm hoàn toàn trong chương trình học kì I lớp 11 và lớp 12 chỉ có 1 câu vận dụng kiến thức vi sinh vật xếp vào chương trình lớp 10.
Có 3 câu hỏi trong chương trình lớp 11, có 1 câu hỏi nằm trong chương trình lớp 10, ứng dụng vào thực tế phòng trừ Covid, còn lại là các câu hỏi ở lớp 12. Có một số câu hỏi vận dụng thực tế vào cuộc sống…
Những câu hỏi nhận biết và thông hiểu vẫn rơi vào các nội dung kiến thức của chương trình lớp 10, 11; phần tiến hóa, sinh thái của chương trình lớp 12 và một số câu hỏi thuộc phần cơ chế di truyền và biến dị lớp 12.
Các câu hỏi bài tập vẫn tập trung ở nội dung cơ chế di truyền và biến dị, quy luật di truyền, di truyền quần thể và di truyền người. Các câu hỏi ở mức vận dụng cao nằm ở nội dung quy luật di truyền, di truyền quần thể và di truyền người.
Đặc biệt, không xuất hiện phả hệ mà dùng mô tả di truyền người để mô tả phả hệ. Phần di truyền quần thể vận dụng cao phức tạp hơn các năm trước nhiều.
“60% các câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, 40% số câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao dùng để phân hóa thí sinh phục vụ mục tiêu xét tuyển đại học", thầy Công nhận định.
Do đó, thầy giáo này cho rằng đây là một đề thi phân hóa tốt. Các thí sinh hoàn toàn yên tâm với mục tiêu xét điểm tốt nghiệp, chỉ cần ôn tập và nắm chắc kiến thức sách giáo khoa thí sinh có thể đạt được điểm 6-7 một cách dễ dàng. Nhưng để đạt 9-10 điểm thì không dễ.
| Thi tốt nghiệp THPT: Có thí sinh nhiễm Covid-19, Bộ GD&ĐT lên tiếng Kết thúc ngày đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, một số địa phương phát hiện thí sinh nhiễm Covid-19, đại diện Bộ GD&ĐT ... |
| Thi tốt nghiệp THPT: Hôm nay, gần 1 triệu thí sinh bước vào ngày thi thứ 2 Hôm nay (8/7), gần 1 triệu thí sinh bước vào ngày thi tốt nghiệp THPT thứ 2. Thí sinh làm 2 bài thi Khoa học ... |