Trong câu chuyện với tôi, ông không kể về mình, ông chỉ kể về những đồng đội trong thời chiến đấu ở miền Nam. Người lính đặc công già thời kháng chiến chống Mỹ đã có những ngày tháng “đánh Nam dẹp Bắc” nhưng vẫn khiêm tốn: “Tôi không muốn nói về mình, tôi muốn dòng ký ức hào hùng ấy để dành cho những đồng đội đã khuất”.
Đất nước hết giặc, em về làm ruộng
Ông kể, 18 tuổi, chàng thanh niên thành phố hoa phượng đỏ Lê Hoài Thanh nhập ngũ, khi đó là Tiểu đoàn Cát Bi (Hải Phòng). Tiểu đoàn của ông cókhoảng hơn 600 người chiến đấu ở Củ Chi – Trảng Bàng.
Hồi đó, đơn vị của ông triển khai ém ở ven Sài Gòn chờ lệnh. Đến trưa 30/4/1975 theo lệnh của Bộ Tư lệnh Miền tranh thủ chiếm lĩnh các khu vực, mục tiêu quan trọng, không được để địch tẩu tán tài liệu và vũ khí. Sau đó, đơn vị ông đánh trên đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám) có biệt khu Sài Gòn – Gia Định.
Ông kể, chiến trường Sài Gòn – Gia Định là chiến trường ác liệt nhất. Địch mọi cách đánh bật chủ lực của ta bằng bom đạn và liên tục càn quét, nhưng ta vẫn cố bám thành phố. Nằm ven Sài Gòn, căn cứ của đơn vị ông cách địch khoảng 7-8 km, đó là căn cứ rừng làng. Nói về độ khốc liệt, ông nói, khi hòa bình lập lại, nhà nước mới cho làm nông trường ở đấy, khi ủi đất vẫn còn có mấy trăm quả mìn ở căn cứ đó.
Thiếu tướng Lê Hoài Thanh (thứ 4 từ trái sang) trong dịp Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu thăm và làm việc tại Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam. |
Nhớ lại, những năm 1967 - 1968 ở Củ Chi có ông Sáu Cù - một người dân chân chất, thật thà. Người nông dân ấy tự làm "căn cứ riêng của mình", gài mìn xung quanh, xin bộ đội súng, mìn, lựu đạn. Địch vào, ông Sáu Cù mang mìn ra cài, bắn rơi máy bay trực thăng của địch. Có lần ông Sáu Cù nói: “Hoài Thanh ơi, nghe tụi bay sắp chống càn à? Cho tao chống càn với”. Ông Sáu Cù hăng hái tham gia chống càn, sau đó ông lại về căn cứ địa đạo của mình ở xóm làng. Nghĩ về người bạn chiến đấu đặc biệt ấy, tướng Thanh nói: “Có những người kỳ lạ như thế!”.
Rồi ông lại nghĩ đến một cô gái là đội trưởng đội biệt động Củ Chi có hai tên (Võ Thị Trong, Võ Thị Tiệp). Có một trận đánh cô bị bắt đưa vào bệnh viện của giặc rồi bị cắt mất cánh tay trái. Khi được cứu ra, trên giao cho đội của cô nhiệm vụ giết tên đại úy đồn trưởng của địch.
Nắm được tình hình buổi chiều tên tướng giặc thường hay ra quán uống rượu, cô Tiệp nhờ một nữ đồng đội giả vờ gánh cỏ tiếp cận doanh trại của địch, nghêu ngao hát cải lương. Nghe tiếng hát ngọt ngào của cô thôn nữ, tên lính gác bỏ chốt để ra tán tỉnh. Biết thời cơ đến, nữ biệt động dừng xe bên cửa, khi tên đồn trưởng của giặc còn đang lơ mơ ngủ vì say rượu, vào đến nơi cô Tiệp quát to: “Nhân danh cách mạng, tao phán tử hình mày”.
Vừa nói, cô Tiệp vừa kéo khẩu súng bằng một tay. Nhưng trước đó, do sợ bị tuột nên cô thắt sợi dây dù giữ khẩu súng ngang bụng. Không ngờ đó là lý do khiến khẩu súng mắc kẹt, cô không thể giật được chỉ bằng một tay. Tướng giặc bất ngờ chồm dậy, ôm ngay khẩu súng. Thật may, cô Tiệp giật mạnh bắn phát đạn giữa mặt tên giặc và chạy thoát.
Ông lại kể về một đồng đội cũ cùng Trung đoàn chiến đấu gian khổ từ năm 1962, ngay sau khi giải phóng miền Nam đã lên gặp Chính Ủy: “Tôi xin trả súng, trả tài liệu cho Chính Ủy, tôi về làm dân”. Khi được hỏi lý do tại sao lại muốn về làm dân, người đồng đội ấy thành thật: “Nói thật với thủ trưởng, giặc xâm lược, em xung phong đi đánh giặc; khi đất nước hết giặc rồi, em về làm ruộng...”.
"Các anh trả thù cho em nhé!"
Thiếu tướng Lê Hoài Thanh là trinh sát đặc công, sau này ông là Tổ phó tình báo, chủ yếu đánh chiến lược, lấy tin tức. Bị thương nhiều lần nhưng ông vẫn lạc quan: “Cũng may tôi bị thương nhưng không nguy hiểm”.
Ông nhớ lại, tháng 7/1968, khi về đến đất Củ Chi chỉ còn 14 người. Khi đó, ông là người duy nhất biết đường đi. Chỉ còn một đêm nữa là đến vùng giải phóng, cả đoàn ém lại ở bờ kênh Rạch cụt. Nước ở bờ kênh cao ngang bụng, cứ hai người chung một hầm. Còn trên trời, hai trực thăng của địch vẫn quần thảo.
Quân ta tiến đánh tại Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. (Nguồn: Tư liệu) |
Ông ở cùng hầm với một đồng đội tên Nguyễn Văn Quạt. Do một lần lách chậm để tránh đạn, người đồng đội ấy đã bị địch bắn vào bụng. Trên cánh đồng nước ngang bụng, ông vội lấy dù quấn cho đồng đội chứ không thể lên bờ để băng bó được, vì địch vẫn đang bắn ở phía trên. Khi đó ông đã nghĩ, đồng đội khó có thể qua khỏi vì vết thương quá nặng, nhưng vẫn cố gắng hết sức vì “còn nước còn tát”.
Trong cơn đau, người đồng đội nói yếu ớt: “Anh Thanh ơi, cho em hút điếu thuốc, em thèm thuốc quá”. Ông dứt khoát: “Không được, giờ hút thuốc, nhả khói, địch biết thì cho mình đi đứt”. Nhưng nhìn đồng đội vật vã với cơn đau, ông đành bảo: “Bây giờ tao cho mày hút thuốc, nhưng mày phải nuốt vào nhé, thả khói ra là bị địch bắn chết ngay”.
Sau khi nuốt ba hơi thuốc thì hai phút sau người đồng đội nhắm mắt. Trước khi hy sinh, người đồng đội dặn dò: “Anh Thanh ơi, em không sống được nữa rồi, anh cho em chuyển lời hỏi thăm anh em đồng đội, thăm các thủ trưởng. Sau này nếu có điều kiện thì anh về thăm quê em. Các anh trả thù cho em nhé”. Sau đấy người đồng đội đã ra đi. Giọng ông trầm ngâm khi nhớ lại kỷ niệm buồn ấy.
Tĩnh lặng đôi chút, ông nói, đến chiều tối hôm ấy chỉ còn 6 người sống. Anh em đưa 8 người đồng đội lên, tắm rửa, lau người và thay quần áo, sau đó đào cái hố dài khoảng 3-4m trên nền nhà cũ của người ta. Xếp đồng đội nằm dãy dài, đổ đất, đắp cỏ lên trên rồi bắn mấy phát súng tiễn biệt các đồng đội về với đất mẹ.
Nỗi trăn trở của người ở lại
Sau ngày giải phóng, ông quay vào chiến trường cũ, nói với anh em: “Còn 8 thằng nằm ở đấy, phải tìm được chúng”. Trước là cánh đồng bưng đã thành một cái làng, cảnh đã đổi thay, cây cối không còn như xưa, không sao nhận ra điểm chôn cất 8 đồng đội ngày nào. Bàn tay của thời gian và mưa gió đã quét đi hầu hết những vết tích, những nông trường mọc lên, mọi thứ đã đổi thay, việc tìm lại nơi nằm xuống của đồng đội càng khó khăn hơn. Sau đó, khoảng đầu những năm 90, ông quay lại lần nữa, nhưng vẫn chưa tìm được nơi chôn cất đồng đội năm nào. Đó là điều mà ông luôn canh cánh trong lòng.
Tiếp nối những ký ức xưa cũ, ông kể trong một trận đánh hồi tháng 5/1968, 40 chiến sĩ của đơn vị ông hy sinh. Có một cụ già bảo nhìn thấy địch ném thi thể của bộ đội ta xuống giếng. Cái giếng đó đã lấp lại, khi đào lên đúng là nơi nằm xuống của anh em chiến sĩ bị hy sinh ngày đó. Khi đưa các đồng đội lên, tra danh sách các đơn vị gốc để tìm quê quán, mới tìm được tên của 18,19 đồng đội đã hy sinh để tập kết đưa vào nghĩa trang.
Những cựu chiến binh đang hoạt động tại Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam. |
Nhớ lại, tháng 5/1969 đơn vị ông có trận đánh chống càn Mỹ, hy sinh 5 người trong hầm chống pháo. Nhưng đến nay vẫn không tìm được nơi yên nghỉ của các đồng đội. Thoáng buồn, ông nghĩ lại, thời ấy một năm đánh bốn mươi đến năm mươi trận, có trận hy sinh chục người, có trận hy sinh vài chục người. Dù đơn vị đã được bổ sung thêm hai tiểu đoàn nhưng lực lượng cứ vơi dần. “Trung đoàn tôi là Trung đoàn anh hùng. 30/4 năm nay kỷ niệm 60 năm thành lập”, người tướng già tự hào nói.
Dù tác phong “đặc công” nhưng trong tâm hồn ông vẫn rất “văn nghệ”, thích chơi đàn, thích vẽ, thích thơ văn. Xen kẽ những ký ức hào hùng, ông chợt nhớ bài thơ mình từng viết: “Tôi vác súng lên đường đánh Mỹ/ Hoa phượng mùa hè giăng đầu đỏ hành lang/ Vòm mát năm xưa nay là nơi tri kỷ/ Đêm say lòng giờ tiễn biệt người đi/ Hỡi gió đứng Trường sơn, hỡi những dòng thác núi/ Hỡi mái đầu xanh dầu dãi gió sương/ Đêm công đồn quanh mình ta lửa đỏ/ Lòng vẫn mơ màu hoa phượng quê hương”.
Người còn sống không muốn kể về mình dù họ thực sự là những chiến sĩ dũng cảm. Trò chuyện với ông, câu chuyện không phải của hơn 40 năm trước, dường như mới hôm qua thôi. Ông vẫn trăn trở về những người đồng đội đã ngã xuống hy sinh, đau đáu với ý nguyện tìm lại tên cho những người đang còn nằm ở bìa rừng, bờ suối nào đó. Tâm nguyện của ông cũng là tâm nguyện chung của những cựu chiến binh đang công tác tại Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam. Thời xuân xanh, họ cống hiến cho độc lập dân tộc. Nay dù tuổi đã cao nhưng các bác, các chú vẫn dành tâm huyết, sức lực của mình để tìm lại tên cho đồng đội, vẫn là những “anh bộ đội Cụ Hồ” giữa thời bình.
“Không buồn sao được khi vẫn còn rất nhiều đồng đội chưa quy tập được, hài cốt anh em còn nằm ở bờ sông bờ suối, bìa rừng, vũng lầy nào đó. Khi chưa tìm thấy những anh em đã vào sinh ra tử của mình, chúng tôi vẫn chưa an lòng”, Thiếu tướng Lê Hoài Thanh khắc khoải.