Back to E-magazine
e magazine
09:00 | 04/05/2021
Ký ức về cuộc gặp ấn tượng và tiếng cười trứ danh của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch

09:00 | 04/05/2021

Trong cuộc đời, con người ta gặp nhiều sự trùng hợp tình cờ đầy thú vị. Như khi chúng tôi đang tỏa ra khắp các hướng tìm nhân vật để phỏng vấn về cố Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, thì nhà báo Thomas Bo Pedersen đến từ đất nước Đan Mạch xa xôi lại đang đi tìm một tòa soạn để xuất bản lại bài phỏng vấn đầu tiên với Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch như một sự tri ân...
Nhà báo Đan Mạch, kí ức về cuộc gặp ấn tượng và tiếng cười trứ danh của  Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch

Ký ức về cuộc gặp ấn tượng và tiếng cười trứ danh của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch

Nhà báo Đan Mạch, kí ức về cuộc gặp ấn tượng và tiếng cười trứ danh của  Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch

Thomas bắt đầu cuộc trò chuyện bằng ký ức về ngày sinh nhật tuổi 29 ở Việt Nam. Buổi sáng tháng 6/1984, nhà báo trẻ được tặng hoa cùng những lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Buổi chiều, anh được đưa đến khu vực biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc để chứng kiến hiện trường vụ Trung Quốc bắn đạn pháo tàn phá một trạm cung cấp nước vài tuần trước đó. Khi Thomas đang nói chuyện cùng bộ đội Việt Nam, lính Trung Quốc đã nã pháo vào vị trí cả nhóm đang đứng, khiến Thomas bị một phen khiếp sợ vì “trong đời chưa bao giờ trải qua chiến tranh”.

Trở về Hà Nội, Thomas đã chia sẻ câu chuyện với các nhà báo Việt Nam. Sáng hôm sau, trên trang nhất báo Nhân dân có bài viết với tiêu đề: “Việt Nam đón nhà báo Đan Mạch bằng hoa, Trung Quốc đón bằng pháo”!

Vào ngày diễn ra cuộc phỏng vấn, khi vừa nhìn thấy Thomas bước vào phòng, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã đứng dậy nói: “Ô, chính là cậu đấy hả!”.

Sau đó ông hỏi: “Thế cậu thích cái nào hơn, sự thân thiện của Việt Nam hay sự ‘thân thiện’ của Trung Quốc?”. Rồi ông cười to. Ngay từ giây phút đó, tiếng cười, cùng phong thái của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã đi vào tâm trí của nhà báo trẻ và lưu lại mãi đến tận bây giờ.

“Bạn biết không, nhiều năm đã trôi qua, tôi vẫn nhớ về tiếng cười đó, nó giống như tiếng sấm vọng từ xa lúc sắp có cơn mưa, nó từ từ tiến gần và sau đó vang lên khắp cả căn phòng”, Thomas nói.

Nhà báo Đan Mạch, kí ức về cuộc gặp ấn tượng và tiếng cười trứ danh của  Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch

Thomas Bo Perdersen, người đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch năm 1984.

Nhà báo Đan Mạch, kí ức về cuộc gặp ấn tượng và tiếng cười trứ danh của  Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch

Tôi rất tò mò về lý do của cuộc phỏng vấn. Có phải do nhiều chủ đề “nóng” thời đó như quan hệ Việt-Mỹ, Việt-Trung, vấn đề Campuchia, hay vì ông Thạch cũng là một nhân vật hấp dẫn với các nhà báo?

Là một nhà báo, tôi cũng nắm được tình hình của Việt Nam lúc đó. Khi tiếp tôi đến phỏng vấn, ông Thạch nói rằng, chiến tranh là trải nghiệm rất khủng khiếp nhưng hòa bình còn phức tạp hơn. Việt Nam đã chiến thắng nhưng hiện Việt Nam đang ở trong tình thế khó khăn.

Chính phủ Việt Nam đã phải lèo lái để vừa tìm cách bảo vệ đất nước, lại không đóng cửa trước những cơ hội tốt và không bao giờ muốn phụ thuộc vào bất kỳ một người bạn lớn nào. Việt Nam đã có kinh nghiệm “xương máu” về việc này.

Nhà báo Đan Mạch, kí ức về cuộc gặp ấn tượng và tiếng cười trứ danh của  Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch

Ông Thạch đã đúng khi nói rằng: Mỹ thua trên chiến trường nhưng cuộc chiến vẫn tiếp diễn, ở các khía cạnh ngoại giao, kinh tế, chính trị. Mỹ lại rất thành công trong thuyết phục các nước phương Tây tham gia cấm vận chống Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam phải chịu sức ép lớn từ Trung Quốc. Ngoài Liên Xô và các nước Đông Âu, Việt Nam chỉ có một số ít bạn bè trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, được gặp ông Thạch, một đại diện của Việt Nam, được đối diện với ông cùng với tất cả những cáo buộc từ phương Tây và có được câu trả lời của ông là một “giấc mơ” đối với những nhà báo trẻ như tôi.

Tuy nhiên, tôi cũng có lý do cá nhân khác. Đó là tôi muốn nghiên cứu ảnh hưởng của chất độc màu da cam. Một năm trước, năm 1983, khi tôi đang đi đưa tin về thỏa thuận hòa bình ở Prague, Czech, lần đầu tiên tôi đã gặp bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng. Khi nghe bác sĩ thuyết trình về chất độc da cam, tôi cảm thấy thực sự khủng khiếp.

Lúc đó, tôi đã quyết định phải đến Việt Nam để tìm hiểu vấn đề này. Tôi phải mất gần một năm để xin thị thực, lúc đó như vậy cũng là khá nhanh rồi, nhờ vào mối quan hệ khá thân thiết giữa Đảng Cộng sản Đan Mạch và Đảng Cộng sản Việt Nam...

Chuyến đi đến Việt Nam của ông đã bắt đầu như thế nào?

Tôi vẫn nhớ khi đến sân bay Nội Bài - lúc đó còn là một sân bay nhỏ, tôi đã được một cán bộ thuộc Ban Đối ngoại Trung ương đón. Gặp tôi, họ ngạc nhiên. Họ nói: “Không hiểu sao Đảng Cộng sản Đan Mạch lại cử đến một nhà báo trẻ thế!”. Tôi trả lời: “Đừng lo cho tôi. Tôi trẻ nhưng vũ khí của tôi rất sắc bén đấy”.

Tuy vậy, tôi cũng hiểu rằng Việt Nam đồng ý thu xếp cuộc phỏng vấn của tôi với ông Thạch vì vài tháng trước đó tôi phỏng vấn bà Nguyễn Thị Bình (nguyên Phó Chủ tịch nước - PV) ở thủ đô Copenhagen khi bà ghé qua sau chuyến thăm Thụy Điển. Lúc đó tôi cũng là phóng viên duy nhất phỏng vấn bà Bình, và có vẻ bà Bình rất hài lòng với bài phỏng vấn.

Hẳn ông đã chuẩn bị rất kỹ cho cuộc phỏng vấn?

Được trao cơ hội quý báu như vậy dĩ nhiên là tôi phải chuẩn bị kỹ rồi. Tôi ngủ rất ít vào đêm trước cuộc phỏng vấn. Khi bước vào văn phòng của ông Thạch, tôi cảm thấy như tất cả “vũ khí” của mình đã sẵn sàng.

Nhà báo Đan Mạch, kí ức về cuộc gặp ấn tượng và tiếng cười trứ danh của  Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch
Thomas Bo Pedersen tặng bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng tấm ảnh chụp bà trong lần gặp đầu tiên giữa hai người, năm 1983.

Nhà báo Đan Mạch, kí ức về cuộc gặp ấn tượng và tiếng cười trứ danh của  Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch

tỷ

Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên đó, câu trả lời nào của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch khiến ông ấn tượng nhất?

Như bạn đã thấy trong bài phỏng vấn được gửi cho Tòa soạn, tôi đã hỏi ông Thạch về mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên Xô. “Thưa ông, người ta nói rằng ông là Ngoại trưởng của Liên Xô tại Việt Nam, điều đó có đúng không?”. Ông Thạch lại cười, còn cười to hơn cả lúc trước.

Trong cuộc phỏng vấn, tôi cũng hỏi rất nhiều câu về Campuchia, mà bạn nói là chủ đề “nóng” của thời đó. Dĩ nhiên tôi hiểu lúc đó vấn đề Campuchia là một nỗi lo ngại của phương Tây. Phương Tây đã tài trợ cho các hoạt động của Shihanouk, ủng hộ Khmer Đỏ là đại diện cho Campuchia ở Liên hợp quốc. Bởi quá lúng túng trước vấn đề này, phương Tây lái sự chú ý dư luận khỏi sự ủng hộ mà họ dành cho Khmer Đỏ và nhằm vào Việt Nam, vì thực tế quân đội Việt Nam đang có mặt ở Campuchia.

Tôi đã hỏi Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch: Ông nói lực lượng Việt Nam ở đó để cứu người Campuchia khỏi diệt chủng nhưng thực tế các ông đang làm gì ở đó, liệu có khả năng các ông sẽ chiếm Campuchia và biến nước này thành một phần của Việt Nam?

Dĩ nhiên là ông Thạch bác bỏ mọi cáo buộc.

Sau này, khi thỏa thuận hòa bình đạt được tại Campuchia vào năm 1989, tôi đã được Bộ Ngoại giao Đan Mạch cử đến Campuchia theo một Dự án đào tạo báo chí của Liên hợp quốc. Tôi đã hiểu tình hình ở Campuchia như thế nào trước khi có thỏa thuận hòa bình và tại sao quân đội Việt Nam lại có mặt ở nước này.

Tôi nhớ hôm gặp ông Thạch, tôi đã liên tục hỏi về Campuchia. Và ông nói với tôi: Tại sao bạn không đến đó và tự chứng kiến mọi thứ?!

Nhìn lại cuộc phỏng vấn, có thể nói vấn đề lớn nhất của tôi với Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch không phải là ông trí tuệ hơn tôi, kinh nghiệm hơn tôi rất nhiều, mà đó là: Những điều ông Thạch nói đều đúng!

Vậy ông có hài lòng với cuộc phỏng vấn?

Rất hài lòng, mặc dù tôi giống như bị hạ đo ván trong một trận đấu quyền Anh, với tỷ số trắng (cười). Nhưng tôi đã rất ấn tượng bởi sự khích lệ, tính cách của ông ấy, đến nỗi mỗi lần gặp ông đều là một trải nghiệm tuyệt vời.

Còn cảm giác thất bại trước ông trong một trận đấu thì đó là điều bình thường, bởi tôi biết không chỉ có tôi mà nhiều nhà báo kinh nghiệm cũng đã nếm trải điều này.

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cũng là thành viên cao cấp duy nhất của chính quyền Việt Nam có thể ngồi nói chuyện “tay đôi” với các phóng viên nước ngoài bằng tiếng Anh.

Không chỉ có vậy, kinh nghiệm làm ngoại giao lâu năm còn cho ông có thêm lợi thế là hiểu rất rõ người phương Tây và hiểu người phương Tây nghĩ gì. Nếu xem đoạn phim tài liệu về Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch mà Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ thực hiện, bạn sẽ thấy, trong đàm phán, ông Thạch có rất nhiều đối thủ, nhưng họ đều dành những lời khen rất tốt đẹp cho ông.

Nhà báo Đan Mạch, kí ức về cuộc gặp ấn tượng và tiếng cười trứ danh của  Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch

Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch (giữa, bên trái) khi là Trợ lý đồng chí Lê Đức Thọ, đồng thời là Trưởng đoàn chuyên viên tại Hội nghị Paris về Việt Nam năm 1972.

Nhà báo Đan Mạch, kí ức về cuộc gặp ấn tượng và tiếng cười trứ danh của  Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch

Là nhà báo đến từ phương Tây, nhưng ông phỏng vấn Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch với tư cách là bạn bè, chứ không phải đối thủ, vì ông đến từ Đảng Cộng sản Đan Mạch?

Đúng thế. Nhưng ở phương Tây, một nhà báo là một nhà báo. Tổng biên tập tôi nói rằng: Cậu đến đó không phải là để viết bài tuyên truyền cho Việt Nam. Và tôi phải tuân thủ điều này.

Dù vậy, tôi vẫn nghĩ rằng ông Thạch cũng có thiện cảm với mình. Nếu không thì tôi không thể có cơ hội phỏng vấn ông đến ba lần. Rất tiếc hai bài báo sau tôi không lưu giữ được.

Tại sao ông nghĩ rằng Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch có thiện cảm với mình?

Tôi nghĩ rằng có lẽ tôi đã khiến ông ngạc nhiên vì sự chuẩn bị kỹ càng cho cuộc phỏng vấn. Ban đầu, ông Thạch ngồi thư giãn như uống trà chứ không phải “bị” phỏng vấn. Nhưng sau đó, rất nhanh, dường như ông nhận ra rằng tôi ở đó với mong muốn nhiều hơn thế, không phải là cuộc trò chuyện giữa một quan chức cao cấp với một “đồng chí” đến từ Đảng Cộng sản Đan Mạch. Tôi có tham vọng khác, và điều đó khiến ông chú ý hơn, thấy thích thú hơn và sẵn sàng “bị” hỏi nhiều hơn.

Nhưng cũng có thể bản tính ông là như vậy. Ông không nề hấn gì khi người khác đối đầu với ông, hỏi ông những câu gai góc. Bởi điều đó đã xảy ra với ông nhiều lần ở New York, khi ông bị các nhà báo Mỹ vây quanh. Ông là kiểu chính trị gia biết làm thế nào để chiến thắng khi ứng xử với phía đối lập.

Ngoài ra, còn có một chuyện thế này. Là Bộ trưởng Ngoại giao, ông Thạch ở vị trí rất cao, nhưng ông đã có cử chỉ rất thân thiện đầy bất ngờ với tôi, một nhà báo trẻ tuổi.

Đó là lúc tôi phỏng vấn ông lần thứ hai (năm 1985). Khi cuộc phỏng vấn kết thúc, ông bỗng đứng dậy, đi cùng tôi suốt con đường ra cổng tòa nhà Bộ Ngoại giao và nói tạm biệt tôi ngay trước chiếc xe ô tô đang chờ đưa tôi về nhà khách. Đây chắc chắn là cử chỉ lễ tân không theo lẽ thông thường.

Tôi không biết ông Thạch có nhớ hay ấn tượng nhiều với nhà báo trẻ như tôi hay không, nhưng có thể ông vẫn nhớ đến câu chuyện về ngày sinh nhật với cả hoa và đạn pháo của tôi tại Việt Nam.

Nhà báo Đan Mạch, kí ức về cuộc gặp ấn tượng và tiếng cười trứ danh của  Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch

Ông đánh giá như thế nào về đóng góp của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cho Việt Nam?

Tôi không biết cụ thể ông Thạch đã có đóng góp như thế nào, nhưng điều tôi biết rất rõ là ông Thạch là người vô cùng quan trọng đối với quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. Sự tôn trọng mà nước Mỹ dành cho Việt Nam ngày càng lớn là có liên quan rất nhiều đến ông Thạch, dù ông không phải là người duy nhất tạo ra điều đó.

Hơn ai hết, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là người đã tạo ra uy tín cho Việt Nam. Ông trở thành biểu tượng cho một đất nước Việt Nam mà thế giới có thể đối thoại. Tôi nghĩ rằng ông Thạch có thể nói chuyện với bất kỳ ai, có lẽ chỉ trừ Pol Pot, và luôn để ngỏ mọi cánh cửa. Tôi cho rằng đóng góp lớn nhất của ông cho Việt Nam là đưa đất nước ra khỏi sự cô lập và hội nhập cùng thế giới.

Dĩ nhiên tôi hiểu có đóng góp của nhiều nhân vật quan trọng khác ở hậu trường, chứ không riêng chỉ có ông Thạch. Nhưng người mà Việt Nam chọn để làm đại diện trước thế giới, đó là Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.

Về mặt cá nhân mà nói, tôi rất vui khi chứng kiến sự ghi nhận hiện nay đối với những đóng góp của ông Thạch tại Việt Nam, nhất là vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông năm nay.

Ông có nghe bạn bè quốc tế nói gì về Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch?

Rất nhiều. Hầu hết đều nói: “Giá mà tôi được gặp ông ấy”.

Bạn tôi, một người chuyên viết bình luận về các vấn đề châu Á rất có ảnh hưởng ở Đan Mạch, từng nói rằng, trong số những người mà anh đã từng phỏng vấn thì ông Thạch là người thú vị nhất (most facinated).

Tôi cũng là thành viên của Hội Hữu nghị Đan Mạch-Việt Nam và tôi có nhiều bạn bè ở trong Hội. Nhiều đoàn của Hội đã đến thăm Việt Nam và lúc nào ông Thạch cũng rất nhiệt tình dành thời gian tiếp đoàn. Mỗi lần mọi người kể về ông Thạch, họ đều rất xúc động, và tất cả đều nhớ rõ kỷ niệm của mình với ông Thạch, và lại nói về tiếng cười trứ danh!!!

Tôi đã từng nói trong cuộc phỏng vấn với Bộ Ngoại giao rằng ngay từ lúc đầu gặp Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, tôi đã hiểu rằng vũ khí lợi hại nhất mà ông Thạch có, với tư cách là một nhà ngoại giao hết sức tinh tế, chính là khiếu hài hước của ông.

Ông không bao giờ lùi bước và luôn tìm cách bảo vệ lợi ích của Việt Nam trong các cuộc đàm phán quốc tế. Nhưng ông cũng là chuyên gia trong việc đem lại bầu không khí dễ chịu trên bàn đàm phán, và đó là điều rất quan trọng. Các đối tác và đối thủ đều muốn nói chuyện với ông. Khi đưa ra một thông điệp cứng rắn, ông thường làm giảm nhẹ độ căng thẳng bằng một nụ cười, nhưng thông điệp của ông không hề bớt cứng rắn hơn.

Tôi chắc chắn rằng nhiều người Mỹ sẽ nói rằng: “Tôi không nhất trí nhiều với ông Thạch, nhưng tôi thực sự thích ông ấy”.

Nhà báo Đan Mạch, kí ức về cuộc gặp ấn tượng và tiếng cười trứ danh của  Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch tại một buổi lễ ở Trung tâm Edgecliff (Australia) ngày 18/3/1984.
Ông từng nói muốn xuất bản bài phỏng vấn đầu tiên của ông với Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch như một lời tri ân nhân dịp sinh nhật lần thứ 100 của ông Thạch. Ông cũng có thêm 2 bài phỏng vấn khác nữa. Hẳn ông có nhiều tình cảm với ông Thạch hơn là sự ngưỡng mộ và ấn tượng từ cuộc gặp đầu tiên?

Có hai điều tôi muốn nói. Thứ nhất là ông Thạch để lại ấn tượng cá nhân rất tốt với tôi và không bao giờ tôi quên được.

Tôi nghĩ rằng, điều khiến cho ông Thạch trở thành một nhân vật vĩ đại là bởi ông luôn nói: “Đừng làm mọi thứ về tôi to tát lên”. Ông nói rằng, Việt Nam thành công vì đã có nhiều nhà lãnh đạo tài năng và ông nói điều đó không phải vì miễn cưỡng, hay khiêm tốn, mà ông chính là như vậy.

Nếu người khác ca ngợi ông, ông sẽ nói: “Tôi có nhiệm vụ quan trọng, nhưng tôi là một người trong cả một tập thể lớn. Tôi chỉ hy vọng đã hoàn thành công việc của mình”.

Khi Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ thực hiện đoạn phim tài liệu về Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, tôi được Bộ Ngoại giao Việt Nam mời đến phỏng vấn. Khi họ đề nghị so sánh ông Thạch với “bất kỳ nhân vật nổi tiếng nào mà ông đã gặp”, tôi đã nói rằng đó là Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Tôi từng có cuộc gặp ngắn với Bill Clinton ở Washington D.C và vị cựu Tổng thống Mỹ cũng có cùng một kiểu “chiến thuật” như vậy, cộng với sự duyên dáng và trí tuệ sắc bén, khi ông phải đối diện với những người bất đồng quan điểm.

Ngược về lịch sử, với những người mà tôi chưa gặp nhưng được nghe kể lại, tôi nghĩ có thể so sánh ông Thạch với anh hùng dân tộc của Ấn Độ Mahatma Gandhi. Tôi ấn tượng mãi với câu chuyện về lần đầu tiên Mahatma Gandhi sang nước Anh. Khi được một nhà báo Anh hỏi: “Thưa ngài Gandhi, ông nghĩ sao về văn minh phương Tây?”, Gandhi đã nhìn thẳng vào mắt người đó và nói: “Tôi nghĩ đó là một ý hay”.

Chẳng khác nào ông muốn nói phương Tây làm gì có văn minh! Tôi có thể tưởng tượng ra vẻ mặt của ông Thạch khi ông nói điều tương tự, và ông sẽ cười to.

Thứ hai, hiện tôi đang thực hiện một cuốn sách có tiêu đề “Việt Nam - Những gì người ta nói với tôi” (Vietnam - What people told me). Trong cuốn sách mà tôi đang viết có rất nhiều nhân vật xuất hiện, nhưng ông Thạch là một trong những người quan trọng nhất, và năm nay lại là năm đặc biệt, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông Thạch.

Tôi cũng sẽ tìm những người mà tôi đã gặp nhiều năm trước, nói chuyện với họ để kể lại 40 năm của tôi ở Việt Nam. Cuốn sách chỉ có mục đích duy nhất là nói lên lời cảm ơn với Việt Nam. Việt Nam thực sự là quê hương thứ hai của tôi (nói bằng tiếng Việt).

Nhà báo Đan Mạch, kí ức về cuộc gặp ấn tượng và tiếng cười trứ danh của  Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch

Ông nói rằng là một nhà báo, ông làm theo đúng nghề của mình, nhưng với tình cảm dành cho Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, có vẻ ông đang làm theo trái tim mình mách bảo?

Bạn nói đúng, ở khía cạnh nào đó. Nhưng tôi không hành động chỉ theo trái tim.

Tôi năm nay 66 tuổi, vừa là nhà báo, nhà ngoại giao, doanh nhân, và tất cả công việc của tôi đều gắn với Việt Nam. Tôi mong muốn được nói với mọi người rằng tôi rất biết ơn Việt Nam. Chỉ ở Việt Nam, tôi mới có được thành công, có đồng nghiệp, bạn bè như hiện nay.

Nhưng bạn có phần đúng. Việt Nam có rất nhiều câu chuyện tuyệt vời. Tôi thực hiện cuốn sách là bởi tôi yêu đất nước này. Không phải là sáo rỗng khi tôi nói Việt Nam là quê hương thứ hai của tôi, mà tôi thực sự nghĩ như vậy. Chỉ là tôi cũng từng là một nhà báo, nên tôi thích kể chuyện, thích nghiên cứu.

Nhà báo Đan Mạch, kí ức về cuộc gặp ấn tượng và tiếng cười trứ danh của  Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch

Chuyến đi đến Việt Nam đã ảnh hưởng đến cuộc sống của ông như thế nào?

Rất nhiều. Tôi là một phóng viên chăm chỉ và tôi đã đến Việt Nam nhiều lần, tôi cũng đi nhiều nước khác nữa trước khi đầu quân cho Bộ Ngoại giao Đan Mạch, sau hơn 14 năm làm báo. Nhiệm vụ đầu tiên của tôi ở Việt Nam đã dạy cho tôi nhiều điều về báo chí, khiến tôi mở to mắt nhìn thế giới, nó thực sự hữu dụng cho tôi suốt cuộc đời còn lại. Và cũng từ đó, cái tên Việt Nam luôn ở trong tâm trí tôi.

Vào Bộ Ngoại giao, tôi có may mắn được giao nhiệm vụ mở lại Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội năm 1994. Tôi đã ở Việt Nam trong một thời gian ngắn, sau đó tôi trở về Đan Mạch và đi công tác nhiệm kỳ tại Bangladesh.

Trở về, tôi được cử làm Thư ký Bộ trưởng. Sau khi tôi hoàn thành công việc vất vả này, để cảm ơn tôi, Bộ trưởng đã hỏi tôi có nguyện vọng gì không. Không chút đắn đo, tôi nói: Hãy cho tôi đến Hà Nội. Đó là năm 2002.

Tôi sang Việt Nam làm Tham tán và Trưởng phòng kinh tế thương mại của Đại sứ quán Đan Mạch. Và tôi đã có nhiệm kỳ 4 năm tuyệt vời.

Kết thúc nhiệm kỳ, tôi được bổ nhiệm sang cùng vị trí tại Đại sứ quán ở Kuala Lumpur. Nhưng khi tôi chuẩn bị sang Malaysia thì nhận được cuộc gọi của Chủ tịch Công ty Mascot đề nghị giúp họ mở công ty. Lý do là trước đó tôi đã tư vấn cho họ đầu tư tại Việt Nam, và họ cũng muốn chọn một người am hiểu Việt Nam để làm quản lý.

Bộ Ngoại giao Đan Mạch chấp thuận việc tôi làm cho Mascot và cho tôi nghỉ phép 2 năm. Nhưng sau thời hạn đó, Mascot thuyết phục tôi ở lại, và tôi đã rời Bộ Ngoại giao, trở thành doanh nhân, làm việc cho Mascot, từ đó tới nay, đã được 16 năm.

Nhà báo Đan Mạch, kí ức về cuộc gặp ấn tượng và tiếng cười trứ danh của  Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch

Đan Mạch và Việt Nam thiết lập quan hệ năm 1971 và đến nay đã tròn 50 năm. Ông có thể nói gì về quan hệ hai nước?

Đan Mạch là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Trong những năm đầu tiên, quan hệ hai nước chủ yếu xoay quanh viện trợ phát triển của Đan Mạch cho Việt Nam. Là một nước nhỏ nhưng Đan Mạch đã dành đến 100 triệu USD cho viện trợ phát triển ở Việt Nam, và Việt Nam cũng là một trong số ít nước nhận được khoản tiền viện trợ lớn như vậy từ Đan Mạch.

Trong cuộc trò chuyện giữa tôi với Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, ông cũng đề cập điều này. Năm đó, Đan Mạch đã có nhà máy xi măng ở miền Bắc, ở miền Nam có nhà máy thủy sản đông lạnh...

Tôi ghi nhận Việt Nam đã có nhu cầu viện trợ phát triển trong những năm khó khăn, nhưng đó là điều không thể diễn ra mãi mãi. Hiện mối quan hệ này đã thay đổi rất nhiều và mở rộng sang kinh tế, văn hóa…

Tôi đã làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam với hai tư cách: đại diện nước tài trợ và nhà đầu tư. Tôi cho rằng, từ quan điểm của Việt Nam, các bạn sẽ muốn trở thành một đối tác, thay vì chỉ là người nhận viện trợ phát triển. Sẽ tốt hơn khi bạn cùng ngồi đàm phán như một đối tác bình đẳng.

Năm nay là năm đặc biệt kỷ niệm 50 năm thành lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tôi nghĩ rằng, nhân dịp này, hai nước nên đưa ra thông điệp “Chúng ta là đối tác”, để phản ánh đúng tình hình quan hệ song phương hiện nay.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Nhà báo, nhà ngoại giao, doanh nhân Thomas Bo Pedersen sinh ngày 1/6/1955 tại Đan Mạch.

Tốt nghiệp cử nhân lịch sử đương đại, Đại học Copenhagen năm 1979. Từ năm 1980-1994 làm nhà báo cho nhiều tòa soạn khác nhau của Đan Mạch.

Các năm 1984, 1985, 1988, 1989, 1994: Được cử sang làm nhiệm vụ tại Việt Nam.

Năm 1994: Trưởng phòng, Vụ Chính sách, Bộ Ngoại giao Đan Mạch.

Năm 1995: Trưởng phòng, Vụ châu Á, Bộ Ngoại giao Đan Mạch, phụ trách các chương trình phát triển ở Thái Lan, Indonesia và Campuchia.

Từ năm 1996-1999: Bí thư thứ Nhất, Đại sứ quán Đan Mạch tại Dhaka.

Từ năm 1999-2002: Thư ký Bộ trưởng Hợp tác Phát triển Đan Mạch.

Năm 2002: Trưởng bộ phận, Hội đồng Thương mại Đan Mạch.

Từ năm 2002-2006: Tham tán, Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội.

Từ năm 2006 đến nay: Giám đốc Điều hành, Công ty Mascot International Việt Nam và Mascot Int. Lào (từ 2013).

Năm 2011: Nhận Huân chương Danh dự của Hoàng thân Henrik về những thành tích đóng góp vào quan hệ thương mại giữa Đan Mạch và Việt Nam.

Năm 2018: Nhận Kỷ niệm chương do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam trao tặng.

Năm 2019: Nhận Kỷ niệm chương từ Hiệp hội ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VAVA).

Thực hiện: Nguyễn Kim

Đồ họa: Nguyễn Hồng

Ảnh: Thomas Bo Pedersen, Nguyễn Hồng, Getty Images, Reuters, TTXVN....

Đọc thêm

Việt Nam - Brazil: Bện chặt thêm sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc

Việt Nam - Brazil: Bện chặt thêm sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc

"Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Brazil 112 năm trước chính là biểu tượng cho sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc. Dù cách xa nửa vòng trái đất, nhưng nhân dân hai nước đã có những điểm chung..." Đại sứ Việt Nam tại Brazil Bùi Văn Nghị trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam trước thềm chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Những ‘cú twist’ đối ngoại sẽ tái định hình ‘phong cách Donald Trump’

Những ‘cú twist’ đối ngoại sẽ tái định hình ‘phong cách Donald Trump’

‘Nước Mỹ trên hết’, ‘chia sẻ trách nhiệm’, ‘áp lực tối đa’, ‘cây gậy và củ cà rốt’… sẽ là những cách tiếp cận mới trong chính sách đối ngoại mang ‘thương hiệu’ riêng của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Chuyến công tác nhiều lần 'đầu tiên' đặc biệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Chuyến công tác nhiều lần 'đầu tiên' đặc biệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Chuyến công tác 8 ngày với gần 80 hoạt động của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đạt được kết quả tốt đẹp trên cả bình diện song phương và đa phương.
Trung Quốc dành nhiều biệt lệ đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân

Trung Quốc dành nhiều biệt lệ đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từ ngày 18-20/8, Đảng, Nhà nước Trung Quốc thu xếp đón tiếp đặc biệt trọng thị, bố trí các biện pháp lễ tân, an ninh cao nhất theo nghi thức chuyến thăm cấp Nhà nước với nhiều biệt lệ, thể hiện sự coi trọng quan hệ với Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa đối ngoại Việt Nam lên tầm cao mới

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa đối ngoại Việt Nam lên tầm cao mới

"Những thành tựu đối ngoại của Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua có những dấu ấn to lớn, quan trọng, có ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác đối ngoại.
'Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường'

'Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường'

Việc Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ nhất quán, phù hợp với việc tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, cụ thể hóa các cam kết để mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng của cả hai nước. Chính việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ giúp đẩy nhanh việc chuyển dịch chuỗi cung ứng, phù hợp với chiến lược friend-shoring của Mỹ để sắp xếp lại chuỗi cung ứng đến các quốc gia an toàn và đáng tin cậy.