📞

Kỳ vọng gì ở mỗi Đại biểu Quốc hội?

TS. Hoàng Ngọc Vinh 14:34 | 21/03/2022
Nhiệm vụ của mỗi Đại biểu Quốc hội có thể nói là rất nặng nề, vì thế điều tiên quyết phải có sức khỏe thể chất và trí tuệ tốt mới có thể gánh vác trách nhiệm là đại biểu chân chính của dân.
Nhiệm vụ của mỗi Đại biểu Quốc hội có thể nói là rất nặng nề.

Cứ nhìn vào hoạt động của Quốc hội sẽ thấy được nhiệm vụ cơ bản của mỗi đại biểu. Đó là, thực hiện ý chí nguyện vọng của nhân dân, bảo vệ lợi ích của nhân dân và quốc gia; tham gia góp ý, xây dựng luật, giám sát thực hiện luật pháp trong xã hội; trách nhiệm cần tôn trọng hiến pháp, tôn trọng quyền của mọi công dân đảm bảo cho một xã hội phát triển có trật tự và bền vững.

Đồng thời, xây dựng chính sách và các chính sách pháp luật để luật pháp ngày càng hoàn thiện. Cuối cùng, giám sát, chất vấn, phản biện việc thực hiện chính sách, chiến lược và pháp luật của Chính phủ trên khắp các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại, quản lý các nguồn lực...

Trong bối cảnh của CMCN 4.0, một lượng thông tin vô cùng lớn mà mỗi người nói chung và đại biểu nói riêng cần tiếp cận, đọc, nghe hiểu càng nhanh, càng nhiều càng tốt để xử lý trong việc ra các quyết định đóng góp ý kiến xây dựng xác đáng của mình với nhà nước địa phương và TW.

Ngoài tư duy hệ thống xuyên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và tư duy phản biện, logic, người đại biểu rất cần kỹ năng số liên quan đến thông tin truyền thông, sử dụng phương tiện số, công cụ số để thực hiện nhiệm vụ cũng như thấu hiểu những vấn đề về an ninh số, sự phát ngôn trước công chúng qua mạng xã hội hay trên báo chí.

Muốn thực hiện được ý chí, nguyện vọng của cử tri, kỹ năng thông tin truyền thông cực kỳ quan trọng. Biết lắng nghe người dân, biết đọc hiểu dư luận thông qua truyền thông đại chúng, biết tìm nguồn thông tin, phân tích, tổng hợp, lưu trữ và truy xuất khi cần dùng.

Lắng nghe để hiểu là kỹ năng tuyệt vời nhất nhưng cũng khó nhất. Có người giả vờ nghe nhưng nghe không hiểu. Làm sao để dân nói lời gan ruột, trí tuệ cho mà nghe đòi hỏi phải có nghệ thuật và kỹ năng giao tiếp.

Thời gian họp và khá nhiều văn bản ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đòi hỏi đại biểu phải có kỹ năng đọc hiểu nhanh để tìm được vấn đề thảo luận, góp ý và cùng xây dựng luật pháp. Rất tiếc, giáo dục của chúng ta ít dạy cho người ta chiến lược đọc hiểu nhanh để hình thành kỹ năng đọc.

Nhất là trong bối cảnh mạng xã hội phát triển, đại biểu nào sử dụng mạng xã hội, truyền thông đại chúng hiệu quả, an toàn thì cơ hội hoàn thành nhiệm vụ sẽ cao. Vì thế, bộ não phải là nơi có khả năng lọc thông tin chuẩn xác, tránh bị kéo theo bởi dư luận... Muốn thế, đại biểu cần có trí tuệ minh định được những điều phải trái trong biển cả thông tin.

Một kỹ năng nữa, cử tri rất ngưỡng mộ đại biểu nào có được ít nhất một ngoại ngữ thông thạo để khai thác chính sách, kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực luật pháp, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng...của các quốc gia phát triển và đang phát triển, của những đối tác của Việt Nam hàng ngày hàng giờ để vận dụng góp phần xây dựng chính sách và luật pháp để khỏi phải mất thời gian nhiều tranh biện trên nghị trường hoặc thảo luận xây dựng chính sách luật pháp.

Ngược lại, với những đại biểu “lơ mơ” về ngoại ngữ, nếu thông tin ở quá nhiều lĩnh vực nếu chậm biết hoặc không biết khiến cho chất lượng, hiệu quả hoạt động Quốc hội có phần hạn chế.

Một điểm nữa là Đại biểu Quốc hội không phải cái gì cũng biết tuốt vì thế rất cần xây dựng cho mình một mạng lưới các chuyên gia lĩnh vực, thực sự cầu thị để được tư vấn sâu những vấn đề chính sách khi cần thiết. Như thế sẽ góp phần làm cho hoạt động Quốc hội mạnh mẽ và hiệu quả.

Đại biểu Quốc hội cũng phải là một nhà văn hóa, đại diện cho văn hoá dân tộc. Trong hoạt động luôn có văn hoá học hỏi, hợp tác hình thành thói quen khiêm tốn. Dân bầu ra đại biểu, đại biểu chỉ là người đại diện thay mặt dân. Vì thế, phải khiêm tốn học hỏi nhân dân mà không được phép đứng trên nhân dân; tránh hiện tượng trước lúc bầu thì hứa, nhưng sau khi trúng cử lại là con người khác.

Tóm lại, Đại biểu Quốc hội thời 4.0 đòi hỏi phải khỏe mạnh, trung thành tuyệt đối với quốc gia thì cần có "vi xử lý" nhanh, hiệu quả, không bị nóng. Ngoài kỹ năng tư duy hệ thống, phản biện thì kỹ năng số và ngoại ngữ rất cần cho mỗi đại biểu.