📞

Kỳ vọng lớn vào gói hỗ trợ phục hồi kinh tế vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường

Ngọc Hà - Thùy Dương 19:35 | 12/01/2022
Quốc hội khóa XV đã bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất, biểu quyết thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vào chiều 11/1. Gói hỗ trợ ước tính lên đến 320.000 tỷ đồng nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân.
Quốc hội khóa XV đã bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất, biểu quyết thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Nghị quyết về Chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, 424/426 (tương đương với 84,97%) đại biểu đã bỏ phiếu tán thành thông qua chính sách quan trọng này.

Đây là gói chính sách tài khóa, tiền tệ lớn nhất từ trước đến nay, với tổng giá trị ước tính lên tới 320.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng quy mô giải pháp tài khóa là 221.000 tỷ đồng, với tăng chi đầu tư phát triển (cho lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, phát triển hạ tầng…) tối đa 176.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước.

Chính sách tiền tệ sẽ tập trung giải pháp để điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ lãi suất, tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5-1% trong 2 năm; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất... Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tiếp tục được tái cấp vốn để cho vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất.

Dự thảo Nghị quyết vẫn giữ nguyên mức giảm 2% thuế VAT trong năm 2022 với các mặt hàng đang áp thuế suất 10%, trừ một số lĩnh vực như viễn thông, bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản, khai khoáng, hoá chất…

Đối với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nghị quyết sẽ hỗ trợ lãi suất 2% một năm (tối đa 40.000 tỷ đồng) cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, có khả năng phục hồi. Cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua, cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tối đa 300 tỷ đồng.

Nghị quyết này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để đối phó với dịch Covid-19, khắc phục những thiệt hại, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, phục hồi thị trường lao động, giải quyết các vấn đề an sinh, phúc lợi xã hội.

Kỳ vọng vốn chảy vào lĩnh vực sản xuất

Nhận định về gói hỗ trợ, TS. Nguyễn Vinh Thành, giảng viên khoa Kinh tế quốc tế tại Học viện Ngoại giao cho rằng, quy mô gói hỗ trợ phục hồi kinh tế giá trị 14 tỷ USD, khoảng hơn 5% GDP là hợp lý. Nhiều nước như Mỹ và Nhật Bản cũng đã tung ra những gói kích thích lớn hơn rất nhiều (có nước lên đến 20% GDP)”.

Bên cạnh đó, gói cứu trợ được cho là cần thiết trong hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam, khi cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gần 120.000 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường trong năm vừa qua, tăng 17,6% so với năm trước đó.

Về những góp ý cho quá trình triển khai gói hỗ trợ khi nghị quyết được thông qua, TS. Nguyễn Vinh Thành chia sẻ: “Rất mong gói cứu trợ sẽ có quy trình và đối tượng rõ ràng để chảy vào “lĩnh vực sản xuất” chứ không chỉ chảy vào chứng khoán hay bất động sản.”

Việc giải ngân cần diễn ra nhanh chóng, thủ tục rút gọn và thuận tiện

Tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài suốt 2 năm qua đã gây ra nhiều thiệt hại cho nền kinh tế, trong đó, dù lĩnh vực kinh doanh online trên các nền tảng số, internet, thương mại điện tử được cho là đang có lợi thế, nhưng ở một mặt nào đó vẫn có những doanh nghiệp trong ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch.

Ông Trần Ninh Giang, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ F2B (F2B Trading and Service Company Limited) cho biết: “Sản lượng bán hàng của công ty bị giảm mạnh do thị hiếu và xu hướng tiêu dùng của khách hàng thay đổi trong mùa dịch. Mặt hàng kinh doanh chính của công ty đánh vào tập khách hàng là công nhân, nhân viên văn phòng, người có thu nhập trung bình đang trong độ tuổi từ 20-35. Trong khi đó, sau quãng thời gian 2 năm chịu ảnh hưởng của Covid-19, nhiều công nhân bị thất nghiệp trong thời gian dài, giảm thu nhập… Khi người mua gặp khó khăn về tài chính, họ sẽ cân đối chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu trước, dẫn đến sức mua giảm mạnh.”

Ông Ninh Giang cho biết thêm, công ty F2B gặp khó khăn về vấn đề chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hoá. Thời gian giao hàng kéo dài hơn trước dịch, một số vùng bị cách ly không thể giao hàng nên tỷ lệ hoàn huỷ cao, chi phí vận chuyển bị đội lên rất nhiều, kéo theo việc xoay vòng vốn gặp nhiều khó khăn. Số lượng hàng mua mỗi lần giảm dẫn đến chi phí vận chuyển tăng gây ra vấn đề giảm dòng tiền lãi.

Nói về giải pháp đối với tình hình hiện tại, ông Trần Ninh Giang mong đợi, “Việc giảm thuế, phí, tiền lãi, tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ giúp các doanh nghiệp giảm nhẹ gánh nặng về kinh tế, giảm áp lực tài chính và tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi kinh tế trong và sau dịch”.

Kỳ vọng Chính phủ sẽ có bước chuyển, tạo tiền đề cho các gói hỗ trợ lớn và quy mô hơn trong thời gian tới, ông Trần Ninh Giang cho rằng, việc giải ngân cần diễn ra nhanh chóng, thủ tục rút gọn và thuận tiện để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất, thích ứng với tình hình dịch Covid-19 diễn biến kéo dài.