TIN LIÊN QUAN | |
LHQ thông qua dự thảo nghị quyết do Việt Nam là đồng tác giả | |
Việt Nam dự kỳ họp thứ 35 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc |
Đề nghị Đại sứ cho biết các quan tâm chính của cộng đồng quốc tế tại Hội nghị Cấp cao Khóa họp Thường kỳ 37 Hội đồng Nhân quyền LHQ lần này?
Hội nghị năm nay được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm, với sự tham dự của Tổng thư ký LHQ và gần 100 Trưởng đoàn các nước ở cấp Nguyên thủ, Bộ trưởng. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 70 năm Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế và 25 năm Chương trình Hành động Vienna về quyền con người. Ý kiến chung tại Hội nghị cho rằng mặc dù nhân loại đã đạt bước tiến lớn trong việc bảo đảm quyền con người, vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua. Hàng trăm triệu người trên thế giới hiện vẫn đang phải đối diện với nỗi lo không được bảo đảm quyền được sống, quyền được hưởng an ninh, hòa bình, quyền lương thực, quyền giáo dục…
Đồng thời, Hội nghị cũng quan ngại về sự nổi lên của chủ nghĩa cực đoan, bài ngoại ở nhiều khu vực trên thế giới, sự hoạt động thiếu hiệu quả, thậm chí bế tắc của một số cơ chế LHQ trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Tình hình ở Syria và ở bang Rakhine, Myanmar là những vấn đề được đề cập nhiều trong các bài phát biểu của các quan chức LHQ và Lãnh đạo các nước. Bên cạnh đó, những thách thức toàn cầu, nhất là biến đổi khí hậu, làn sóng di cư, tác động của sự phát triển khoa học - công nghệ… cũng được đề cập đến từ góc độ làm gia tăng nguy cơ bất bình đẳng trong xã hội và giữa các quốc gia. Cần nói thêm là trong số các thách thức này, có rất nhiều vấn đề Việt Nam cũng đang phải xử lý trong quá trình xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế…
Đại sứ Dương Chí Dũng (thứ 4 từ trái) tại Hội nghị. |
Đại sứ cho biết những ưu tiên của Việt Nam tại các diễn đàn LHQ về quyền con người trong năm nay, đặc biệt là tại Hội đồng Nhân quyền?
Thông qua các phiên họp tại nhiều diễn đàn ở Geneva thời gian qua, có thể thấy bạn bè quốc tế không chỉ đánh giá cao những thành tựu của chúng ta về tăng trưởng kinh tế mà còn đặc biệt hoan nghênh những nỗ lực của chúng ta trong xây dựng một Chính phủ kiến tạo, lấy người dân làm trung tâm, quyết tâm để mọi người dân được hưởng những thành quả của công cuộc phát triển. Bạn bè quốc tế cũng kỳ vọng vào những đóng góp của Việt Nam trong các vấn đề thuộc quan tâm chung của nhân loại.
Trong bối cảnh đó, yêu cầu của chúng ta khi tham gia các diễn đàn LHQ, đặc biệt trong vấn đề quyền con người, là vừa bảo đảm được lợi ích của Việt Nam, thu hút được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với công cuộc phát triển đất nước, đồng thời đóng góp vào nỗ lực chung của nhân loại trong vấn đề quyền con người. Từ năm 2017 đến nay, tuy không còn là thành viên của Hội đồng nhân quyền nhưng Việt Nam vẫn luôn tham gia và đóng góp tích cực vào công việc của Hội đồng Nhân quyền, đề xuất nhiều sáng kiến có ý nghĩa được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Trong năm 2018, cùng với việc tiếp tục thúc đẩy những nội dung về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, quyền phát triển, chúng ta sẽ tập trung vào các chủ đề thuộc ưu tiên hàng đầu đối với Việt Nam hiện nay như bảo đảm quyền con người dưới tác động của biến đổi khí hậu, bảo đảm quyền bình đẳng trong bối cảnh toàn cầu hóa và Cách mạng Công nghiệp 4.0, nhất là bảo đảm để các nhóm xã hội dễ bị tổn thương không bị bỏ lại phía sau trong công cuộc phát triển. Đặc biệt, bên lề Hội nghị cấp cao lần này, Việt Nam đã cùng với Nhật Bản, Ấn Độ, Bangladesh, Maldives, Pháp và Liên minh Viễn thông quốc tế tổ chức thành công Tọa đàm về tác động của công nghệ thông tin và truyền thông đối với việc bảo đảm quyền kinh tế, xã hội, văn hóa và giảm bất bình đẳng. Tọa đàm có sự tham gia đông đảo của đại diện các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ… Các đại biểu đánh giá cao ý tưởng tổ chức tọa đàm về chủ đề này và cho rằng tọa đàm mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực phát triển công nghệ thông tin thời gian tới.
Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các nước đồng quan điểm đấu tranh chống chính trị hóa, áp đặt, tiêu chuẩn kép trong vấn đề quyền con người. Trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, chúng ta sẽ nỗ lực ủng hộ đối thoại và hợp tác tại các diễn đàn của LHQ, đặc biệt là tại Hội đồng nhân quyền. Chúng ta sẵn sàng làm nhân tố tích cực, làm cầu nối trong các cuộc thảo luận khi cần. Tôi tin rằng bạn bè quốc tế sẽ ủng hộ cách tiếp cận của chúng ta.
Đại sứ có thể chia sẻ những hoạt động chính của Việt Nam trong các cơ quan, tổ chức quốc tế tại Geneva trong năm 2018?
Geneva là nơi đặt trụ sở của hầu hết các tổ chức chuyên môn trong hệ thống LHQ như: Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Tổ chức Viễn thông quốc tế (ITU), Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và các cơ quan quan trọng của LHQ như Ủy ban Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), Hội nghị Giải trừ quân bị (CD)…; Geneva còn là trụ sở của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Liên minh Nghị viện quốc tế (IPU), Tổ chức Di cư quốc tế (IOM)... Mỗi tổ chức, cơ quan đều có chương trình nghị sự riêng, đòi hỏi Việt Nam chúng ta mà cụ thể là Phái đoàn phải luôn theo sát, chủ động kiến nghị xây dựng chủ trương, phương hướng hoạt động phù hợp và tham gia đóng góp tích cực, hiệu quả vào công việc của các tổ chức quốc tế liên quan. Xin đơn cử một số mảng công việc sau:
Đối với WTO, trong 2018 và các năm tiếp theo, chúng ta sẽ phải tích cực tham gia thảo luận và tìm giải pháp cho các vấn đề đang gặp bế tắc trong đàm phán như tiếp cận thị trường hàng nông sản, trợ cấp thuỷ sản, thương mại dịch vụ.... Đồng thời, chúng ta cũng phải tiếp tục xây dựng và củng cố quan điểm về các vấn đề mới như thương mại điện tử, doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ (MSME), thuận lợi hoá đầu tư… Cũng trong năm 2018, chúng ta tiếp tục sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO để bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam thông qua 3 vụ kiện về biện pháp tự vệ đối với các sản phẩm thép với Indonesia, về một số biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng cá phi lê đông lạnh và về một số biện pháp liên quan đến kiểm dịch động thực vật đối với cá tra, cá ba sa của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ...
Đối với WIPO, 2018 là năm đầu của nhiệm kỳ 2 năm (2018-2019) Đại sứ đảm nhiệm trọng trách là Chủ tịch Đại hội đồng (ĐHĐ) WIPO, sau khi được 192 nước thành viên WIPO nhất trí bầu tháng 10/2017. Bên cạnh những vấn đề hợp tác giữa Việt Nam và WIPO như triển khai các dự án hợp tác cụ thể trong lĩnh vực bản quyền và bằng phát minh sáng chế, cũng như việc triển khai xây dựng Chiến lược hợp tác giữa Việt Nam và WIPO đã được hai bên ký kết từ 4/2017, Đại sứ và Phái đoàn sẽ phải tiến hành một loạt các cuộc trao đổi, tham vấn và đàm phán để tìm ra phương hướng giải quyết cho những vấn đề mà ĐHĐ WIPO 2017 chưa đạt được nhất trí và yêu cầu Chủ tịch ĐHĐ WIPO phải giải quyết trong năm 2018-2019. Chủ tịch ĐHĐ sẽ điều khiển các kỳ họp ĐHĐ WIPO hàng năm trong Nhiệm kỳ được bầu, theo đó dẫn dắt, định hướng thảo luận, quyết định việc biểu quyết các vấn đề và công bố các quyết định... Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch ĐHĐ sẽ tổ chức các cuộc tham vấn với đại diện các nước thành viên của các nhóm khu vực để thảo luận, tìm giải pháp cho các vấn đề quan trọng, còn vướng mắc chưa được giải quyết trong khuôn khổ WIPO. Nhiệm kỳ 2 năm hiện nay với tư cách chủ tịch ĐHĐ WIPO thực sự là cơ hội để Việt Nam thể hiện sinh động chủ trương thúc đẩy chính sách đối ngoại đa phương của đất nước, để Việt Nam không chỉ là “thành viên tham gia tích cực” mà còn là thành viên chủ động, tích cực đóng góp xây dựng chính sách và luật chơi tại các tổ chức và diễn đàn đa phương, đồng thời là một thách thức to lớn đòi hỏi sự nỗ lực hết mình của bản thân Đại sứ và Phái đoàn, cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn trong nước để chúng ta hoàn thành xuất sắc trọng trách to lớn này.
Năm 2018 cũng là năm Việt Nam tổ chức nhiều đoàn công tác cấp cao, hoạt động tích cực tại các tổ chức quốc tế trên địa bàn. Trong đó, đặc biệt là phiên họp Đại hội đồng IPU năm nay sẽ có sự tham dự của Lãnh đạo cấp cao Quốc hội ta. Còn đối với WHO, Việt Nam đang là thành viên Hội đồng Chấp hành, đóng góp rất tích cực cho tiến trình xây dựng chiến lược và các chính sách cụ thể của WHO. Tháng 1/2018 vừa qua, Phái đoàn đã hoàn thành tốt việc phục vụ đoàn cấp cao của Chính phủ do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn đầu tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF 2018 tại Davos (Thụy Sỹ).
* Tiêu đề và lời dẫn do TG&VN đặt
Việt Nam trúng cử vị trí Chủ tịch Đại hội đồng WIPO Ngày 2/10, Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) đã khai mạc kỳ họp lần thứ 49 tại Geneva (Thụy ... |
Rực rỡ sắc màu thời trang Việt ở Geneva Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ khẳng định, đây là sự kiện đặc biệt, cho thấy sức ... |
Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy đối thoại về nhân quyền Trong hai ngày 23-24/3, tại Geneva (Thụy Sỹ), Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) đã tiến hành các phiên thảo luận cuối cùng, ... |