Các nhà kinh tế của Goldman Sachs và Barclays là những người lạc quan nhất khi dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ đạt 4% trong năm tới. Nếu đúng như vậy, đây sẽ là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2011 và cao hơn tất cả các dự báo khác, kể cả dự báo mà Goldman Sachs từng công bố là 3,7%.
Lạc quan nhất và thận trọng nhất
Không quá lạc quan tới con số 4%, nhưng Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng tăng trưởng toàn cầu sẽ đạt đỉnh trong 8 năm trở lại đây, đạt 3,7% vào năm 2018 và lùi lại về mức 3,6% vào năm 2019. Nhưng quan trọng hơn, các chuyên gia OECD cho rằng, nguy cơ suy thoái trong ngắn hạn dường như không còn...
Nhiều kỳ vọng được đặt vào năm 2018. (Nguồn: CNNMoney) |
Cũng chung nhận định tươi sáng, trong bài phân tích “Nền kinh tế thế giới 2018” trên trang Project Syndicate, Giáo sư Michael Spence, Chủ tịch Hội đồng Chương trình nghị sự toàn cầu, từng đoạt giải Nobel kinh tế năm 2001 nhận định, Cho đến thời điểm này, các thị trường và nhiều nền kinh tế đã tránh được các tác động mạnh từ bất ổn chính trị. Trong dài hạn, kinh tế thế giới có thể sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi các vấn đề chính trị-xã hội.
Hầu hết các nền kinh tế châu Âu, trừ Anh (quốc gia đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề cùng tiến trình rời khỏi EU- Brexit), đều được dự báo tiếp tục đà tăng trưởng GDP tốt trong năm 2018. Mỹ được dự báo tăng trưởng GDP là 2,5% năm 2018 so với 2,3% năm 2017, với chính sách kinh tế mới của Trump sự tăng trưởng của Mỹ có thể còn mạnh hơn. Trung Quốc là 6,5% năm 2018 so với 6,7% năm 2017 do xuất khẩu giảm sút; Ấn Độ lấy lại được đà tăng trưởng trong năm nay và cùng với các nền kinh tế mới nổi dự báo tăng trưởng 5% năm 2018 so với 4,7% năm 2017. Nhìn tổng thể, nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2018.
Giữa xu thế tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường tài chính những ngày cuối năm 2017, tờ The Economist vẫn tỏ ra khá thận trọng khi đưa ra những dự báo cho năm 2018. Lấy hình ảnh trò chơi bắn dây chun, các chuyên gia cảnh báo tình huống dây quá căng và viên đá có thể sẽ bật trở lại. Một ngày nào đó, điều tương tự sẽ xảy ra ở các thị trường tài chính, khi nó kết thúc chuỗi tăng trưởng.
Kể từ năm 2009, thị trường tài chính đã được trợ giúp bởi sự can thiệp sâu của các ngân hàng trung ương, lãi suất ngắn hạn đã bị hạ xuống mức thấp kỷ lục, trong khi lợi tức trái phiếu giảm sâu. Vì vậy, câu hỏi lớn đặt ra là liệu sự tăng trưởng có thể được duy trì nếu không còn sự trợ giúp của các ngân hàng trung ương?
Kinh tế Việt Nam có triển vọng tích cực Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Kinh tế Việt Nam đang chuyển biến tích cực với triển vọng ổn định. Đà tăng trưởng vẫn được duy trì là yếu tố thuận lợi để Việt Nam xử lý những trở ngại có tính chất cơ cấu cho tăng trưởng trong trung hạn, đồng thời tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và tạo lập những khoảng đệm chính sách. Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Tổng sản phẩm trong nước năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016. Trong đó điểm sáng lớn nhất để đạt mức tăng trưởng vượt mục tiêu là thành công trong phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, sự khởi sắc của hoạt động xuất nhập khẩu cùng sự cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Vai trò của Nhà nước kiến tạo bước đầu phát huy hiệu quả. Các cân đối lớn của nền kinh tế ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý, tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6,7%) và là mức tăng cao nhất của giai đoạn 2011-2017. Tuy nhiên, năng suất lao động rất thấp, chênh lệch giữa Việt Nam các nước tiếp tục gia tăng là một trong những thách thức cho Việt Nam, có nguy cơ tụt hậu nếu không có chính sách để vượt thách thức, tránh bẫy thu nhập trung bình. TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Kinh tế Việt Nam rất mở nên sẽ phụ thuộc nhiều vào kinh tế thế giới. Trong khi đó, kinh tế thế giới được dự báo vẫn có chiều hướng tích cực, tuy nhiên không có được mức độ lớn như năm 2017 so với năm 2016. Thế giới cũng đối mặt với nhiều rủi ro bất định lớn, liên quan đến các căng thẳng chính trị, xu hướng bảo hộ thương mại… Năm 2017, Việt Nam đạt được mức tăng trưởng 6,7% cũng nhờ vào bước nhảy sản xuất, xuất khẩu của Samsung, bước nhảy này sang năm cũng có thể có nhưng xác suất không quá cao. Mặt khác, tăng trưởng kinh tế vẫn phụ thuộc vào một số khu vực như chế biến chế tạo; bất động sản, dịch vụ... Các ngành này trong năm tới có thể vẫn phát triển nhưng khả năng bứt phá mạnh mẽ, tăng mạnh như năm 2017 cũng không còn cao như trước. Nhìn vào mục tiêu tăng trưởng 2018 từ 6,5 - 6,7% được Quốc hội thông qua có thể thấy sự thận trọng nhất định. Tôi nghĩ chúng ta có thể đạt được mục tiêu này. |
Sợ sự không rõ ràng
Trong cuộc khảo sát 700 nhà đầu tư toàn cầu về các rủi ro đối với thị trường trong năm 2018 do Tập đoàn tài chính Barclays vừa tiến hành, có tới 40% số người được hỏi cho rằng, sự không chắc chắn về địa chính trị là rủi ro lớn nhất đối với thị trường. Đây là tình huống mới, vì đôi khi không có gì đáng sợ hơn một sự không rõ ràng, không tiên liệu được. Các chuyên gia cho rằng hiện tại không có mối đe dọa toàn cầu nào rõ ràng, bởi vậy, bất kỳ điều gì xảy ra sẽ đều là một cú sốc lớn.
Các vấn đề địa chính trị, kinh tế bao gồm: căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên, căng thẳng tại Nga, rối loạn chính trị ở Saudi Arabia, sự thay đổi đột ngột trong chính sách thương mại của Tổng thống Trump, quá trình Brexit “đau đớn”, những động thái mới trong nền kinh tế Trung Quốc, một vài dấu hiệu rủi ro trên thị trường tài chính... được cho là những yếu tố tạo nên bối cảnh của kinh tế thế giới 2018.
Tuy nhiên, nền kinh tế thế giới dường như vẫn đang diễn biến theo kịch bản thuận, chưa có các dấu hiệu cho thấy những khó khăn sẽ xuất hiện.
Với khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Mỹ Donald Trump lần lượt từ bỏ các cuộc chơi đa phương, rời TPP, xét lại NAFTA… để chọn hướng có lợi hơn cho nước Mỹ. Tuy nhiên, có vẻ “oan” cho nền kinh tế lớn nhất thế giới khi bị quy kết đi theo chủ nghĩa bảo hộ, chỉ là Mỹ bỏ lối chơi đa phương thay vào cách chơi song phương mà thôi. Nghĩa là thương mại và kinh tế thế giới vẫn là toàn cầu hóa và sẽ không bị thu hẹp, nhưng dòng thương mại và dòng vốn sẽ có thay đổi trong hướng đi.
Rủi ro tài chính toàn cầu cũng là vấn đề không nhỏ khi nợ toàn cầu (tính đến tháng 6/2017) đã lên tới mức kỷ lục 217 nghìn tỷ USD, tương đương 327% GDP toàn cầu, tăng hơn 50 nghìn tỷ trong thập kỷ vừa qua. Vấn đề này sẽ làm giảm triển vọng tăng trưởng cao của kinh tế thế giới, đồng thời đặt hệ thống tài chính toàn cầu đối mặt rủi ro cao.
Một lo ngại khác từ những rủi ro đang tích lũy trong nền kinh tế Trung Quốc, khi chính phủ nước này vẫn muốn duy trì tăng trưởng cao thay vì cải tổ cơ cấu. Tín dụng của nền kinh tế thứ hai vẫn đang tăng nóng, gây nhiều lo ngại về một sự đổ vỡ có thể lan ra toàn cầu. Tuy nhiên, hiện tại Trung Quốc vẫn đang kiểm soát được tình hình. Brexit cũng là một mối lo gây rủi ro cho kinh tế toàn cầu, tuy nhiên, những tác động tiêu cực được cho là chủ yếu tác động không tốt đến nước Anh, ít tác động tới phần còn lại của EU và thế giới.
Sẽ là thiếu sót khi không nhắc tới “cơn sốt Bitcoin”. Không ít lo ngại bong bóng từ đồng tiền ảo này có thể gây rủi ro cho tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, quy mô Bitcoin chưa quá lớn và nhiều quốc gia chưa công nhận, thậm chí cấm, nên nó thực sự không phải vấn đề quá lo ngại.
Cuối cùng, khả năng Fed sớm tiếp tục nâng lãi suất là không bất ngờ. Vì mức lạm phát lõi của Mỹ dự báo tăng lên 2,6% cuối 2018 từ mức 2% trong quý IV/2017. Tuy nhiên, mức tăng được cho là không lớn và hơn nữa đã nằm trong kỳ vọng của các nhà đầu tư. Do đó, nếu Fed hành động, thì cũng không gây sốc trên thị trường tài chính toàn cầu.
Như vậy, các nhà đầu tư hoàn toàn có thể bắt đầu năm mới với một tâm thế đầy tự tin… Nhưng đừng quên rằng, sau nhiều nhận định tươi sáng, OECD “khuyến mại” thêm lời cảnh báo… không nên quá lạc quan, bởi giá tài sản tài chính hiện đã lên quá cao, cao hơn cả những thời điểm khủng hoảng tài chính trước đây và nếu sự đảo chiều xảy ra, sẽ có rủi ro về một cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo.