Nông nghiệp Công nghệ cao. |
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, địa phương về cơ bản đã xây dựng được nền nông nghiệp với trình độ sản xuất khá cao, có thương hiệu, năng suất, chất lượng tốt. Giá trị sản xuất toàn ngành bình quân đạt 190,9 triệu đồng/ha/năm, bằng 1,85 lần cả nước và năng suất lao động trong nông nghiệp đạt 61,9 triệu đồng/người/năm, bằng 1,17 lần so với bình quân cả nước. Đây là địa phương đi đầu trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC và phát triển nông nghiệp thông minh. Toàn tỉnh hiện có gần 62.000ha sản xuất ứng dụng CNC (chiếm hơn 20% diện tích canh tác), nhiều mô hình đạt doanh thu hơn 3 tỷ đồng/ha/năm; nông nghiệp áp dụng công nghệ thông minh khoảng 50ha rau thủy canh, 195ha cây trồng ứng dụng CNC cảm biến tự động về nhiệt độ, độ ẩm, quản lý dinh dưỡng.
Ngoài ra, tỉnh có 13 doanh nghiệp được công nhận là “Doanh nghiệp nông nghiệp CNC”, 90 hợp tác xã, trang trại ứng dụng công nghệ IoT, canh tác hữu cơ; 175 chuỗi liên kết, với sự tham gia của 201 doanh nghiệp, hợp tác xã và gần 17 nghìn hộ nông dân. Nông sản Lâm Đồng đang khẳng định vị trí của mình trên thị trường theo các tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, Organic. Sản phẩm đã được xuất khẩu đi hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, chiếm khoảng 80% giá trị xuất khẩu của tỉnh. Thị trường chính của nông sản Lâm Đồng là các nước khu vực EU, khu vực Đông Á, khu vực Bắc Mỹ. Trong đó có cả những thị trường khó tính như Nhật Bản, các nước châu Âu, Mỹ.
Để đạt được những kết quả như trên, thời gian qua, việc nghiên cứu, ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp luôn được tỉnh chú trọng, như: Công nghệ nhân giống, cấy ghép, nhà kính, công nghệ tưới; công nghệ thông tin điều khiển tự động; công nghệ thủy canh; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Ngành nông nghiệp tỉnh tập trung định hướng cho doanh nghiệp, hợp tác xã và nhà nông chủ động đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn các loại hàng hóa để tăng năng lực cạnh tranh. Nhằm góp phần ổn định thị trường tiêu thụ, tỉnh tăng cường hỗ trợ hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại, chương trình kết nối tiêu thụ, hỗ trợ quảng bá thương hiệu nông sản qua nhiều kênh, có chính sách quảng bá phù hợp, hiệu quả,…
Xây dựng và triển khai mạnh mẽ đề án phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành, xây dựng thành công các chỉ dẫn địa lý cũng như thương hiệu nông sản Lâm Đồng với nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Từ đó tạo ra những sản phẩm đạt quy chuẩn quốc tế để mở rộng thị trường. Đồng thời, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã triển khai hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, đến nay đã có 123 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP quốc gia. Tỉnh cũng áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp như hỗ trợ hình thành các mô hình đồng bộ, khép kín; đào tạo tay nghề, hỗ trợ kỹ thuật - công nghệ; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu khoa học, chế tạo máy móc, thiết bị cơ giới hóa trong sản xuất; chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích liên kết, hợp tác phát triển trang trại, hợp tác xã; thu hút đầu tư; liên kết trong sản xuất nông nghiệp để tạo ra quỹ đất tập trung,…
Định hướng trong thời gian đến, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp phát triển toàn diện và hiện đại; là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp CNC, nông nghiệp thông minh tầm quốc gia và quốc tế; đưa nông sản tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Theo đó, toàn ngành sẽ tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng CNC trong nông nghiệp, lấy công nghệ là phương tiện để đạt mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất; xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để phát triển bền vững; xây dựng thương hiệu để bảo hộ quyền lợi người sản xuất và tạo niềm tin cho người tiêu dùng; hợp tác với các cơ sở trong nước và quốc tế đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp CNC; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình, dự án hợp tác về phát triển nông nghiệp CNC. Ngành nông nghiệp tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển nông nghiệp một cách bền vững.
Đồi chè Bảo Lộc. |
Tăng cường chuyển đổi số
Trên nền tảng phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, Lâm Đồng hiện là một trong những địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi số phát triển nông nghiệp thông minh 4.0. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, các trang trại đã áp dụng thành công hệ thống quản lý đồng bộ, điều khiển tự động về độ ẩm, nhiệt độ, nước tưới, dinh dưỡng thông qua hệ thống IoT cảm biến kết nối với hệ thống máy tính, điện thoại thông minh với quy mô gần 239ha. Việc ứng dụng công nghệ thông minh trong nông nghiệp đã giúp hiện đại hóa khâu sản xuất; tiết kiệm đáng kể được lượng nước tưới nhờ cảm biến độ ẩm đất, cây trồng; giảm lượng phân bón; giảm nhân công lao động và giúp tăng năng suất. Ngoài ra, hệ thống IoTcòn giúp quản lý chuỗi liên kết phân tích dưỡng chất đất, giá thể, nước tưới, quản lý sâu bệnh, phân tích dữ liệu và nhật ký điện tử điều chỉnh quy trình canh tác hiệu quả, góp phần kiểm soát chất lượng sản phẩm, tạo nền móng phát triển nền nông nghiệp hiện đại, có thương hiệu và chất lượng cao.
Bên cạnh áp dụng chuyển đối số trong quá trình canh tác, việc đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản trên nền tảng số, ứng dụng thương mại điện tử cũng được ngành nông nghiệp tỉnh quan tâm, góp phần mở rộng thị trường và tiếp cận với xu thế thương mại thời đại công nghệ số.
Được biết, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu trong thời gian tới sẽ tăng quy mô chuyển đổi số trong nông nghiệp. Trong đó, toàn ngành phấn đấu có 50% nông dân được tập huấn, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp và cách thức quảng bá, bán sản phẩm trên mạng; 50% tỷ lệ doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp có hoạt động thương mại điện tử, ứng dụng nông nghiệp thông minh;100% sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của ngành nông nghiệp được kinh doanh qua mạng.
Tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ phát triển các mô hình ứng dụng đồng bộ giải pháp IoT trong quản lý trang trại, sản xuất, bán hàng, kho bãi, tài chính, truy xuất nguồn gốc trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh. Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao đồng bộ về nông nghiệp thông minh 4.0. Tiếp tục ban hành chính sách phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương để thu hút các dự án chuyển đổi số nông nghiệp để khai thác lợi thế, tiềm năng, thế mạnh tỉnh nhà.