TIN LIÊN QUAN | |
Thủ tướng làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lâm Đồng | |
Thủ tướng thăm mô hình nông nghiệp sạch tại Lâm Đồng |
Mới đây, tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra "tam giác vàng" trên cho phát triển của Tỉnh. Thủ tướng cho rằng, đi theo tam giác này thì mới có thể phát triển bền vững, tốc độ cao, “chứ đi một chân như nông nghiệp công nghệ cao hiện nay thì tốt, nhưng chưa thể giàu được”.
Lâm Đồng không còn nhỏ bé
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, quy mô kinh tế của Lâm Đồng giờ đây đã chiếm 1,4% quy mô kinh tế cả nước, cho thấy Lâm Đồng không còn là địa phương nhỏ bé trên bản đồ kinh tế Việt Nam. Ngược lại, Lâm Đồng có rất nhiều tiềm năng và đang nhanh chóng trở thành một cực tăng trưởng của khu vực miền Trung, Tây Nguyên và tương lai gần là cả nước.
Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người ở Lâm Đồng đã đạt gần 55 triệu đồng/năm, khá cao so với trung bình cả nước. Với tốc độ phát triển đột phá, trong tương lai không xa, Lâm Đồng không còn nhận hỗ trợ ngân sách Trung ương, ngược lại, có thể đóng góp trở lại cho Trung ương trong trung hạn. Dù địa lý nằm ở Tây Nguyên, nhưng với quy mô nền kinh tế và ngân sách hiện nay, Lâm Đồng giờ đã tiệm cận một số vùng kinh tế Đông Nam Bộ như Tây Ninh, Bình Phước… Các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn đạt kết quả ấn tượng. Nông nghiệp công nghệ cao đạt doanh thu bình quân 163,8 triệu đồng/ha/năm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan mô hình sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao của một doanh nghiệp ở Lâm Đồng. |
Lâm Đồng sớm định hình phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, hình thành các mô hình chuỗi nông sản an toàn. Đặc biệt, Lâm Đồng sớm bắt tay xây dựng thương hiệu cho nhiều loại nông sản địa phương, công bố thương hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành” với nhiều đặc sản nổi tiếng như quả bơ, dâu tây, hồng…
Lâm Đồng hiện đã khá thành công với các mô hình nông nghiệp hiện đại, năng suất cao, nhưng theo phân tích của Thủ tướng, đóng góp của lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và tốc độ tăng trưởng kinh tế chung còn khiêm tốn. Lâm Đồng nên khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến gắn với nguồn sản phẩm nông nghiệp hiện có ở địa phương, thay vì xuất khẩu thô.
Tại sao không khuyến khích các nhà đầu tư sản xuất chế biến sâu để xuất khẩu nông sản, thay vì đặt cơ sở chế biến tại các tỉnh Đông Nam Bộ?, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề.
Nông nghiệp công nghệ cao là quan trọng, có vai trò tạo thu nhập lớn cho người dân địa phương, song nếu không phát triển công nghiệp chế biến đi kèm thì thu nhập nông nghiệp dù có tăng đến mức nào cũng sẽ chững lại, khó tăng hơn được nữa.
Giá trị độc đáo
Đặt ra bài toán về phát triển du lịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Đà Lạt nói riêng, Tây Nguyên, Lâm Đồng nói chung là vùng đất có những giá trị độc đáo về di sản lịch sử, văn hóa, thời tiết, cảnh quan… không chỉ ở Việt Nam mà cả khu vực ASEAN và rộng hơn là châu Á, nhưng vẫn chưa bật lên trở thành địa danh du lịch tầm cỡ quốc tế, một vùng đất thịnh vượng về nông nghiệp, cung cấp những loại củ quả chất lượng cao cho thị trường ASEAN với 650 triệu dân và đưa nông nghiệp Việt Nam định vị cao trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp khu vực và quốc tế.
Đà Lạt phải là địa điểm nghỉ dưỡng văn hóa độc đáo xứ ôn đới trong một ASEAN nhiệt đới, ven biển hoặc hải đảo. Sự khác biệt của Đà Lạt rất rõ về thời tiết, địa hình, cảnh quan… Vì vậy, đây được coi là tiểu Paris của châu Á. “Muốn Đà Lạt thành công, nhất là du lịch, Đà Lạt cần trở thành biểu tượng văn hóa Đông-Tây. Muốn phát triển du lịch thành công, chúng ta không chỉ biết Đà Lạt có những gì, mà phải biết Lâm Đồng có những gì và rộng hơn là Tây Nguyên có những gì. Chúng ta tuyệt đối không nên chỉ biết đến những phát triển của người Pháp từ cách đây 100 năm”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Để thực hiện ước mơ phát triển bền vững với tốc độ cao, theo “Tam giác vàng cho phát triển”, mà Thủ tướng Chính phủ đã vạch ra, Thủ tướng cho rằng, “Chúng ta phải có ước mơ lớn, nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ, trung bình trở lên để thực hiện ước mơ lớn đó”. Chẳng hạn, phát triển du lịch thì cần phải có giải pháp kịp thời để giữ rừng, “nếu mất rừng thì không còn Đà Lạt, không còn Lâm Đồng”; hay làm gì để đặc sản địa phương không bị trà trộn với sản phẩm kém chất lượng từ bên ngoài, gây mất niềm tin, làm xấu hình ảnh… Những định hướng mang tầm chiến lược, những gợi mở truyền cảm hứng của Thủ tướng mỗi khi làm việc với địa phương luôn góp phần tạo ra nguồn động lực mới cho phát triển kinh tế.
Gỡ khó cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp Tại Hội nghị toàn quốc "Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp" được tổ chức vào ngày 30/7 tới tại Lâm ... |
“Ngân hàng Bò” cho nông dân nghèo tỉnh Lâm Đồng Dự án “Ngân hàng Bò” đã trở thành chương trình mang tính cộng đồng có ý nghĩa nhân văn đối với bà con nông dân ... |
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc tại tỉnh Lâm Đồng Chiều 6/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các bộ, ngành Trung ương đã làm việc với ... |