Hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt, Lâm Đồng |
Lâm Đồng thuộc khu vực Nam Tây Nguyên của Việt Nam ở độ cao chênh lệch từ 300-1.500m so với mặt nước biển, với độ cao này, Lâm Đồng có nền nhiệt độ lý tưởng từ 18-25oC và được xếp vào ngưỡng nhiệt xứ ôn đới đặc biệt thuận lợi cho phát triển rau, hoa, trà, cà phê. Với diện tích trên 9.781 km2, Lâm Đồng có 12 đơn vị hành chính gồm 10 huyện và 2 thành phố; thành phố Đà Lạt là Trung tâm hành chính kinh tế, chính trị của tỉnh, trong tương lai sẽ trở thành thành phố tăng trưởng xanh, đô thị di sản; hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Dân số toàn tỉnh trên 1,3 triệu người với 43 dân tộc sinh sống.
Phía Nam và Đông Nam tỉnh Lâm Đồng giáp tỉnh Bình Thuận, phía Đông giáp tỉnh Khánh Hòa - tỉnh Ninh Thuận, phía Bắc giáp tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông và phía Tây Nam giáp tỉnh Đồng Nai - tỉnh Bình Phước. Lâm Đồng còn nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - là Khu vực năng động có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đây là bước đệm để Lâm Đồng phát triển thế mạnh, khơi dậy tiềm năng mà không phải địa phương nào cũng có được.
Tình hình kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực
Trong 6 tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp trên các các ngành, lĩnh vực ngay từ đầu năm, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn trong thu ngân sách, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đôn đốc tiến độ thực hiện dự án đường cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương; giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, xây dựng, đất đai, khoáng sản, bất động sản... Qua đó, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục tăng trưởng khá và đạt một số kết quả tích cực.
Kinh tế tiếp tục tăng trưởng 5,07%; trong đó, ngành Nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng 5,28%, đóng vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh nhiều khó khăn; sản xuất công nghiệp, xây dựng tuy gặp khó khăn nhưng vẫn tăng trưởng 3,24%; ngành dịch vụ, buôn bán hàng hóa, tiêu dùng tiếp tục sôi động, tăng trưởng 5,58%. Hoạt động du lịch tiếp tục tăng trưởng mạnh, tổ chức nhiều sự kiện nghệ thuật với quy mô, chất lượng đẳng cấp quốc tế, thu hút đông đảo khách du lịch đến Lâm Đồng (tổng lượt khách qua lưu trú tăng 43,5%; khách quốc tế tăng 773,1% so với cùng kỳ).
Công tác lập đồ án Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đạt nhiều kết quả tích cực; đã được Hội đồng thẩm định Trung ương thông qua và đang hoàn thiện làm cơ sở trình Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt trong quý III/2023. Triển khai các quy hoạch chuyên ngành như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch lâm nghiệp, quy hoạch chung, quy hoạch xây dựng,...
Thành lập Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng để kịp thời chỉ đạo các ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số được quan tâm thực hiện tốt; định kỳ hàng tháng, lãnh đạo UBND tỉnh tiếp doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời nắm bắt thông tin, giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan.
Vòng xoay chợ Đà Lạt |
Điểm đến đầu tư của các “ông lớn”
Đẩy mạnh các chính sách thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến đầu tư triển khai thực hiện dự án tại địa phương là một trong những chủ trương tỉnh Lâm Đồng đang tích cực triển khai. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, triển khai dự án của doanh nghiệp; đẩy nhanh xúc tiến, thu hút các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh. Các địa phương đã chủ động rà soát quỹ đất, các khu vực có khả năng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đề đề xuất dự án hoặc lập quy hoạch (đối với khu vực chưa có quy hoạch).
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Lâm Đồng đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 7 dự án vốn trong nước, với tổng vốn đăng ký đạt 6.865 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng có tổng cộng 974 dự án đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký khoảng 144.200 tỷ đồng. Trong số đó, đã có 603 dự án hoàn thành đầu tư và đi vào hoạt động.
Thời gian qua, song song với công tác rà soát, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách cho nhà đầu tư trong triển khai thực hiện dự án, tỉnh Lâm Đồng còn tiếp tục thực hiện tốt việc định hình phát triển đồng bộ các lĩnh vực, giúp cho các dự án sau khi hoàn thiện, thuận lợi trong quá trình hoạt động. Cùng với đó, địa phương tiến hành rà soát, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các dự án, chấm dứt hoạt động các dự án chậm tiến độ, không triển khai theo kế hoạch phê duyệt. Trong đó đã thu hồi chấm dứt hoạt động đầu tư của 4 dự án, với tổng số vốn đăng ký 350 tỷ đồng.
Tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều quyết định phê duyệt danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Theo quyết định số 184/QĐ-UBND ngày 27/1/2022, tỉnh đã kêu gọi đầu tư 142 dự án, bao gồm các lĩnh vực như khu nhà ở, khu đô thị, nhà ở , công nghiệp, du lịch, cấp thoát nước, xử lý rác và công trình hạ tầng kỹ thuật, thương mại, dịch vụ, văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, đào tạo, nông nghiệp…
Trong năm 2024, tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung xúc tiến đầu tư trong các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, kết cấu hạ tầng, nhà ở và khu đô thị. Với lĩnh vực du lịch, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại và đồng bộ để phục vụ phát triển du lịch, đặc biệt tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm và các khu vực có tiềm năng du lịch khác trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Lâm Đồng cũng sẽ thu hút đầu tư xây dựng các khu vui chơi giải trí lớn, hiện đại, các nhà hàng và khách sạn cao cấp.
Trong lĩnh vực dịch vụ, tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư vào các dự án ngân hàng, tài chính thương mại, dịch vụ logistics, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin – điện tử và du lịch. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng các trung tâm thương mại cao cấp, trung tâm dịch vụ lớn, hiện đại và trung tâm hội nghị quốc tế tại thành phố Đà Lạt.
Về kết cấu hạ tầng, Lâm Đồng sẽ tập trung đầu tư vào các dự án giao thông trọng điểm như cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, các tuyến quốc lộ 27, 55, 27C, khôi phục đường sắt Phan Rang – Tháp Chàm – Đà Lạt. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ tìm kiếm đối tác đầu tư lớn trong nước như Tập đoàn Vingroup, Sungroup, Sovico , Hưng Thịnh, Him Lam, Bitexco, Becamex để cùng đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế của địa phương.
| Lâm Đồng: Hướng đến nền nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại Dựa vào điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng, tỉnh Lâm Đồng xác định nông nghiệp là ngành kinh tế trọng yếu ... |
| Lâm Đồng: Khơi dậy tiềm năng, phát huy thế mạnh Với việc triển khai hàng loạt dự án quan trọng, năm 2022 được xem là năm đột phá của tỉnh Lâm Đồng trong đẩy mạnh ... |
| Lâm Đồng: Khai thác nguồn lực, khơi thông dòng vốn đầu tư Dựa trên những tiềm năng, lợi thế sẵn có, Lâm Đồng đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo môi trường đầu ... |