📞

Lâm Đồng: Phát triển du lịch an toàn và bền vững

20:10 | 12/03/2022
Bên cạnh những nỗ lực phục hồi ngành du lịch sau đại dịch COVID-19, tỉnh Lâm Đồng cũng đang tập trung phát triển các loại hình du lịch có tính cạnh tranh cao và mang thương hiệu địa phương nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế du lịch sẵn có. Đồng thời tăng cường chuyển đổi số, phát triển du lịch theo hướng du lịch thông minh, góp phần phát triển du lịch an toàn và bền vững trong tình hình mới.
Lâm Đồng: Phát triển du lịch an toàn và bền vững

Năm 2021, khi làn sóng đại dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh, ngành du lịch cả nước nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng đã chịu ảnh hưởng rất nặng nề, khó khăn chồng chất khó khăn. Các hoạt động du lịch dường như “đóng băng”, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch phải tạm ngừng hoạt động kinh doanh, một số doanh nghiệp giải thể,... Lượng khách du lịch đến Lâm Đồng ước đạt gần 2,5 triệu lượt, đạt 62,32% kế hoạch năm, giảm 27% so cùng kỳ. Trong đó, khách qua lưu trú ước đạt gần 2,2 triệu lượt, đạt 54,1% kế hoạch, giảm 40,5%; khách quốc tế ước đạt 16.889 lượt, đạt 11,3% kế hoạch, giảm 85,9%.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát, ngành du lịch Lâm Đồng đang từng bước khôi phục lại hoạt động. Song song với việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, giúp các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn phục hồi hoạt động trong tình hình mới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cũng tập trung hướng dẫn các doanh nghiệp điều chỉnh lại hoạt động, nghiên cứu nhu cầu thị trường để có những sản phẩm du lịch chất lượng, phù hợp với trạng thái bình thường mới; quảng bá hình ảnh Đà Lạt - Lâm Đồng “điểm đến an toàn, hấp dẫn” trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội; nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch gắn với phát triển kinh tế về đêm; xây dựng chương trình kích cầu du lịch tại chỗ "Người địa phương đi du lịch địa phương"; khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường liên kết hợp tác để phát triển ổn định và bền vững hơn sau dịch.

Sở tham mưu quy hoạch và mở rộng không gian du lịch, định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng theo từng cụm du lịch, như: Cụm Đà Lạt và vùng phụ cận (TP. Đà Lạt, huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đam Rông, Đơn Dương và Lâm Hà); Bảo Lộc và vùng phụ cận (TP. Bảo Lộc, huyện Di Linh và Bảo Lâm); các huyện phía Nam (Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên). Quy hoạch các tuyến du lịch nội vùng từ Đà Lạt đi TP. Bảo Lộc và các huyện; tuyến liên kết vùng Tây Nguyên - Duyên hải Nam Trung bộ - vùng TP.HCM - vùng ĐBSCL - các tỉnh phía Bắc và tuyến du lịch Quốc gia - Quốc tế. Kiến nghị UBND tỉnh đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng lấy chất lượng làm trọng tâm. Mặt khác, tỉnh Lâm Đồng cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu, điểm du lịch chất lượng cao như: nâng cấp, mở rộng dự án KDL thác Bobla ở huyện Di Linh; Thung lũng Tình Yêu, thác Prenn và một số dự án tại KDL Quốc gia hồ Tuyền Lâm,... ở TP. Đà Lạt. Ưu tiên đầu tư, đẩy nhanh tiến độ dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc; khu đô thị, thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh; dự án KDL Đankia - Suối Vàng; khu trung tâm Hòa Bình,…để tạo động lực thúc đẩy du lịch phát triển.

Đặc biệt, với lợi thế về tài nguyên tự nhiên và khí hậu, ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng đã và đang chủ động phát triển những sản phẩm du lịch độc đáo, có tính cạnh tranh cao và có nét đặc trưng khác biệt mang thương hiệu du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng. Trong đó, Lâm Đồng sở hữu nền nông nghiệp trù phú, là tỉnh đứng đầu cả nước về áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp với diện tích canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 61.160 ha; có nhiều sản phẩm nông nghiệp được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu như: Rau Đà Lạt, Hoa Đà Lạt, Rượu cần Lang Biang, Trà B’lao, Cà phê Di Linh, Chuối LaBa, Nấm Đơn Dương, Dứa Cayenne Đơn Dương, lúa gạo Cát Tiên, cá nước lạnh Đà Lạt, tơ tằm Bảo Lộc,... Đây là điều kiện thuận lợi để ngành du lịch đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch canh nông thành sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương, mở ra hướng đi bền vững cho kế hoạch phục hồi du lịch của tỉnh Lâm Đồng.

Ngoài ra, chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh cũng đã tạo điều kiện cho việc phát triển du lịch canh nông tại các làng nghề truyền thống như: Làng hoa Vạn Thành, Làng hoa Hà Đông, Làng hoa Thái Phiên,…với các mô hình như Long Đỉnh Farm, Cầu Đất Farm, trang trại bò sữa Vinamilk Organic,… Thông qua các tour du lịch canh nông, du khách có thể tham quan các gia trại, nông trại, trang trại để tìm hiểu quá trình canh tác, sản xuất các sản phẩm nông sản của người nông dân. Đồng thời kết hợp thưởng ngoạn các danh lam thắng cảnh và trải nghiệm, khám phá những bản sắc văn hóa độc đáo của vùng đất cao nguyên Lâm Đồng.

UBND tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích người dân địa phương phát triển mô hình du lịch canh nông, góp phần tạo nên nét đặc trưng của thương hiệu du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 33 mô hình du lịch canh nông được công nhận để đưa vào phục vụ khách tham quan như: Trang trại Rau và Hoa, Mô hình Cà phê Green Box, Đạ Lạch Noah, Fresh Garden Đà Lạt, Trà Long Đỉnh, Trà và Rượu Vang Vĩnh Tiến,…Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây dựng thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" nhằm quảng bá các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương và du lịch canh nông đến với du khách trong và ngoài nước. Toàn tỉnh hiện có 10 đơn vị du lịch canh nông được cấp nhãn hiệu chứng nhận "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành", qua đó góp phần từng bước lan tỏa thương hiệu du lịch Lâm Đồng ra thị trường quốc tế.

Hơn thế, tỉnh Lâm Đồng đang tích cực đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch nhằm tạo nên một chuỗi du lịch giá trị bền vững với nhiều lựa chọn khác nhau cho du khách. Việc áp dụng chuyển đổi số giúp cung cấp thông tin, định vị điểm đến nhằm tạo hệ thống mạng lưới liên kết giữa các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, để từ đó khách du lịch khi đến Lâm Đồng có thể dễ dàng tìm hiểu và đưa ra sự lựa chọn thích hợp cho chuyến tham quan của mình. Cùng với 02 websites chính thức về du lịch đang được vận hành là svhttdl.lamdong.gov.vn và dalat-info.vn, tỉnh cũng đang phát triển hệ thống du lịch thông minh gồm: Cổng thông tin datat.vn, ứng dụng du lịch thông minh DaLatCity phục vụ du khách trên thiết bị di động; thành phố wifi; bản đồ du lịch thông minh. Hệ thống này sẽ cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin từ ăn uống, nghỉ ngơi, mua sắm, điểm đến du lịch hay các hoạt động tiện ích như taxi, ATM, cây xăng, cho du khách; tích hợp bản đồ du lịch thông minh vào hệ thống giúp du khách dễ dàng tìm kiếm thông tin, chỉ đường, định vị,... Hay với mục phản hồi, du khách có thể tương tác để phản ánh về giá cả, chất lượng dịch vụ đến các cơ quan chức năng.