Lâm Đồng là một tỉnh Tây Nguyên, có độ cao từ 800-1.500m so với mực nước biển, diện tích tự nhiên 9.783,3 km²; có 12 đơn vị hành chính trực thuộc. Tính đến cuối năm 2020 có 1.415.500 người thuộc 47 dân tộc anh em cùng sinh sống.
Tỉnh có hệ thống giao thông đường bộ thuận lợi nối liền với các tỉnh Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên; giao thông hàng không có Cảng hàng không Liên Khương đạt tiêu chuẩn quốc tế, đang khai thác các chuyến bay nội địa đến Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Vinh, Cần Thơ và các chuyến bay quốc tế tới Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), hiện đang xúc tiến mở đường bay đến một số nước ASEAN, Bắc Á.
Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Phạm Việt Dũng) |
Thành phố Đà Lạt có khí hậu ôn hòa mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhiều di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng... cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, tạo cho vùng đất này có nhiều lợi thế để phát triển các ngành như giáo dục, y tế, du lịch, dịch vụ, nghiên cứu khoa học…
Bên cạnh đó, với tài nguyên đất đai màu mỡ, Lâm Đồng có tiềm năng để phát triển nông nghiệp như trồng trà, cà phê, rau, hoa, củ, quả và các loại sản phẩm nông nghiệp khác với giá trị kinh tế cao.
Từ năm 2012 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã tiếp đón hơn 2.000 đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại địa phương; nhiều tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến khảo sát, nghiên cứu, hỗ trợ và tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Lâm Đồng hiện có quan hệ hợp tác với các địa phương, tổ chức quốc tế và nhà đầu tư đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt chú trọng đến các quốc gia ASEAN.
Tỉnh đã thiết lập được mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với một số địa phương trên thế giới như: tỉnh Đông Flanders (Vương quốc Bỉ), thành phố Guri và Chuncheon (Hàn Quốc), tỉnh Champasak và Bolykhamxay (CHDCND Lào), vùng Occitanie (Pháp) và một số tổ chức như Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA)…
Lâm Đồng tích cực tham gia xúc tiến kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch và xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư tại các quốc gia như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ…
Hoạt động ngoại giao văn hóa đã trở thành một trong những mục tiêu quan trọng của tỉnh nhằm hỗ trợ thúc đẩy hội nhập quốc tế, tăng cường giới thiệu, quảng bá hình ảnh vùng đất và con người Lâm Đồng đến với bạn bè trong và ngoài nước, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của tỉnh. Tỉnh thực hiện thông qua nhiều hình thức như tổ chức Tuần lễ phim nước ngoài, biểu diễn nghệ thuật truyền thống của địa phương tại các sự kiện quan trọng của tỉnh, các chương trình đón tiếp khách quốc tế…
Một "đặc sản" của Lâm Đồng là Festival hoa Đà Lạt được tổ chức 2 năm một lần với sự tham dự của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trước thời điểm dịch Covid-19, trung bình mỗi năm, Lâm Đồng đã đón tiếp và hướng dẫn cho trên 10 đoàn phóng viên, báo chí nước ngoài đến hoạt động tại địa phương, trong đó có những kênh truyền hình lớn như TV Tokyo, NHK (Nhật Bản), MDR (Đức), BBC (Anh), SBS (Hàn Quốc), TVB (Hong Kong), CNN (Mỹ… Đây là cơ hội tốt để tỉnh Lâm Đồng quảng bá những nét đẹp về văn hóa, thiên nhiên, con người địa phương đến bạn bè quốc tế.
Hằng năm, Lâm Đồng tiếp nhận và triển khai trên 30 chương trình, dự án, viện trợ phi dự án với tổng giá trị giải ngân đạt gần 2 triệu USD/năm, chủ yếu trong các lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, y tế, giáo dục và đào tạo, giải quyết các vấn đề xã hội…
UBND tỉnh Lâm Đồng và Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị trực tuyến “Tiềm năng, cơ hội đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng (Việt Nam) và hợp tác với Ấn Độ trong lĩnh vực nông nghiệp” theo hướng công nghệ cao, ngày 22/4/2021. (Nguồn: TTXVN) |
Hiện trên địa bàn tỉnh có 33 tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động. Nguồn viện trợ này đã góp phần không nhỏ vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực an sinh xã hội, giảm nghèo, phát triển bền vững, nâng cao năng lực cộng đồng và phát triển nguồn nhân lực tại địa phương.
Những kết quả đạt được trong công tác đối ngoại thời gian qua đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Năm 2019, tăng trưởng kinh tế GRDP tăng 8,5%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực ngành nông lâm thủy sản chiếm 44,4%, ngành công nghiệp xây dựng chiếm 17,9% và ngành dịch vụ chiếm 37,7%. GRDP bình quân đầu người đạt 66,7 triệu đồng (tương ứng 2.858 USD/người/năm), tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 720 triệu USD. Thu hút đầu tư trong nước 853 dự án, tổng số vốn đầu tư đăng ký 115,8 ngàn tỷ đồng, quy mô diện tích sử dụng đất 67.300 ha. Đầu tư nước ngoài (FDI) 103 dự án, tổng số vốn đầu tư đăng ký 515 triệu USD với quy mô diện tích sử dụng đất 2.320 ha.
Năm 2020, do đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, khiến Việt Nam tăng trưởng GRDP chỉ ở mức 2,91%. Trong khi nhiều tỉnh, thành có mức tăng trưởng GRDP âm thì Lâm Đồng vẫn tăng 2,01% so với cùng kỳ và là tỉnh đứng thứ 48 trong bảng xếp hạng tăng trưởng GRDP của cả nước.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được nâng lên. Ngành nông nghiệp vẫn giữ được mức tăng trưởng khá 4,38% (tương đương mức tăng trưởng khi chưa có dịch Covid-19). Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,38%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,86% và khu vực dịch vụ chỉ đạt 99,02% so với cùng kỳ.
Năm 2020, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 1.250 doanh nghiệp, tăng 13,63% so cùng kỳ. Trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 9.404 tỷ đồng, đạt 101,2% dự toán, tăng 8,4% so với cùng kỳ.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định trong năm 2021, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt và hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới để vươn lên mạnh mẽ.
Nghị quyết cũng chỉ ra kinh tế Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở giữ vững, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa xã hội; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, phát huy đổi mới, sáng tạo.
Ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 946/QĐ-TTg về việc phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện của cả nước. Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu nông nghiệp, hướng đến ngành nông nghiệp toàn diện và hiện đại, là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế; phát triển du lịch chất lượng cao, xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch của cả nước và khu vực Đông Nam Á và là trung tâm giáo dục nghiên cứu, sáng tạo khoa học... |