Nhỏ Bình thường Lớn

Làm gì để kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới?

Dự báo, đến năm 2034, Việt Nam sẽ “dư thừa” 1,5 triệu nam giới lứa tuổi từ 15-49. Việc giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới tại Việt Nam cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan.
Làm gì để kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới? (Nguồn: TTXVN)
Tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam là 111,5 trẻ trai trên 100 trẻ gái, trong khi tỷ số này ở mức tự nhiên là từ 103-106 trẻ trai trên 100 trẻ gái. (Nguồn: TTXVN)

Sáng 7/3, Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam phối hợp tổ chức Tọa đàm Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án “Giải quyết vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và các thực hành có hại tại châu Á” do Chương trình Hợp tác và Phát triển Na Uy tài trợ trong giai đoạn 2020-2022.

Các đại biểu dự tọa đàm đã chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế, các cách tiếp cận sáng tạo nhằm thay đổi các định kiến văn hóa xã hội dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới tại Việt Nam; vai trò và sự tham gia của nam giới trong thúc đẩy bình đẳng giới, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới, tăng cường cơ chế điều phối liên ngành.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình nhấn mạnh, nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam kéo dài, không được kiểm soát, có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế, thậm chí cả an ninh chính trị… ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Đây cũng là một trong những thách thức lớn của công tác dân số Việt Nam.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã tăng cường hoàn thiện và thực thi chính sách pháp luật, triển khai nhiều giải pháp can thiệp nhằm giải quyết vấn đề này nói riêng cũng như các vấn đề dân số và phát triển nói chung như Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025 của Thủ tướng Chính phủ… nhằm từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh và tiến tới đưa về mức cân bằng tự nhiên.

Dù đã có những khung pháp lý, chính sách, chương trình về thúc đẩy bình đẳng giới và đề án quốc gia về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới, tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn một số tồn tại và thách thức trong việc thực thi chính sách như chưa tập trung vào yếu tố văn hóa xã hội.

Chính vì vậy, tăng cường cơ chế điều phối liên ngành giữa các bộ, ngành và sự tham gia của tất cả các bên có liên quan là hết sức cần thiết.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình cho rằng, các chương trình truyền thông cần tập trung hơn nữa vào vấn đề xã hội và định kiến giới về vấn đề tâm lý ưa thích con trai hơn con gái dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới.

Đối tượng truyền thông cần tập trung nhiều hơn vào nam giới, đặc biệt là nhóm thanh niên, thông qua các kênh truyền thông sáng tạo và đa dạng hóa các hình thức truyền thông, truyền thông kỹ thuật số, các nền tảng xã hội cùng với các chương trình truyền thông truyền thống.

Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen nêu kinh nghiệm của nước này rằng, trong các chính sách phát triển của mình, Oslo đặc biệt ưu tiên củng cố những chuẩn mực toàn cầu phản đối mọi thực hành có hại và thúc đẩy quyền của trẻ em gái và phụ nữ.

Đại sứ kêu gọi các bên liên quan cùng nhau hợp tác để chấm dứt lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và mang lại một tương lai tươi sáng và phồn thịnh cho Việt Nam.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA khẳng định, cơ quan này cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc thực thi các chính sách và pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh do thực hành lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới.

Theo bà: “Cần có sự tham gia nhiều hơn nữa của nam giới trong việc chấm dứt lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Phụ nữ thường chịu nhiều áp lực từ gia đình về việc phải sinh con trai chứ không phải con gái. Chính vì vậy, sự thấu hiểu và hỗ trợ của nam giới có thể tạo nhiều thay đổi".

Trưởng Đại diện UNFPA đánh giá, Việt Nam đã thực hiện rất nhiều chương trình kiểm soát mất cân bằng giới tính trong những năm vừa qua, nhưng tỉ lệ mất cân bằng giới tính vẫn còn cao, cụ thể gần đây nhất là cao thứ ba tại châu Á.

"Chúng ta cần phải hành động mạnh mẽ hơn, chú trọng các biện pháp liên quan mức sinh của mỗi cá nhân và mỗi cặp vợ chồng trong việc lựa chọn số con, thời gian và khoảng cách mỗi lần sinh phù hợp với nguyên tắc của Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển”, bà nói.

Theo kết quả của Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam là 111,5 trẻ trai trên 100 trẻ gái trong khi tỷ số này ở mức tự nhiên là từ 103-106 trẻ trai trên 100 trẻ gái.

Dự báo, đến năm 2034, Việt Nam sẽ “dư thừa” 1,5 triệu nam giới lứa tuổi từ 15-49 và đến năm 2059, con số này là 2,5 triệu nam giới (bằng 9,5% dân số nam) nếu tỷ số giới tính khi sinh không giảm.

Phát động chiến dịch Thanh niên chuẩn - Nói không với định kiến giới

Phát động chiến dịch Thanh niên chuẩn - Nói không với định kiến giới

Ngày 24/1, Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Plan International Việt Nam tổ chức lễ phát động chiến ...

Các nước Bắc Âu tham gia sự kiện Hanoi Pride 2021

Các nước Bắc Âu tham gia sự kiện Hanoi Pride 2021

Ngày 8/11, Đại sứ quán các nước Bắc Âu tại Hà Nội (Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển) đã cùng cộng đồng ...