Nhỏ Bình thường Lớn

Làm gì khi giá năng lượng tăng phi mã?

Ngày 1/6, giá xăng lại lập kỷ lục, vượt mốc 31.000 đồng/lít. Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 14 kỳ điều hành giá, trong đó, có tới 11 lần tăng giá. Trong bối cảnh xung đột tiếp diễn tại Đông Âu, khả năng lớn là giá năng lượng tiếp tục tăng.
Giá xăng tăng rất mạnh, lên sát mốc 30.000 đồng/lít
Ngày 1/6, giá xăng lại lập kỷ lục, vượt mốc 31.000 đồng/lít.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu cơ quan chức năng không có ngay biện pháp để kiểm soát, sẽ tạo hiệu ứng domino tăng giá hàng loạt mặt hàng thiết yếu khác, tác động đến tận bữa ăn của người dân.

Số liệu mới nhất do Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Năm đã tăng 0,38% so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước. Từ cuối năm 2021 đến nay, CPI trong nước đã tăng 2,48%, cao nhất trong năm năm trở lại đây.

Chỉ số giá nhiều nhóm hàng hóa tăng cao chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu theo giá nhiên liệu thế giới. So với đầu năm, giá xăng dầu trong nước bình quân tăng 27,26% và tăng gần 50% so với cùng kỳ. Không chỉ người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp đang phải vật lộn để duy trì sản xuất trong áp lực chi phí tăng cao, và sức mua còn khá yếu.

Nhiều ý kiến cho rằng, đây chính là lúc cần vai trò điều tiết của các chính sách thuế, đôi khi cần phải chấp nhận một khoản thiếu hụt nguồn thu ngân sách từ việc giảm thuế xăng dầu, để hỗ trợ chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, ổn định kinh tế vĩ mô, cũng như hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn.

Tình hình giá xăng dầu đang là biến số góp phần đẩy lạm phát tăng nhanh trên toàn cầu. Nhìn ra thế giới, khi giá năng lượng tăng mạnh, nhiều quốc gia đã triển khai các biện pháp giảm thuế kìm giá xăng dầu, trợ cấp hoặc hỗ trợ thuế nhằm giải quyết khó khăn cho người dân, đáp ứng nhu cầu phục hồi hậu Covid-19.

Nhiều bang của Mỹ như Michigan, New York… quyết định tạm dừng thuế nhiên liệu; Vương quốc Anh công bố gói chính sách 15 tỷ bảng (19 tỷ USD) giúp các hộ gia đình ứng phó với sinh hoạt phí tăng cao và đánh thuế lợi nhuận bất thường với các công ty năng lượng; Đức phát thêm tiền mặt cho người lao động và gia đình, đồng thời giảm giá xăng, giá vé các phương tiện giao thông công cộng; Pháp cam kết hạn chế mức tăng giá điện, triển khai gói hỗ trợ trị giá gần 27 tỷ USD, nhằm giúp các công ty về chi phí khí đốt và điện.

Tại Đông Nam Á, giới chuyên môn Philippines đề xuất chính phủ giảm thuế, trợ giá và tăng cường làm việc từ xa. Thuế xăng dầu ở quốc gia này sẽ giảm theo tỷ lệ phần trăm nhất định, theo các mốc biến động của giá thế giới, từ 85-90-100 USD/thùng; Thái Lan cũng triển khai loạt biện pháp nhằm hỗ trợ người tiêu dùng như duy trì giá bán lẻ nhờ quỹ bình ổn xăng dầu, trợ giá 50% cho mức tăng giá nhiên liệu, trợ cấp tiền mặt. Chính phủ Thái Lan cam kết tăng cường dự trữ dầu và cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu...

Theo các chuyên gia, chúng ta còn dư địa về thuế để giảm đà tăng nóng của giá xăng dầu, chẳng hạn, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt... Nguồn thu trước mắt có thể giảm, nhưng không nên đặt thành vấn đề, bởi nếu lạm phát quá cao, nguồn thu ngân sách có nguy cơ giảm trầm trọng hơn, không kể những hiệu ứng domino mà nó gây ra.

Giá năng lượng, thực phẩm tăng mạnh, lạm phát tại Eurozone đạt kỷ lục mới

Giá năng lượng, thực phẩm tăng mạnh, lạm phát tại Eurozone đạt kỷ lục mới

Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, tỷ lệ lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên ...

Giá khí đốt tăng cao, năng lượng tái tạo lên ngôi

Giá khí đốt tăng cao, năng lượng tái tạo lên ngôi

Một nghiên cứu mới được công bố cho thấy, giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao là cơ hội để nhiều quốc gia chuyển đổi ...