Thời gian qua, lượng LNG nhập khẩu từ Nga sang châu Âu đã tăng vọt và mặt hàng này vẫn không bị trừng phạt. Cảng Zeebrugge (Bỉ). (Nguồn: Financial Times) |
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, EU đã cố gắng loại bỏ nguồn năng lượng của Nga. Tuy nhiên, khí đốt là vấn đề nan giải và bài toán khó nhất với khối 27 thành viên.
Tháng 9/2022, đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 bị phá hoại đã loại bỏ phần lớn khí đốt nhập khẩu của Nga đến EU. Hiện tại, châu Âu chỉ nhận khí đốt Moscow bằng đường ống qua Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ.
Vấn đề chưa dừng lại ở đó. Thời gian qua, lượng LNG nhập khẩu từ Nga sang châu Âu đã tăng vọt và mặt hàng này vẫn không bị trừng phạt. Chứng tỏ, châu Âu vẫn phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga.
Nhận thấy vấn đề bất cập này, khối 27 thành viên đang tranh luận về việc đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với LNG trong gói trừng phạt thứ 14 nhằm vào Moscow.
Nhưng theo báo cáo của bne IntelliNews, các quy định mới về nhập khẩu LNG còn mơ hồ và có thể, lượng nhập khẩu LNG từ đất nước của Tổng thống Putin vẫn khó có thể thay đổi.
Bất chấp tham vọng đặt ra trong kế hoạch REPowerEU nhằm chuyển đổi hệ thống năng lượng của toàn khối EU hướng tới thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga, các nhà ga châu Âu không chỉ nhập khẩu LNG của Moscow mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc trung chuyển sang các thị trường khác. Điều này đã vô tình giúp Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt và hạn chế.
Việc trung chuyển nói trên vẫn là một lỗ hổng lớn tại các trạm LNG châu Âu và thường không được tính vào số liệu nhập khẩu chính thức. Lỗ hổng lớn này khiến các nhà hoạch định chính sách bỏ qua phần hàng nhập khẩu này của Nga. Và vì vậy, LNG của Moscow "ung dung" di chuyển qua các cảng của EU.
Theo Viện Kinh tế năng lượng và Phân tích tài chính, trong tổng số LNG của Nga được Bỉ và Pháp nhận từ tháng 1-9/2023, 37% lượng khí đốt đã được trung chuyển đến nước thứ ba.
Chín tháng đầu năm 2023, trong khu vực châu Âu, Tây Ban Nha nhập khẩu LNG của Nga với 5,21 tỷ m3 - lớn nhất khu vực. Tiếp theo là Pháp (3,19 tỷ m3) và Bỉ (3,14 tỷ m3).
Nhà ga Zeebrugge của Bỉ, cơ sở Montoir-de-Bretagne của Pháp và cảng Bilbao của Tây Ban Nha là những nơi tiếp nhận LNG chính từ dự án Yamal của Moscow.
Công ty tình báo dữ liệu Kpler cho hay, khoảng 90% lượng LNG trung chuyển này đã đến các thị trường ngoài EU.
Về phía Nga, nước này đang kiếm được rất nhiều tiền khi chuyển LNG tới châu Âu.
Vào năm 2022, chi tiêu của EU cho khí đốt và LNG của Nga đã tăng hơn gấp đôi do khủng hoảng giá cả, đạt 16,1 tỷ Euro. Chỉ riêng khoản thanh toán cho nhập khẩu LNG đã tăng gấp ba lần, lên mức 6,2 tỷ Euro.
Tuy nhiên, vẫn có những quốc gia quyết liệt "chặn" dòng chảy khí đốt Nga. Đơn cử như Hà Lan - đất nước đã ngừng cung cấp dịch vụ trung chuyển LNG của Nga và Anh đã cấm hoàn toàn việc nhập khẩu nhiên liệu của đất nước này.
Hiện tại, EU cũng đang bắt đầu các cuộc đàm phán về vòng trừng phạt tiếp theo đối với Nga và lần đầu tiên nhắm vào LNG. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận thấy, kế hoạch do Ủy ban châu Âu thiết kế không đạt được lệnh cấm nhập khẩu toàn diện như khối này đã làm trước đây với than và dầu của Nga xuất khẩu qua đường biển.
Thay vào đó, khối 27 thành viên đang nhắm mục tiêu cấm vận chuyển LNG của Nga, nghĩa là cấm tái xuất khẩu LNG từ các cảng của EU sang các nước khác. Khối cũng đang nhắm mục tiêu trừng phạt ba dự án LNG ở Nga là Arctic LNG 2, Ust Luga và Murmansk, nhưng vấn đề là những dự án này hiện vẫn chưa đi vào hoạt động.
Các Đại sứ EU đã có cuộc thảo luận ban đầu vào ngày 8/5 và sẽ mất vài tuần trước khi 27 quốc gia đạt được thỏa thuận cuối cùng. Các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng được coi là rất nhạy cảm. Trước đây, các cuộc đàm phán về vấn đề này từng kéo dài và chỉ đạt được nhượng bộ vào phút cuối. Nếu được thông qua, các lệnh trừng phạt này sẽ đánh dấu gói trừng phạt thứ 14 của EU với Nga kể từ tháng 2/2022.