Tại Hội thảo, các chuyên gia đã chỉ ra một số yếu tố có thể gây tác động lên mặt bằng giá trong năm 2019. Cụ thể đó là việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý theo lộ trình thị trường, giá nhóm dịch vụ chuyển từ phí sang giá, biến động phức tạp của giá xăng dầu và các hàng hoá cơ bản khác trên thị trường thế giới, xu hướng tăng giá của USD tác động đến tỷ giá trong nước…
TS. Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế Tài chính cho rằng, trên thực tế, việc kiềm chế lạm phát trong năm 2019 là do giá dầu giảm mạnh trong 2 tháng qua, từ mức trên 70 USD/thùng xuống còn dưới 50 USD/ thùng. Với việc giá dầu giảm mạnh, lạm phát tháng 12/2018 chỉ còn ở mức 2,98%, giảm mạnh so với mức 3,89% trong năm trước, giảm mạnh so với mức 3,98% trong tháng 10/2018.
Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: Vi Vi) |
TS. Độ nhận định, đây là điều kiện rất thuận lợi cho việc đảm bảo kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2019. Bởi mức khởi điểm của lạm phát trong tháng đầu năm tới nhiều khả năng cũng sẽ ở mức dưới 3% sau khi liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định điều chỉnh giảm giá xăng dầu khoảng 500 đồng/lít. Mức lạm phát thấp so với cùng kỳ của tháng đầu năm 2019 sẽ có tác động tích cực đến lạm phát cùng kỳ của tất cả các tháng trong năm, cũng như lạm phát trung bình cả năm 2019.
Theo ông Độ, ngoài yếu tố giá dầu giảm còn nhiều yếu tố khác giúp kiềm chế lạm phát như: giá thịt lợn năm 2019 nhiều khả năng sẽ không tăng; áp lực đối với tỷ giá trong năm 2019 được dự báo sẽ thấp hơn so với năm 2018, bởi kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại và lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đang ở trong giai đoạn cuối, dẫn đến nhu cầu đối với đồng USD sẽ không tăng mạnh như trước.
Đáng chú ý, TS. Nguyễn Đức Độ cho biết, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang có chiều hướng dịu bớt, điều này sẽ khiến cho tỷ giá đồng Nhân dân tệ ổn định hơn trong năm 2019.
“Cả 3 yếu tố khiến cho lạm phát những tháng đầu năm 2018 tăng mạnh là giá dầu, thịt lợn và tỷ giá đều được dự báo sẽ giảm hoặc ổn định hơn trong năm 2019. Điều đó có nghĩa là nhiều khả năng lạm phát năm 2019 sẽ thấp hơn lạm phát trong năm 2018”, ông Độ nhận định.
Dự báo và đưa ra những giải pháp kiểm soát lạm phát năm 2019, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, còn quá sớm để vui mừng với thành tựu kinh tế năm 2018 là mức tăng trưởng GDP 7,08% khi nguy cơ tụt hậu của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn hiện hữu.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, để giữ lạm phát khoảng 4% năm 2019 cũng là một thách thức không nhỏ. (Nguồn: Báo Người tiêu dùng) |
“Theo kết quả xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2018, chỉ số năng lực cạnh tranh 4.0 của Việt Nam giảm 4 bậc (từ 74 xuống vị trí 77). Đáng chú ý, 7/12 trụ cột giảm điểm. Có thể nói, Việt Nam đang tụt lại đăng sau các nước ASEAN về năng lực cạnh tranh 4.0” – ông Long cảnh báo.
Ông Ngô Trí Long cho rằng, để giữ lạm phát khoảng 4% năm 2019 cũng là một thách thức không nhỏ, nếu không kịp thời có những giải pháp để vượt qua thì khó khăn sẽ đè nặng lên nền kinh tế.
Một số giải pháp được chuyên gia này đưa ra là tập trung tăng cường năng lực, chủ động, phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, tài chính, giá cả thế giới, trong nước để chủ động có đối sách phù hợp và kịp thời; tăng cường công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước; thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý nợ động thuế và triển khai hóa đơn điện tử…