Một người phụ nữ mua sắm tại một siêu thị ở Singapore. Giá thực phẩm đã tăng mạnh ở các quốc gia ASEAN. (Nguồn: Straits Times) |
Lạm phát là rủi ro hàng đầu
Khảo sát hằng quý mới nhất của Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) và Nikkei Asia vào tháng 6/2022 cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của năm thành viên lớn nhất ASEAN là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan sẽ tăng trưởng 5% vào năm 2022, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cuộc khảo sát trước đó vào tháng 3/2022.
Các nước châu Á đang đưa nền kinh tế thoát khỏi “bóng đen” của đại dịch Covid-19 để nối lại các hoạt động kinh tế, kinh doanh và du lịch. Triển vọng tăng trưởng GDP của Indonesia đã được nâng từ 5% lên 5,1%, Philippines tăng từ 6% lên 6,6% và Thái Lan tăng từ 3,1% lên 3,2%.
Juniman, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Maybank Indonesia, cho biết, tăng trưởng kinh tế quốc gia này được thúc đẩy bởi sự cải thiện của môi trường kinh tế toàn cầu. Điều này thúc đẩy hoạt động xuất khẩu và đầu tư. Đồng thời, các trường hợp nhiễm Covid-19 giảm mạnh cũng giúp nền kinh tế phục hồi và phát triển.
Mặt khác, dự báo tốc độ tăng trưởng của Malaysia giảm từ 6,1% xuống 6% và Singapore giảm từ 4,6% xuống 4,3%.
Nguyên nhân chính của việc dự báo GDP tại các quốc gia này giảm bởi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Ngày 15/6, Fed đã tăng lãi suất chuẩn lên 75 điểm cơ bản - mức tăng lớn nhất kể từ tháng 11/1994 nhằm mục đích kiềm chế lạm phát đang ở mức cao nhất trong 40 năm.
Fed cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2022 từ 2,8% xuống 1,7%. Điều này “phủ bóng đen” lên các nền kinh tế châu Á.
Nhà kinh tế cấp cao Vincent Loo Yeong Hong tại KAF Research ở Malaysia lưu ý, những đợt tăng lãi suất cao như vậy của Mỹ có khả năng gây ra suy thoái trong nền kinh tế.
Hầu hết các ngân hàng trung ương ở các nước châu Á như Ấn Độ, Malaysia và Philippines đang có động thái tăng lãi suất. Indonesia và Thái Lan cũng dự kiến sớm"theo chân".
Theo nhà kinh tế Wisnu Wardana tại Bank Danamon Indonesia, lạm phát đang gia tăng và ngân hàng này cần phải điều chỉnh chính sách tiền tệ trong quý III/2022.
Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan cũng cho biết: "Chúng tôi dự đoán, lần tăng lãi suất đầu tiên tại Thái Lan sẽ được công bố tại cuộc họp trong tháng 8/2022 của Ủy ban Chính sách tiền tệ. Mặc dù tốc độ tăng sẽ chậm hơn so với các nước láng giềng bởi Thái Lan tăng lãi suất với mục đích duy trì kỳ vọng lạm phát, thay vì kiềm chế lạm phát".
Cũng theo Nikkei Asia, lạm phát do các yếu tố như giá nguyên vật liệu, giá nhiên liệu tăng cao bởi cạnh tranh địa chính trị tại Đông Âu có thể là một rủi ro lớn đối với các nền kinh tế ASEAN trong nửa cuối năm nay.
Ông Randolph Tan thuộc Đại học khoa học xã hội Singapore nhận định: “Nền kinh tế Singapore vẫn đang đi trên một quỹ đạo không ổn định do phải đối mặt với rủi ro địa chính trị và ảnh hưởng từ tình hình tại Ukraine”.
Nhà kinh tế trưởng Dharmakirti Joshi tại công ty phân tích CRISIL của Ấn Độ cũng chỉ ra rằng, giá hàng hóa tăng cao và sự gián đoạn nguồn cung toàn cầu ảnh hưởng tới dự báo tăng trưởng kinh tế.
Trong cuộc khảo sát được Nikkei Asia thực hiện từ ngày 3/6 đến 23/6, 36 nhà kinh tế nhận định, lạm phát là rủi ro hàng đầu trong 12 tháng tới. Lạm phát được xếp hạng là rủi ro lớn nhất ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Chính sách tiền tệ của Mỹ được xếp hạng rủi ro thứ hai ở Indonesia, Malaysia và Singapore.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc cũng được xếp hạng là một trong những yếu tố rủi ro chính ở Thái Lan.
Nguồn tài trợ của chính phủ các nước ASEAN đang nhắm đến vấn đề lạm phát. (Nguồn: Ezcash) |
Chính phủ “ra tay” cứu trợ
Chính phủ các nước ASEAN đã bắt đầu tung ra một loạt gói cứu trợ kinh tế khác để giúp người dân trụ vững trong thời kỳ kinh tế khó khăn. Nhưng lần này, thay vì Covid-19, nguồn tài trợ này nhắm đến vấn đề lạm phát.
Singapore đã công bố một biện pháp kích thích trị giá 1,5 SGD (tương đương 1,07 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ.
Những cá nhân có thu nhập từ 34.000 SGD/năm trở xuống sẽ nhận được số tiền lên tới 300 SGD vào tháng 8/2022. Các tài xế taxi và người giao hàng đang gặp khó khăn với giá nhiên liệu tăng cao sẽ nhận được khoản hỗ trợ từ 150 SGD đến 300 SGD.
Tất cả các hộ gia đình cũng sẽ nhận được một khoản tín dụng tiện ích trị giá 100 SGD. Ngoài ra, chính phủ sẽ trợ cấp cho các nhà sản xuất và bán lẻ thực phẩm vừa và nhỏ áp dụng thiết bị tiết kiệm nhiên liệu.
Phó Thủ tướng Singapore Lawrence Wong cho biết: “Các biện pháp hỗ trợ nghiêng về việc giúp đỡ các nhóm thu nhập thấp hơn và dễ bị tổn thương. Họ là những người chịu tác động trực tiếp của lạm phát".
Tại Malaysia, Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob cho biết, các hộ gia đình trong nhóm 40% thu nhập thấp nhất sẽ nhận được khoản tiền hỗ trợ 100 Ringgit (tương đương 22,65 USD). Trong khi đó, các cá nhân trong cùng nhóm đó sẽ nhận được khoản hỗ trợ 50 Ringgit.
Dự kiến, gói hỗ trợ với quy mô 630 triệu Ringgit sẽ giúp khoảng 8,6 triệu người dân Malaysia tại thời điểm này. Bên cạnh đó, chính phủ cũng "đóng băng" việc tăng tiền điện và nước kể từ ngày 24/6.
Theo đề xuất ngân sách năm 2023 của Malaysia được công bố vào tháng trước, các khoản trợ cấp tài chính sẽ không được phổ cập. Thay vào đó, chính phủ sẽ thực hiện một "cách tiếp cận có mục tiêu hơn" tập trung vào các nhóm có mức thu nhập dễ bị tổn thương.
Tại Thái Lan, chính phủ cũng gia hạn thêm thời gian với các gói cứu trợ đang diễn ra. Hiện tại, các gói cứu trợ sẽ có hiệu lực đến tháng 9/2022.
Còn ở Indonesia, các gói trợ cấp bằng tiền mặt đang được chuyển đến khoảng 20 triệu hộ gia đình và 2,5 triệu người bán hàng rong để đối phó với giá dầu ăn tăng cao.
Các biện pháp này được đưa ra trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát cao nhất trong lịch sử.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Thái Lan đã tăng 7,66% trong tháng 6/2022 so với một năm trước đó, đánh dấu mức cao nhất trong 14 năm. CPI của Singapore trong tháng 5/2022 cũng đã tăng 5,6%, tốc độ nhanh nhất trong hơn 10 năm.