📞

Lạm phát liên tục lập kỷ lục, nỗi lo ‘bão giá’ ám ảnh người tiêu dùng Đức

Thanh Trà 09:03 | 31/05/2022
Theo số liệu do cơ quan thống kê Đức Destatis, tỷ lệ lạm phát của Đức đạt 7,9% trong tháng 5, dựa trên chỉ số giá tiêu dùng và so sánh với giá từ tháng 5/2021.
Lạm phát tăng cao khiến nhiều người dân Đức phải thắt chặt chi tiêu. (Nguồn: DW)

Con số lạm phát của tháng 5 đã tăng khoảng 1/10 so với tỷ lệ kỷ lục vào tháng 4. Đây là tỷ lệ lạm phát cao nhất kể từ khi nước Đức thống nhất và tương đương mức ghi nhận vào năm 1973-1974, sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ.

Điểm mặt nguyên nhân

Xung đột ở Ukraine và giá năng lượng tăng cao là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mức lạm phát kỷ lục, theo cơ quan thống kê của Đức. Giá năng lượng tăng 38,3% so với cùng thời điểm năm ngoái, trong khi giá thực phẩm tăng 11,1%.

Destatis cho biết: "Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu, chi phí năng lượng đã tăng lên đáng kể, khiến tỷ lệ lạm phát cao. Một yếu tố khác tác động đến tăng giá là sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 gây ra".

Cũng như hầu hết các nơi trên thế giới, tỷ lệ lạm phát ở Đức gia tăng nhanh chóng khiến người tiêu dùng phải đối mặt với mức giá cao hơn đối với nhiều loại sản phẩm và dịch vụ, khiến sức mua giảm.

Các nhà phân tích dự đoán rằng, ​​tỷ lệ lạm phát trung bình của toàn châu Âu sẽ ở mức 6% vào năm 2022.

Rủi ro kinh tế lớn

Đức đang dự thảo một loạt chính sách nhằm giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng do giá năng lượng tăng.

Các chính sách bao gồm việc giảm giá vé tháng cho những người sử dụng các phương tiện giao thông công cộng từ tháng 6 đến tháng 8 và giảm giá cho tài xế nạp nhiên liệu tại các trạm xăng.

Việc giảm giá giúp chi phí xăng giảm 29,55 Cent/lít và dầu diesel giảm 14,04 Cent/lít. Điều này có nghĩa là ngân sách quốc gia phải chi trả thêm khoảng 3 tỷ Euro (khoảng 3,23 tỷ USD).

Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Berenberg Holger Schmieding cho rằng: "Việc giảm giá mua xăng và các biện pháp can thiệp khác rất có thể dẫn đến tỷ lệ lạm phát ở Đức tiếp tục tăng trong những tháng tới".

Ngay trước khi dữ liệu được công bố hôm 30/5, Bộ trưởng Tài chính và là người đứng đầu đảng Dân chủ tự do thân thiện với doanh nghiệp (FDP) Christian Lindner nói rằng "ưu tiên hàng đầu phải là chống lạm phát".

Ông Christian Lindner nhấn mạnh, lạm phát là một rủi ro kinh tế to lớn và phải chống lại lạm phát để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kinh tế.

“Sức nóng’ lan toàn cầu

Theo Aurelien Duthoit, một chuyên gia của tổ chức Allianz Trade, chi phí các mặt hàng thiết yếu ở Đức sẽ tiếp tục tăng.

Ông Duthoit dự đoán mức tăng 10,7% trong năm, có nghĩa là chi tiêu hộ gia đình có thể sẽ tăng khoảng 250 Euro đối với mỗi người.

Tác động của “bão giá” đang được cảm nhận trên khắp Liên minh châu Âu (EU) và thế giới, trong đó tác động tồi tệ nhất đến những người nghèo nhất ở các nước giàu có và ảnh hưởng nghiêm trọng đến một số nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất thế giới.

Cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính ở Sri Lanka, vốn xuất phát từ ​​tình trạng thiếu xăng dầu, thuốc men và dự trữ ngoại hối, đã dẫn đến các cuộc xuống đường biểu tình kéo dài và kéo theo các cuộc đụng độ với cảnh sát.

Bangladesh hiện cũng đang phải đối mặt với số phận tương tự, khi người dân nước này lo ngại về thâm hụt thương mại ngày càng lớn do chi phí nhập khẩu tăng, doanh thu xuất khẩu và lượng kiều hối giảm.

Chi phí nhiên liệu và lương thực cao trên thị trường toàn cầu cũng dẫn đến cảnh báo về nạn đói nghiêm trọng ở các khu vực châu Phi, vốn phụ thuộc nhiều vào các mặt hàng lương thực nhập khẩu, đặc biệt là lúa mì từ Ukraine và Nga.

(theo DW)