Bước sang năm 2009, Việt Nam có thể phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn hơn, do tác động từ suy thoái kinh tế thế giới và giá dầu biến động khó lường. Không ít doanh nghiệp đã và sẽ phải thu hẹp quy mô hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh, thậm chí phá sản. Để giải nguy cho các doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp hạ lãi suất cơ bản, từ mức cao nhất là 14%/năm xuống còn 8,5%/năm. Nhưng xem ra, doanh nghiệp sau một thời gian “lả” đi vì đói vốn, vẫn chưa nhiệt tình nhập cuộc.
Nếu sản xuất chưa kịp lấy lại phong độ, sẽ còn sút giảm thêm nữa khi phải chống chọi với bão suy thoái từ bên ngoài. Từ góc độ này, người ta có lý do để đưa ra những dự báo kém lạc quan về triển vọng tăng trưởng trong năm 2009. Con số 6,5% mà Ngân hàng Thế giới đưa ra mới đây được xem là khá lạc quan, nếu so với mức 5% của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và một số tổ chức kinh tế nước ngoài.
Trong tình trạng suy thoái kéo dài, tốc độ tăng trưởng GDP ở Mỹ, EU và nhiều nước khác đạt thấp sẽ kéo theo sự sụt giảm sức mua, giá lương thực và các hàng hóa thiết yếu giảm, lạm phát của Việt Nam có thể trở về mức 1 con số vào cuối năm 2009.
Theo thông tin mới nhất, Việt Nam có thể chi 6 tỷ USD để kích cầu. Ngân hàng Nhà nước sẽ phải hỗ trợ thị trường tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Khi đó, lãi suất cơ bản tiếp tục được điều chỉnh giảm, dẫn đến việc nới lỏng các khoản cho vay, cũng là tác nhân đẩy lạm phát tăng lên. Bên cạnh đó, nếu đồng USD tăng giá khiến đồng tiền Việt Nam bị giảm giá cũng sẽ làm tăng nguy cơ lạm phát, làm tăng mức nhập siêu.
Mặc dù Việt Nam đã tạm thời đẩy lùi lạm phát, nhưng các giải pháp mới chỉ kéo được lạm phát xuống, chứ chưa triệt được những căn nguyên sâu xa của tình trạng này. Một khi các nội dung kinh tế cốt lõi chưa được giải quyết thấu đáo, thì không không loại trừ khả năng lạm phát sẽ bùng phát trở lại, nếu có tác nhân. Vì vậy, dự báo CPI của năm 2009 sẽ thấp hơn năm 2008, nhưng có thể vẫn ở mức 2 con số.
Khi cấu trúc nền kinh tế yếu thì khả năng chuyển từ lạm phát sang giảm phát sẽ rất nhanh. Bởi vậy, cần có sự cảnh báo mạnh mẽ đề phòng và ứng phó với những khả năng xấu nhất có thể xảy ra. Vấn đề đặt ra là dù phải ứng phó với kịch bản nào – lạm phát hay giảm phát - thì ưu tiên số 1 vẫn phải là ổn định vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Tăng trưởng dù ở mức nào, cũng nên là tăng trưởng tạo việc làm và thu nhập.
Trần Vân