📞

Làm sao để một thành phố trở nên hài hòa

12:00 | 07/10/2016
Đó là tên cuốn sách mới của nhà nghiên cứu phát triển không gian đô thị người Mỹ Jonathan F. P. Rose. Cuốn sách đưa ra một số giải pháp khắc phục các vấn đề của các thành phố hiện nay.

Nhà nghiên cứu Jonathan F. P. Rose cho rằng: “Sáng tạo không chỉ đơn thuần là khác biệt. Mỗi người đều tự quyết định được số phận của mình và điều đó rất đơn giản. Cái khó nằm ở chỗ hãy đơn giản giống như Bach vậy” (nhạc sĩ nổi danh người Đức thế kỷ XVIII Johann Sebastian Bach).

Ông cố gắng thuyết phục các thị trưởng, các nhà hoạch định đô thị rằng “hãy làm mọi cách để các thành phố được hòa nhập với thiên nhiên”.

Rose ứng dụng học thuyết âm nhạc của Bach để đề xuất các giải pháp xây dựng các thành phố bền vững, thích ứng được với các vấn đề như biến đổi khí hậu, chênh lệch giàu - nghèo và phát triển kinh tế.

Ông cho biết, các thành phố đầu tiên trên thế giới là những thành phố thời cổ đại, được phát triển xung quanh những ngôi đền vốn được thiết kế dựa trên kết cấu của vũ trụ, hướng tới việc tạo ra sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên.

Trước hết, Rose xác định thế nào là một thành phố có được sự hài hòa.

Tiêu chí thành phố hài hòa

Đầu tiên là phải có được sự liên kết, xuất phát từ định hướng phát triển của thành phố dựa trên kế hoạch và biện pháp xác định tiến bộ trong việc thực hiện kế hoạch đó theo chu kỳ 20 năm.

Thứ hai là phải có được sự tuần hoàn. Mọi thành phố đều có sự chuyển hóa về năng lượng, thông tin, tài nguyên… Ông chỉ ra rằng, chúng ta phải làm sao để tuần hoàn được sự chuyển hóa đó giống như cách đang diễn ra trong thiên nhiên. Không thể có đủ nước, lương thực hay tài nguyên cho tất cả chúng ta trừ phi bản thân chúng ta phải có tư duy về tái chế.

Thứ ba là phải có được khả năng phục hồi tốt, tức là có thể tự đứng dậy sau mỗi biến cố. Muốn vậy chúng ta phải xây dựng các công trình sử dụng  năng lượng và nước ít hơn, đồng thời phát thải ít hơn, ứng dụng các công nghệ để chia sẻ nguồn năng lượng, nguồn nước và nguồn thông tin, đưa thiên nhiên vào cuộc sống bằng cách xây dựng các công viên, vườn và cảnh quan.

Thứ tư là phải có tính cộng đồng, với các thành viên là những con người hài hòa. Hạnh phúc không thể chỉ mang tính cá nhân mà phải có tính tập thể. Xã hội năng động sẽ kích thích các mối quan hệ và cải thiện bản chất con người.

Và thứ năm là phải có niềm đam mê. Các thành phố lớn đều có sự cân bằng hài hòa giữa cá nhân và tập thể. Niềm đam mê chính là khả năng thích ứng mang lại các tế bào liên kết giữa chúng ta, là cửa ngõ tiếp cận sự toàn vẹn cho bản thân chúng ta và cho cả xã hội. 

Mọi thành phố đều cần hạ tầng kỹ thuật ví dụ như các hệ thống cấp nước - thoát nước, sân bay, cầu, đường,… bên cạnh đó cũng rất cần đến các khu vực cây xanh. Môi trường nhiều cây xanh sẽ mát mẻ hơn vào mùa hè, cây xanh cũng hấp thụ nước mưa, giúp giảm thiểu tác động lên hệ thống thoát nước. Cây xanh cũng giảm thiểu ô nhiễm, người dân sẽ ít gặp các vấn đề về sức khỏe hơn, đạt được giá trị sống cao hơn.

Để giải quyết câu hỏi làm thế nào có thể xây dựng các chính sách nhằm đạt được sự thịnh vượng tốt hơn và lan tỏa rộng hơn cho các thành phố hài hòa, tác giả cho rằng, trước tiên phải có định hướng chung rõ ràng về mô hình cộng đồng cần phát triển. Đó sẽ là nền tảng chi phối mọi hành động và hành vi của chúng ta.

Sự bình đẳng, thịnh vượng và sức khỏe cộng đồng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Tác giả khẳng định, các nhà lãnh đạo nên hướng tới những điểm chung của toàn thể cộng đồng để tạo ra một xã hội hài hòa thay vì làm suy thoái nó bằng cách tách biệt mọi vấn đề.

(theo CityLab)