Đây sẽ là cơ hội đặc biệt để thúc đẩy ngành du lịch và lữ hành phát triển bền vững với vai trò là hoạt động quan trọng của con người trong thế kỷ XXI.
7 năm liên tiếp duy trì tốc độ tăng trưởng
Du lịch không những là ngành kinh tế quan trọng của nhiều quốc gia mà còn là cầu nối giao lưu giữa các dân tộc, giữa các nền văn hóa. Những năm qua, trên bình diện thế giới, ngành du lịch đang tiếp tục đà tăng trưởng bền vững, khẳng định vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, thúc đẩy thương mại và đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng...
Theo dự báo của UNWTO, trong thời gian tới, du lịch tiếp tục tăng trưởng trên phạm vi toàn cầu. Đến năm 2030, lượng khách du lịch quốc tế đạt khoảng 1,8 tỷ lượt người. (Nguồn: Traveller) |
Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) lượng khách du lịch quốc tế năm 2016 ước đạt 1,235 tỷ lượt, (tăng 3,9% so với năm 2015). 2016 là năm thứ 7 liên tiếp du lịch thế giới duy trì tốc độ tăng trưởng đều đặn kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2009.
Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), năm 2016, du lịch và lữ hành toàn cầu đóng góp trực tiếp vào GDP hơn 2,3 nghìn tỷ USD (tương đương 3,1%), trực tiếp tạo ra gần 109 triệu việc làm (chiếm 3,6% tổng việc làm trên toàn thế giới), cứ 10 việc làm (cả trực tiếp và gián tiếp) trên toàn cầu thì có một việc làm trong ngành du lịch. Giá trị xuất khẩu du lịch toàn cầu năm 2016 đạt hơn 1,4 nghìn tỷ USD, chiếm 6,6% tổng giá trị xuất khẩu và gần 30% tổng giá trị xuất khẩu dịch vụ của thế giới.
Theo dự báo của UNWTO, trong thời gian tới, du lịch tiếp tục tăng trưởng trên phạm vi toàn cầu. Đến năm 2030, lượng khách du lịch quốc tế đạt khoảng 1,8 tỷ lượt người. Trong đó, khu vực Đông Nam Á được đánh giá sẽ trở thành một trong những khu vực thu hút lớn lượng khách du lịch quốc tế với 187 triệu lượt.
Ở Việt Nam, những năm qua, ngành du lịch cũng có sự tăng trưởng ấn tượng. Năm 2016, du lịch Việt Nam đã ghi dấu ấn khi lần đầu tiên đón hơn 10 triệu lượt khách quốc tế (tăng 26%) và cũng là lần đầu tiên lượng khách quốc tế đến tăng trên 2 triệu lượt trong một năm.
Cùng với đó, ngành du lịch đã phục vụ 62 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 400.000 tỷ đồng. Trong 9 tháng năm 2017, Việt Nam đã đón 9.448.331 lượt khách quốc tế, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2016. Riêng trong tháng 9/2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 975.952 lượt, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Nếu tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng, du lịch Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu đón 11,5 triệu lượt khách trong năm 2017.
Du lịch bền vững vì sự phát triển
Tổng thư ký UNWTO Taleb Rifai đã truyền tải thông điệp nhân Ngày Du lịch thế giới 2017 là “Du lịch bền vững: Cách thức để phát triển”.
Theo ông Rifai, du lịch ngày nay là ngành phát triển lớn thứ ba trên thế giới sau hóa chất và nhiên liệu. Ngành du lịch đem lại niềm hy vọng, sự thịnh vượng, sự hiểu biết và sinh kế cho nhiều người trên Trái đất.
Tuy nhiên, ông Taleb Rifai đã nhắc nhở mỗi người khi đi du lịch cần nhớ: Tôn trọng tự nhiên, tôn trọng nền văn hóa, tôn trọng cộng đồng đón khách, bởi mỗi người có thể thay đổi cách mình muốn nhìn nhận thế giới, có thể là đại sứ cho một tương lai tốt đẹp hơn.
Ngành du lịch đem lại niềm hy vọng, sự thịnh vượng, sự hiểu biết và sinh kế cho nhiều người trên Trái đất. (Nguồn: Search Mont) |
Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng đã tuyên bố năm 2017 là Năm quốc tế về du lịch bền vững vì sự phát triển. Đồng thời, định hướng và thúc đẩy sự phát triển du lịch bền vững trên cả 5 trụ cột: Kinh tế (tạo ra sự tăng trưởng bao trùm), xã hội (mang lại cơ hội việc làm bền vững và trao quyền cho các cộng đồng), môi trường (bảo tồn, làm giàu môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu - BĐKH), văn hóa (tôn vinh và bảo tồn tính đa dạng, bản sắc, văn hóa vật thể và phi vật thể), hòa bình (điều kiện tiên quyết cơ bản đối với sự phát triển và tiến bộ).
Theo nhận định của UNWTO, du lịch vừa là tác nhân lại vừa là nạn nhân của BĐKH. Sự phát triển du lịch gây ra nhiều tác động tiêu cực tới môi trường và BĐKH. Lượng khí thải nhà kính từ hoạt động của các phương tiện vận chuyển du lịch và lưu trú, các chất thải rắn và lỏng từ hoạt động du lịch cũng gây ra ô nhiễm môi trường nước và đất. Thậm chí một số hoạt động du lịch không được quy hoạch tốt ảnh hưởng xấu đến sự da dạng sinh học và môi trường thiên nhiên hoang dã.
Bên cạnh đó, du lịch lại là ngành dễ bị tổn thương, nhạy cảm với sự thay đổi của thiên nhiên, khí hậu. Khí hậu biến đổi ảnh hưởng tới điểm đến, mùa du lịch và chi phí vận hành (điều hòa không khí, thực phẩm, nước, bảo hiểm…). Một số hiện tượng thời tiết cực đoan, khó dự báo khiến chương trình du lịch bị hủy bỏ, tạo tâm lý e ngại cho du khách; hiện tượng nước biển dâng, sạt lở đất ảnh hưởng tới các khu du lịch ven biển. Vì vậy, phát triển du lịch bền vững được xác định là yêu cầu cấp bách của toàn cầu nói chung và của Việt Nam nói riêng.
Phát triển du lịch – cần sự tham gia của cả cộng đồng
Thực tế, không phải đến nay, vấn đề phát triển du lịch bền vững, gồm các nội dung như: bảo vệ môi trường, giữ gìn văn hóa bản địa trong phát triển kinh tế nói chung, trong lĩnh vực du lịch nói riêng… mới được đặt ra. Nhưng tại không ít địa phương ở Việt Nam, vấn đề này chưa được đặt ra đúng mức, thậm chí bị coi nhẹ trong một thời gian dài, dẫn đến tình trạng phát triển du lịch bất chấp các nguyên tắc, coi lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu, nên trong quá trình khai thác, phát triển du lịch bỏ qua cả lợi ích của cộng đồng.
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. (Nguồn: Báo du lịch Việt Nam) |
Hậu quả tất yếu từ việc phát triển du lịch quá nhanh, quá nóng, thiếu bền vững ở một số địa phương đã thể hiện qua tình trạng cơ sở hạ tầng không được đầu tư, nâng cấp; thiếu sự kiểm soát của cơ quan có chuyên môn; bản sắc văn hóa của địa phương bị phai nhạt, thậm chí pha tạp. Nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế không đáp ứng với tốc độ phát triển, hoạt động du lịch đơn điệu, nhàm chán, thiếu sáng tạo...
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến quảng bá còn nhiều hạn chế, chưa chuyên nghiệp, chưa bài bản, chưa hiệu quả; mới dừng ở quảng bá hình ảnh chung, chưa tạo được tiếng vang và sức hấp dẫn đặc thù cho từng sản phẩm, thương hiệu du lịch. Du lịch tại một số nơi bị rơi vào tình trạng chạy theo nhu cầu nhất thời để đáp ứng một cách vội vã. Các yếu tố này tác động tiêu cực tới hoạt động du lịch, dẫn đến suy giảm hiệu quả, chất lượng và tiềm năng phát triển du lịch.
Không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác, du lịch được xem là lĩnh vực đặc thù của sự kết hợp giữa văn hóa và kinh tế, của việc phát huy lợi thế văn hóa - lịch sử - tự nhiên để đóng góp vào sự phát triển đất nước. Vì thế, phát triển du lịch không chỉ dựa vào điều tra, khảo sát, lập dự án, xây dựng tiện nghi đáp ứng nhu cầu, quảng bá và mời gọi… mà cần sự kết hợp của các địa phương, ban, ngành, sự tham gia của cộng đồng.
Để có một ngành du lịch phát triển bền vững, cần tiến hành đồng bộ các yếu tố như: hoàn thiện hệ thống pháp luật; thực hiện quy hoạch phát triển du lịch tổng thể, bảo đảm tính khoa học, toàn diện; ổn định đời sống cho người dân; giữ gìn văn hóa bản địa và môi trường tự nhiên; chú trọng công tác bảo tồn, phát triển nguồn nhân lực...
Và chỉ khi có sự kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố này, du lịch toàn cầu nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng mới có thể phát huy tiềm năng sẵn có, tạo dựng nên một thương hiệu du lịch mạnh trên thế giới.