📞

Làm việc nhà có ý nghĩa như thế nào với sự phát triển của trẻ?

10:50 | 07/03/2017
Chúng ta có nên để em bé chia sẻ một số việc nhà và việc nhà có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của trẻ đang trở thành chủ đề đáng suy nghĩ đối với những bậc phụ huynh.

Đại học Harvard từng có một nghiên cứu dài hạn về nam công dân trong thành phố, cho thấy những người tích cực và có khả năng làm việc nhà, làm thêm hoặc tham gia các hoạt động ở nhà trường khi còn nhỏ sẽ có sự phát triển tâm lý một cách lành mạnh khi trưởng thành.

Ý nghĩa khi trẻ làm việc nhà?

Tập làm việc nhà sẽ giúp trẻ có sự phát triển tâm lý lành mạnh khi trưởng thành. (Nguồn: Dxy)

Đối với nhiều phụ huynh, việc nhà vô cùng nặng nề và vất vả. Vì vậy, dường như là gượng ép nếu một phụ huynh không thích làm việc nhà lại đi hướng dẫn những đứa trẻ làm việc nhà. Tuy nhiên, đây lại là hiện tượng phổ biến.

Cách đây 2 năm, kết quả một cuộc điều tra được tiến hành ở Mỹ với hơn 1.000 phụ huynh cho thấy có khoảng 82% phụ huynh có kinh nghiệm làm việc nhà từ nhỏ, nhưng chỉ 28% cho con cái mình làm việc nhà, dù họ biết rằng điều này tốt cho chúng.

Đại học Minnesota đã tập hợp dữ liệu trong suốt 20 năm và đưa ra kết luận rằng, những đứa trẻ bắt đầu làm việc nhà từ 3-4 tuổi đến thời kỳ trưởng thành, sự thành công trong giáo dục, đạo đức nghề nghiệp và các mối quan hệ sẽ được bộc lộ rõ.

Một giáo sư về khoa học xã hội của Đại học Minnesota từng nói rằng nhìn từ một góc độ nào đó, những đứa trẻ sinh ra trong những bộ lạc ở rừng Amazon giống như công dân độc lập hơn, trong khi những đứa trẻ của chúng ta chỉ là "những người tiêu dùng của việc nhà".

Các chuyên gia trong Dự án nghiên cứu trẻ em Mỹ của Đại học California cho thấy, họ lo lắng cho những đứa trẻ thành phố sống phụ thuộc vào cha mẹ khi so sánh với những đứa trẻ sống độc lập trong bộ lạc ở Amazon. Ví dụ như khi cha mẹ giúp chúng buộc dây giày, thậm chí chúng còn phàn nàn về sự phục vụ này.

Cuốn sách "How to raise an adult" của Julie Lythcott-Haims có đoạn cho rằng việc nhà giúp những đứa trẻ xây dựng ý thức trách nhiệm, khả năng sống độc lập, sự kiên trì và những điều này đều là năng lực cần thiết của những người trưởng thành. Nếu không giao việc nhà cho những đứa trẻ là chúng ta đã cướp đi quyền hài lòng sau khi hoàn thành nhiệm vụ và cơ hội nhận thức về công việc và xã hội của chúng.

Dạy trẻ về trách nhiệm

Chuyên gia tâm lý Richard Bromfield của Đại học Havard viết rằng, nếu những đứa trẻ của bạn chưa từng làm việc nhà vậy thì hãy bắt đầu dạy chúng làm từ hôm nay cũng chưa muộn.

Có thể “nhờ” trẻ làm một số việc nhà không nguy hiểm. (Nguồn: Pinterest)

Thực ra chúng ta không nhất thiết phải cố ý bắt trẻ làm việc nhà nhưng có thể nhờ chúng lấy quần áo, rửa rau, lau nhà hay đổ rác. Những việc không nguy hiểm và đúng khả năng của chúng thì hoàn toàn có thể để trẻ làm. Khi trẻ làm những việc như vậy chỉ cần nói lời cảm ơn với chúng.

Đương nhiên, phụ huynh cũng nên kiên nhẫn, phải dạy chúng làm như thế nào mới đúng chứ không phải gắn cho chúng cái mác "làm rối tung mọi thứ" và tuyệt đối không nên giành lại để làm khi chúng đã thực hiện được một nửa công việc. Như vậy, sự tự tin của chúng sẽ dần mất đi.

Chuyên gia tâm lý Richard Bromfield cho rằng, phụ huynh nên có những biện pháp thật rõ ràng, thẳng thắn nói với chúng những việc cần làm. Cùng với sự trưởng thành, sự thảo luận này sẽ trở thành điều cần thiết bởi những đứa trẻ có thể sẽ nảy sinh thói trì trệ hoặc hy vọng nhận được khen thưởng từ những việc làm của mình.

"Nếu bạn nghĩ rằng nên kết hợp giữa việc nhà và những phần thưởng thì cũng chẳng có vấn đề nhưng bạn chỉ nên trả cho những việc nhà liên quan đến cả gia đình chứ không phải chỉ đơn thuần là việc chúng tự gấp chăn trên giường của chúng".

"Khi những đứa trẻ bày tỏ nguyện vọng muốn giúp đỡ thì hãy nhanh chóng chớp lấy cơ hội đó. Cần gắn mối liên hệ giữa tình yêu và việc nhà khiến cho chúng nhận ra rằng trách nhiệm, cảm giác thành công và sự giúp sức từ gia đình có mối quan hệ chặt chẽ với nhau", Richard Bromfield nói.

(theo Vietnamplus.vn)