Du khách quốc tế tham gia hát Xoan tại đình cổ Hùng Lô, Tp. Việt Trì. |
Đây là loại hình dân ca nghi lễ, phong tục, còn gọi là hát cửa đình (khúc môn đình) phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng. Hát Xoan là hình thức nghệ thuật đa yếu tố (âm nhạc, hát, múa) nhưng chỉ dùng một nhạc cụ duy nhất là trống.
Nguồn gốc của Hát Xoan ở vùng ven đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, sau đó lan tỏa tới các làng quê đôi bờ sông Lô, sông Hồng. Các làng Xoan gốc là: Thét, Phù Đức, Kim Đức, An Thái thuộc thành phố Việt Trì.
Những người hát Xoan thường sống cùng chòm xóm và tổ chức thành phường. Đây là một tổ chức văn nghệ nghiệp dư của những người cùng làng, phần lớn có quan hệ họ hàng với nhau. Người đứng đầu một phường Xoan gọi là ông Trùm. Các thành viên thì gọi trai là Kép, gái là Đào. Mỗi phường Xoan có khoảng 15 đến 18 người. Khi biểu diễn, nam mặc áo the, khăn xếp, quần trắng; nữ mặc áo năm thân, khăn mỏ quạ, áo cánh trắng, yếm điều, thắt lưng bao, dải yếm các mầu, quần lụa, đeo xà tích.
Với những giá trị độc đáo về âm nhạc cổ, kết hợp được yếu tố văn hóa, lịch sử và nghệ thuật thể hiện qua lời ca, làn điệu sinh động, Hát Xoan đã được cộng đồng gìn giữ qua nhiều thế kỷ cho đến tận ngày nay. Năm 2017, Hát Xoan Phú Thọ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Để góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa cội nguồn, trong đó có Hát Xoan, tỉnh Phú Thọ đã triển khai dự án khoa học ứng dụng công nghệ thông tin tuyên truyền quảng bá di sản văn hóa và danh thắng nhằm thúc đẩy phát triển du lịch Phú Thọ tới các quốc gia trên thế giới. Theo đó, dự án xây dựng các bộ tư liệu bài bản về các di sản và danh thắng, dịch sang 6 thứ tiếng (Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn và Tây Ban Nha) đăng tải trên các trang thông tin điện tử và sản xuất các video clip có phụ đề để tuyên truyền quảng bá rộng rãi đến đồng bào trong nước và bạn bè thế giới.