Từ năm 2014-2019, Ban Thông tin truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã tổ chức hoạt động giao lưu văn hoá nghệ thuật mừng Đại lễ Vu Lan thành chương trình thường niên hàng năm.
Mỗi năm, chương trình có tên gọi, điểm nhấn nghệ thuật riêng, để lại dấu ấn sâu đậm trong cộng đồng xã hội với thông điệp tôn vinh đạo hiếu, nhắc nhở các thế hệ hậu bối nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành của ông bà, cha mẹ, tổ tiên cũng như đền ơn đáp nghĩa những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc, các bậc tiến bối, những người có công với dân, với nước.
Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Thông tin truyền thông Trung ương GHPGVN giới thiệu về chương trình với các cơ quan báo chí ngày 23/6. (Ảnh: Lê An) |
Chương trình đã mang lại hiệu ứng mạnh mẽ, lan toả các giá trị nhân vân nhân bản cao đẹp của đạo Phật trong truyền thống văn hoá dân tộc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 chương trình phải tạm dừng các năm tiếp theo từ 2020-2022.
Đến năm 2023, chương trình được khởi động lại nhằm chào mừng Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2023, hướng tới kỷ niệm 54 thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2023), 8 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, đặc biệt là hân hoan chào mừng Đại lễ Vu Lan PL.2567-DL.2023 và các ngày lễ lớn của dân tộc.
Theo Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Thông tin truyền thông Trung ương GHPGVN, Trưởng Ban tổ chức, Chương trình giao lưu nghệ thuật “Vu Lan - Đạo hiếu và dân tộc năm 2023” nhằm lan tỏa mạnh mẽ những giá trị tốt đẹp của đạo hiếu tới cộng đồng Phật tử, những người mến mộ đạo Phật trong và ngoài nước.
Hoà thượng nhấn mạnh: “Nhận thức được đạo hiếu rất quan trọng trong đời sống của mỗi con người, mỗi gia đình và cả cộng đồng xã hội, quốc gia dân tộc. Vì vậy, tất cả chúng ta có trách nhiệm chung tay lan tỏa tình yêu thương, truyền đi thông điệp về sự sẻ chia trong cuộc sống để ai ai cũng trở nên có đức hiếu hạnh, có niềm an vui”.
Về mặt nghệ thuật, chương trình được dàn dựng công phu từ phần nội dung, âm thanh, ánh sáng, được thiết kế chuyên nghiệp, hoành tráng, trang nghiêm, thanh tịnh và giàu ý nghĩa.
Ông Lê Doãn Hợp - nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cố vấn của chương trình, cũng khẳng định, công tác truyền thông Vu Lan và đạo hiếu là nghĩa cử cao đẹp, đặc biệt là việc tưởng nhớ những người có công với cách mạng, ghi nhớ công ơn Bác Hồ và những người đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Chương trình cũng là dịp để các đơn vị, cá nhân và tổ chức thể hiện sự quan tâm bằng những hành động thiết thực, thể hiện tinh thần hòa quyện, gắn bó giữa đạo với đời, giữa Phật giáo Việt Nam với non sông đất nước.
Chương trình giao lưu nghệ thuật sẽ được tổ chức vào tối 26/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội với sự góp mặt của những ca sĩ tên tuổi như Trọng Tấn, Thanh Lam, Anh Thơ, Tân Nhàn, Đặng Hồng Nhung… cùng những ca khúc giàu tính nhân văn về tình yêu thương và lòng nhân ái, công dưỡng dục sinh thành, tình yêu quê hương - đất nước, ơn quốc gia nghĩa đồng bào.
Trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức sẽ dành kinh phí tặng quà và sổ tiết kiệm cho Mẹ Việt Nam anh hùng, người già neo đơn không nơi nương tựa và các mảnh đời đang gặp hoàn cảnh khó khăn.
Trước khi chương trình diễn ra, một chuyến hành hương ra Côn Đảo cũng được để làm lễ dâng hương nhằm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh nằm lại nơi đây trong những năm kháng chiến khốc liệt.