📞

Làng Lim - giữ hồn thơ trong từng hơi thở

Minh Hòa 13:45 | 02/11/2022
Tưởng như âm thầm nhưng lại rộn rã theo cách riêng của mình, những câu lạc bộ thơ ca trên cả nước cứ thế "vun tưới" cho những hồn thơ nhiều thế hệ. CLB Thơ Quan họ làng Lim cũng là một điển hình như thế.
Các thành viên CLB Thơ Quan họ làng Lim được thừa hưởng văn hóa Quan họ thắm đượm tình người, trữ tình mà sâu lắng.

Một sáng giữa tuần, điện thoại của tôi reo vang, danh bạ hiện lên tên anh Hà Năng - Chủ tịch CLB Thơ Quan họ làng Lim (Bắc Ninh). Anh cười hiền: “Giờ chắc các nhà báo có nhiều việc hệ trọng cần quan tâm hơn là thơ, nhưng chúng tôi đều muốn mời chị về tham gia và giao lưu thơ tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập CLB của anh chị em chúng tôi. Tôi tin là chị sẽ thấy thú vị đấy!...”.

Nhận được lời mời, tôi khá tò mò vì ngẫm lại, đúng là mình chưa từng tham dự một hoạt động nào như thế. Ba thập niên, tức là từ khi đất nước vừa mới bước ra khỏi thời kỳ bao cấp không lâu, sinh hoạt thơ ca trong quần chúng nhân dân đã được khôi phục.

Tiếng thơ thay tiếng lòng

Đúng hẹn, tôi về làng Lim. Tiết Thu chớm Đông mát rượi, nắng vàng như rót mật lên cảnh sắc quê hương Kinh Bắc. Mới dừng xe, tôi đã nghe tiếng thơ réo rắt: “Hôm qua Âm lịch 13/ Anh đi Quan họ hát ca đến mấy giờ/ Hôm nay 14 ai ngờ/ Lại còn đi với Hội thơ nửa ngày/ Say thơ, quan họ thì say/ Đừng quên đêm gối đầu tay em nằm…”.

Hỏi ra mới biết anh chồng chị là thành viên CLB, vừa là nhà thơ, vừa là nghệ sĩ - anh hai Quan họ nên bà xã làm thơ phàn nàn, trách yêu. Tôi chợt hiểu, cũng giống như những loại hình văn hóa, nghệ thuật khác, tính lan tỏa, sự ảnh hưởng của thơ ca trong từng gia đình - từng tế bào của xã hội vẫn luôn âm ỉ. Tùy vào từng bối cảnh đặc biệt của xã hội, của đất nước mà tình yêu thơ thể hiện ra bên ngoài theo những cách khác nhau, nhưng sự mạnh mẽ từ bên trong thì luôn hiện hữu.

Đón tôi đến với Hội thơ, anh Nguyễn Đình Lý, Bí thư Chi bộ Làng Lim, người luôn sát cánh với CLB Thơ chia sẻ: “Những thành viên của CLB phần đông đã luống tuổi, làm nghề nông, cấy lúa, trồng mầu, trình độ học vấn không cao - nhưng tất cả những điều đó không quan trọng với Thơ.

Đây không đơn thuần là một sân chơi để giải trí vì bà con đều được thừa hưởng vốn quý thơ ca mà tiền nhân để lại. Chúng tôi còn được thừa hưởng văn hóa Quan họ thắm đượm tình người, trữ tình mà sâu lắng, đậm chất thơ. Chừng đó đủ là hành trang cho thơ làng Lim ra đời và phát triển như ngày nay”.

Khi được Phòng Văn hóa huyện Tiên Du công nhận, Hội thơ làng Lim mới chỉ có 15 thành viên. Những năm sau đó, số thành viên cứ thế tăng dần lên, kéo theo số đông những anh hai, chị hai quan họ tới sinh hoạt. Chỉ trong hai năm, CLB đã cho ra đời những đứa con tinh thần bằng hàng trăm bài thơ, lên khung được 5 số báo, được chọn lọc để in trong các tập thơ đầu tay.

Nhà giáo, nhà bình thơ có tiếng Nguyễn Đình Nguyệt - Trưởng Ban biên tập tập thơ Người Làng Lim thứ XV nhận định: “Trên thực tế, nhiều bài thơ chưa được chau chuốt, nhưng nó đẹp ở sự dung dị, chất chứa những nỗi niềm rất thật và giàu cảm xúc.

Với tiêu chí cùng bạn đọc hướng tới Chân - Thiện - Mỹ, những bài thơ ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương đổi mới, tình yêu cuộc sống… những bài thơ của các thành viên cứ đều đặn ra đời - được in trên các báo và được du khách thập phương về với Hội Lim đón đọc”.

Là thành viên trẻ trong gia đình có hai thế hệ cùng tham gia CLB, anh Bảo Long chia sẻ: “Bác Hồ kính yêu của chúng ta từng nói: “Nhà thơ cũng phải biết xung phong”. Chúng tôi không chỉ “xung phong” trong thời kỳ đất nước có chiến tranh mà ngày nay, những ngày hội lớn của non sông như hoạt động bầu cử - chúng tôi đều có chương trình hành động cụ thể để đóng góp cho địa phương. Hay khi có thiên tai, dịch bệnh, mà đợt dịch Covid-19 vừa qua là một ví dụ, thì tiếng thơ của chúng tôi cũng nhìn thẳng vào thời cuộc để cất lên tiếng nói phù hợp”.

Do đại dịch nên không mở Hội Lim được, nhà thơ Khoa Cử cất tiếng lòng: “…Hội Lim hoãn mấy năm rồi/ Muốn nghe giọng hát, tiếng cười chị hai…” hay nhà thơ Năng Hà ước mong: “…Bao giờ mới mở Hội Lim/ Để em không phải đi tìm trong mơ…”.

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thanh của CLB thơ Tràng An (Hà Nội) phổ thơ của mình và tự đàn và hát rất hay.

Sôi nổi những cuộc giao lưu

Là khách mời giao lưu của buổi lễ, chị Thanh Tùng,thành viên Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Chủ nhiệm CLB thơ Nhà giáo Việt Nam chia sẻ: “Có người nói: Việt Nam là đất nước của thi ca. Người Việt Nam rất yêu thơ và sinh hoạt tại các diễn đàn thơ là thú chơi tao nhã của thi nhân mặc khách.

Người ta cũng nói, thơ như nước mắt. Chỉ con người mới có nước mắt và dùng nước mắt để biểu lộ cảm xúc của lòng mình. Những câu thơ, bài thơ được viết từ cảm xúc sẽ chạm vào tâm khảm của người đọc và có sức lan tỏa lớn: “Bác đã đi rồi sao Bác ơi!/… Miền Nam nhớ Bác mong hôm sớm/ Rước Bác vào thăm thấy Bác cười” (Tố Hữu).

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thanh của CLB thơ Tràng An (Hà Nội) chia sẻ: “Khi thơ được viết ra từ cảm xúc thì không phân định lứa tuổi bởi như Trần Đăng Khoa - từ khi 8 tuổi đã viết được những vần thơ “Hạt gạo làng ta /có bão tháng Bảy/ có mưa tháng Ba/ hạt mồ hôi sa/ những trưa tháng Sáu...”, và bài thơ hay này đã được phổ nhạc. Thơ có nhạc để cảm xúc càng thăng hoa. Tôi làm thơ và 'tự sướng' bằng cách chơi đàn guitar và phổ nhạc cho chính lời thơ của mình để đến giao lưu CLB thơ".

CLB Thơ Quan họ làng Lim có rất nhiều bạn thơ tìm đến để giao lưu và ngược lại. Những cuộc giao lưu như vậy đã gây được ấn tượng rất tốt đẹp.

Theo Chủ nhiệm CLB thơ Ban Mai Tấn Phong, nếu như trước kia, đại đa số nhân dân lao động sáng tác thơ và sinh hoạt theo hình thức dân gian, hát đối trong các dịp hội hè… thì ngày nay, sinh hoạt thơ ca vô cùng đa dạng, địa phương nào cũng có các câu lạc bộ thơ. Phong trào sáng tác thơ, in thành sách thơ để đọc, để tặng cho nhau nhiều vô kể.

Đôi khi, việc in thơ trở nên tràn lan, một phần là do tình yêu thơ “lạm phát” theo kiểu phong trào. Mặc dù vậy, xu hướng này cũng có ưu điểm là không độc hại, là một loại hình sinh hoạt mang tính văn hóa.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều tác phẩm chất lượng, được chọn đăng trên các báo Trung ương và địa phương. Các CLB thơ giúp cho đời sống tinh thần của nhân dân (đặc biệt là người cao tuổi) được cải thiện. Đây là sân chơi bổ ích, giúp sống vui, sống khỏe, dù rằng cũng có ít nhiều ấn phẩm in không mấy giá trị, gây lãng phí.

Nếu ai đã từng tham gia CLB thơ nói chung và CLB Làng Lim nói riêng có thể đều nhận thấy, tham gia các diễn đàn thơ hiện nay chủ yếu là người già (trẻ nhất là 30 tuổi, già nhất trên 80 tuổi) nhưng không hẳn thế. Người già tham gia hội họp thơ, còn giới trẻ hay tham gia diễn đàn thơ trên mạng xã hội. Và, CLB thơ không phải là không hấp dẫn người trẻ.

Đơn cử như các kỳ Nguyên tiêu được tổ chức tại Văn Miếu vào Rằm tháng Giêng luôn có hai sân chơi: Thơ và Thơ trẻ (dành cho giới trẻ) rất sôi động, có nhiều hoạt động sáng tạo. Có những chàng trai, cô gái nước ngoài mặc áo dài, đội khăn xếp… tham dự lễ hội. Họ lên đọc những bài thơ tự sáng tác, chất giọng lơ lớ chưa tròn vành, rõ tiếng nhưng rất dễ thương.

Một chút lắng đọng trong buổi giao lưu của CLB Thơ Quan họ làng Lim khi nhà thơ lớn tuổi nhất - võ sư Bùi Văn Phong 84 tuổi thuộc CLB thơ Ban Mai đọc bài Chị Võ Thị Sáu tri ân người con anh hùng.

Cũng tại đây, ông còn chia sẻ thêm một gương sáng trong làng thơ: “Tôi rất xúc động khi thấy rằng những câu thơ dung dị đôi khi có sức mạnh phi thường trong cuộc sống. Nguyễn Tường Vĩnh (phường Ngọc Khánh, Hà Nội) là một thương binh nặng sau khi tham gia cả hai cuộc kháng chiến cứu quốc. Anh chia sẻ rằng, bản thân đã "vịn" vào thơ để sống và cống hiến.

Sau khi được nghỉ chế độ hưu trí, anh miệt mài làm thơ để quên đi những cơn đau sọ não và những di chứng của vết thương hoành hành khắp cơ thể mỗi khi trái gió, trở trời. Nguyễn Tường Vĩnh đã sáng tác hàng chục tập thơ, trong đó có tập thơ mang tên Nạng Đỡ”.

Nhắc đến tập thơ Nạng Đỡ, nữ nhà thơ Thanh Tùng nói thêm: “Tôi chính là người được mời viết lời giới thiệu cho tập thơ của anh, tôi đã khóc rất nhiều. Thơ làm nạng đỡ dìu anh đứng vững giữa cuộc đời này”.

Chị tâm sự: “Tôi làm thơ từ rất sớm, nhưng không có ý định xuất bản. Một hôm, đứa cháu nội (mới học lớp 6) nói với tôi rằng: “Bà ơi! Con nghe nói bà là nhà thơ mà sao con tìm cả giá sách không có tập thơ nào mang tên bà mà toàn sách của bạn bà? Thì ra khi tôi đi vắng, nó lục hết cả giá sách của bà nội để tìm kiếm “sách của bà”. Phải chăng đây là động lực để bà nội của cháu xuất bản 3 tập thơ. Cháu chịu đọc thơ của bà đã là vui lắm rồi”.

Có lẽ, vẫn như vậy từ trước đến nay, thơ cứ thế lan tỏa, len lỏi và thấm đẫm trong sinh hoạt văn hóa của người Việt. Cái đẹp của thơ giúp giáo dục, uốn nắn thế hệ trẻ sống đẹp, như nhà thơ, thanh đồng Trần Trung ở CLB Thơ Quan họ Làng Lim dạy con cháu: “Giữ lấy trái tim giữa cuộc đời/ Giữ gìn con mắt sáng con tim/ Giữ cho sạch sẽ từng câu nói/ Giữ được thanh cao những nụ cười”.

Cuộc vui nào rồi cũng đến hồi kết thúc, rộn ràng đến mấy rồi những người bạn thơ cũng phải chia tay, để rồi lại ngóng chờ những lời hẹn đến làng Lim lần sau.

Nhìn đôi mắt các bác, các anh, các chị - những người ăn thơ, ngủ thơ, cả thở cũng thơ đều lấp lánh niềm vui, vẳng trong tôi vang lên tuyệt tác của nhà thơ Lý Bạch khi tiễn bạn: “Bạn từ lầu Hạc lên đường/ Giữa mùa hoa khói châu Dương xuôi dòng”… Có nhập cuộc mới biết, tình yêu thơ, niềm vui từ thơ… thật diệu kỳ!