TIN LIÊN QUAN | |
Những hành tinh khác có người không? | |
Văn chương và tàu đắm |
Tiếng Đức có từ Wanderlust nghĩa là: khát vọng lãng du, thèm đi. Từ này khá quen thuộc đối với một số ngôn ngữ, đặc biệt được giữ nguyên trạng trong tiếng Anh.
“Lãng du”, “thèm đi” là bệnh chung của các văn nhân nghệ sĩ Đông Tây, xưa và nay. “Lãng du” kèm theo “nhớ cố hương” là hai đề tài để lại dấu ấn mạnh mẽ và sâu sắc nhất trên thơ Trung Quốc và Đức cổ. Trong văn chương Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, những “lãng tử” tiêu biểu nhất có lẽ là Tản Đà, Nguyễn Tuân và một số nhà văn nhóm Ngày nay ít nhiều chịu ảnh hưởng nhà văn Pháp Gide.
Trong số thi phẩm trên thế giới ca ngợi cái thú lang thang, khát vọng được xê dịch, say đắm thiên nhiên, có lẽ bài thơ “Lang thang như đám mây trời” thuộc loại nổi tiếng. Tác giả là nhà thơ ở miền Bắc nước Anh W. Wordsworth (1770-1850).
Tôi làm quen với bài thơ này thời Pháp thuộc, vào tuổi 20, khi học trường Bưởi. Giáo sư Loohênê, người Pháp dạy Anh văn, đã giảng, cho học thuộc lòng rồi ra một bài luận Anh văn về bài thơ. Một năm sau, khi nước ta độc lập, có mở kỳ thi tuyển giảng viên Anh văn, do ông Phạm Duy Khiêm làm giám khảo. Khi vào vấn đáp, tôi bắt thăm đúng bài “Lang thang như đám mây trời”. Rồi bài thơ theo tôi đi lang thang suốt cuộc đời. Có lần, Nhà xuất bản Ngoại văn có một chuyên gia người Scotland, xứ sở bài thơ. Bà sống bằng trang trại trồng táo, bà tham gia cùng chúng tôi làm Tuyển tập văn học Việt Nam bằng tiếng Anh. Bà có một tâm hồn thơ, do đó có dịp bàn về “Lang thang như đám mây trời”. Có lần sang Mỹ, ở trên tường nhà một bà mẹ anh bạn trẻ Dan Duffy tại Massachusetts, tôi thấy treo một bức tranh lụa nhỏ có chép tay “Lang thang như đám mây trời” - kỷ niệm của một số khách là sinh viên Nhật. Lại có lần, ở một trang trại Pháp tại Fontainebleau, anh bạn Maury bẻ cho tôi mấy cành hoa vàng và bảo: “Đây là hoa thủy tiên vàng mà anh muốn biết”. Lần đầu tiên, tôi nhìn thấy hoa thủy tiên vàng, là chủ đề bài thơ “Lang thang như đám mây trời”. Do đó, trong nhiều tuyển tập thơ, bài thơ còn có nhan đề là “The Daffadils”, tức là “Hoa thủy tiên vàng”.
Trong vùng đồi núi trùng trùng điệp điệp, nhà thơ Wordsworth vừa ra khỏi một con đường mòn khuất nẻo, bỗng thấy mở ra trước mắt một cảnh hồ mênh mông phủ đầy hoa thủy tiên dại màu vàng:
Tôi lang thang như đám mây trời
Bồng bềnh trôi trên cao, qua thung lũng và sườn đồi
Bỗng tôi nhìn thấy cả một đám
Hằng hà sa số hoa thủy tiên vàng
Bên hồ, dưới cây
Phấp phới nhảy múa dưới làn gió nhẹ.
*
Hoa liền hoa bạt ngàn như sao chiếu sáng
Và lấp lánh trên dải Ngân hà
Sao rải ra thành đường vô tận
Chạy dài bên mép vịnh con
Nhìn một thoáng, muôn nghìn vạn hoa
Đầu ngả nghiêng theo múa mê say.
*
Bên hoa, sóng nhảy nhấp nhô
Nhưng hoa còn vui hơn cả sóng lấp loáng
Nhà thơ không thể không vui
Giữa đám hoa và sóng vui tươi
Tôi mở to mắt ra nhưng không ngờ
Cảnh ấy đã mang lại cho tôi cả một kho báu.
Đó là kho báu gì? Sau câu kết của bài thơ giải thích cho ta biết ý nghĩa tượng trưng của thi phẩm: hình ảnh tươi đẹp của đám hoa thủy tiên vàng sẽ đọng lại trong ký ức, mang lại cho thi nhân niềm vui bất tận của kỷ niệm.
Vì nhiều khi, nằm trên giường
Đầu óc lâng lâng hay trầm tư
Đám hoa hiện ra trong mắt nội tâm
Là lộc trời ban cho trong lúc cô đơn
Và khi đó, niềm vui tràn ngập lòng tôi
Cùng nhảy múa với thủy tiên vàng.
Dĩ nhiên, dịch thơ lấy nghĩa là bỏ rơi phần nhạc của thơ. Nhà thơ sử dụng âm luật iambus (1 âm tiết ngắn và nhẹ, sau đó 1 âm tiết dài và nặng).
Wordsworth là nhà thơ thuộc thế hệ lãng mạn Anh đầu tiên. Ông đại diện cho nhóm các thi nhân vùng Hồ ở Cumberland, quê hương đẹp hoang dã của ông. Thơ ông ca ngợi cái đẹp thiên nhiên, dĩ vãng cổ xưa, mang ít nhiều màu sắc thần bí, rung cảm khác thơ ước lệ và trang nghiêm thế kỷ XIIX. Ông ở ẩn nơi quê nhà, viết nhiều nhưng đến nay chỉ còn một số bài thơ ngắn được coi là xuất sắc, có mặt ở các tuyển tập thơ Anh.
Người Hà Nội nhớ tiếng leng keng Tôi sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Gai thuộc khu phố cổ Hà Nội. Nhà bán tạp hóa lấy tên là Bảo Hợp, ... |
Giá trị văn khắc trên bia cổ của Trung Hoa Những bia cổ đã gợi hứng cho nhà văn Pháp Segalen viết cuốn Những tấm bia, một tác phẩm vượt lên trên tính “xa lạ” (exotisme) ... |
Trong đời sống vợ chồng ai hay hành hung? Trước đây, tôi từng viết về “đánh vợ” là một tệ nạn xã hội ở Trung Quốc và Việt Nam, những nước theo Khổng học ... |