Văn học viết bằng tiếng Hà Lan
Streuvels Frank Lateur (1871-1969) là nhà viết tiểu thuyết và truyện |
Streuvels Frank Lateur (1871-1969) là nhà viết tiểu thuyết và truyện, miêu tả đời sống nông dân gắn với nhịp điệu thiên nhiên. Tác phẩm chính: Bí mật làng quê và Mùa thu.
Mùa thu là tuyển tập gồm năm truyện. Cuốn sách mở đầu bằng cảnh thu, được miêu tả rất sâu sắc. Truyện Cây cối có dáng dấp một hùng ca sử thi, kể về cuộc đời mười hai cây dương cổ thụ đứng sững trên cánh đồng qua bao nhiêu thế hệ con người, vượt lên trên những biến thiên.
Truyện Một ngày vui vẻ kể về một sự não lòng. Grisar là một cô bé sống trong cô nhi viện Nhà Chung với các bà sơ rất cay nghiệt. Một hôm, ông cậu xin phép cho cô đi chơi ngoài trời với các anh chị em, cô sững sờ thấy thanh niên nam nữ tình tự với nhau.
Ngày vui đó đã khiến cô bâng khuâng khi trở về cô nhi viện. Các bà sơ cho là cô phạm tội lớn, nên hành hạ cô. Cô cùng một cô bạn muốn tìm tự do ngoài trời, bỏ trốn đi, nhưng đều bị bắt, lại phải trở về cuộc sống âm thầm lạnh lẽo.
Truyện Cuộc đi săn kể về một người thợ dệt vải nghèo, bắt được một con thỏ đem trả lại cho lãnh chúa. Anh được trả quá ít tiền và nhận ra sự bất công giữa giàu và nghèo. Truyện Vụ mưu sát kể về một trò chơi trẻ em suýt gây tai họa cho người lớn. Một bọn trẻ con trai ở một làng nhỏ, đi xem một đoàn kịch rong diễn vở hiệp sỹ đánh nhau với cướp.
Chúng thích quá, bắt chước đóng kịch như vậy trong một kho thóc của phú nông Wiske, bố của một chú bé cầm đầu cả bọn. Ông Wiske phát hiện ra, đuổi chúng ra khỏi kho thóc và trừng phạt chúng. Chúng âm mưu trả thù. Có thằng ăn cắp được một khẩu súng lục, chúng mua thuốc làm đạn, rồi bắn ông Wiske. May đạn tồi, ông chỉ bị thương nhẹ. Bọn trẻ bỏ chạy, trốn đi, hối hận, trở về nhà với bố.
***
Timmermans Felix (1886-1947) là nhà viết tiểu thuyết, kịch và đồng thời là nhà thơ. Ông viết sách để giải trí hơn là giáo huấn, do đó, có rất nhiều độc giả, kể cả ở nước ngoài. Tác phẩm chính: Những giờ phút tươi đẹp của cô Symphorosa, nữ tu sĩ dòng Begijntje (1918, truyện vừa).
Những giờ phút tươi đẹp của cô Symphorosa, nữ tu sĩ dòng Begijntje là tác phẩm có những đoạn tả cảnh tuyệt vời, cách kể cố tình ngây ngô. Những giờ phút tươi đẹp là những lúc hạnh phúc tràn trề của một cô tu sĩ thuộc một dòng đạo Kito đặc biệt (tu sĩ ở tu viện, nhưng không có lời nguyền suốt đời ở vậy).
Cô sơ Symphorosa mỗi khi vào vườn gặp anh thợ vườn trẻ Martienus là cảm thấy lòng rạo rực. Cô luôn luôn bị chàng trai ám ảnh. Đến mùa Xuân, một hôm đi trên con đường dọc theo vườn, cô được anh tặng một bông hồng và tưởng là anh yêu mình. Ai ngờ, anh báo cho cô biết ý định đi tu.
Cô mủi lòng chạy đi. Về sau, cô tìm anh để thú thực mối tình yêu đầu; nhưng trước mặt anh, cô òa khóc, anh phải dỗ mãi, nhưng vẫn không biết cô yêu mình. Thời gian trôi qua, cô được tin trong tu nhi viện anh tu, có một tượng thánh có phép lạ, cô mượn cớ đến thăm, hy vọng gặp lại anh.
Cô đến vừa đúng lúc anh phải ra đi. Hai bên chỉ kịp nhìn nhau và mỉm cười với nhau, thế cũng đủ cho cô hân hoan trở về trong nột buổi chiều xuân êm ả.
***
Van de Woestijne (1878-1929) là nhà viết truyện, thể hiện cuộc đấu tranh nội tâm giữa tôn giáo thần bí và tình dục; ông cũng là nhà thơ viết tiếng Hà Lan kiệt xuất sau Gazelle. Như nhiều nhà thơ theo gót Gazelle, Van de Woestijne tìm thi hứng ở đất nước quê hương với quần chúng nhân dân.
Nhưng ông có dáng dấp kiêu kỳ hơn, vì ông có khuynh hướng lãng mạn chủ nghĩa và đồng thời, gần gũi với mẫu người thời Phục hưng (hiểu biết rộng, thông minh mà nhạy cảm, hoài nghi).
Hai tình cảm trái ngược ngự trị nội tâm của Van de Woestijne: tôn giáo thần bí (pha màu mặc cảm tội lỗi) và tình dục. Ông ca ngợi cái cao cả của đau khổ, thể hiện sự giằng xé giữa thiên thần và thú tính trong con người. Tác phẩm chính: Janus mit với hai bộ mặt (truyện), Bóng tối nạm vàng (1910, thơ), Con người bùn đất (1920, thơ).
***
Walschap Gerad (1898-1989) là nhà viết tiểu thuyết. Mới đầu ông canh tân tiểu thuyết Thiên Chúa giáo, sau đoạn tuyệt với Nhà thờ, viết theo nguồn cảm hứng duy vật hoạt lực và phóng khoáng. Tác phẩm chính: Houtekiet (1930), Hôn nhân (Trouwen, 1933).
Houtekiet là tiểu thuyết minh họa một chủ đề trong sáng tác của Walschap: văn hóa gây rối loạn trong xã hội, hạnh phúc chỉ tìm thấy trong bản năng.
Tác phẩm này miêu tả sự tiến triển xã hội và tôn giáo của một làng chịu ảnh hưởng của Houtekiet, một người có cá tính mạnh; Houtekiet cùng một số đồ đệ định thiết lập một trật tự xã hội mới dựa vào bản năng, theo thiên nhiên (phong tục phóng túng, xử ý các vụ tranh chấp một cách sơ sài, cảm tính).
Houtekiet không phân biệt Thiện - Ác, luôn luôn dùng sức mạnh để trị, lôi cuốn mọi người xây dựng và sáng tạo. Nhưng rồi Houtekiet cũng buộc phải xây dựng một nhà thờ, Houtekiet mất hẳn lòng tin của bọn đồ đệ (họ quay sang theo đạo).
| Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Một thoáng văn học Bỉ (kỳ 2) Ở Bỉ có hai dòng văn học: văn học viết bằng tiếng Pháp và văn học viết bằng tiếng Hà Lan. |
| Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Một thoáng văn học Bỉ (kỳ 1) Ở Bỉ, sử dụng hai ngôn ngữ do hoàn cảnh lịch sử: tiếng Pháp và tiếng Hà Lan. Do đó có hai dòng văn học: ... |