Vợ chồng anh chị Hạnh Sửa và chị Hương Giang, Việt kiều Đức. (Ảnh: Minh Hòa) |
Các làng nghề vàng bạc ở Việt Nam vốn không ít, nhưng đưa tôi đến quyết định về thăm làng nghề Châu Khê chính từ lời ngợi khen “có cánh” của một khách hàng của làng nghề - Việt kiều Dương Thị Hương Giang - sống tại Ludwigshafen (Rhein, Đức).
Giơ cho tôi xem chiếc nhẫn đôi có đính viên ruby đỏ, chị nói: “Chiếc nhẫn này có nguyên mẫu là một sản phẩm của Đức và được người thợ Châu Khê thay đổi một số chi tiết theo nguyện vọng của tôi để tạo nên một sản phẩm ưng ý như thế này. Chiếc nhẫn này khớp với chiếc nhẫn mà chồng tôi đang đeo, nhưng viên ruby đỏ lại nằm trên tay tôi – tượng trưng cho người giữ lửa trong gia đình”.
Ngắm cặp nhẫn của anh chị và nguyên mẫu mà chị chụp lại ở Đức, tôi thấy thực sự khâm phục trước tay nghề của người thợ Châu Khê và quyết định cùng chị về thăm làng nghề trong một ngày cuối tuần trời nắng đẹp.
Từ người lính đến doanh nhân
Chỉ mất khoảng hơn một giờ đồng hồ di chuyển từ trung tâm Hà Nội theo Quốc lộ 5 cũ, rẽ phải ở Quán Gỏi, chúng tôi đã có mặt ở Châu Khê, Hải Dương.
Không giống như những làng nghề khác, Châu Khê chẳng ồn ào, náo nhiệt, cũng không bụi bặm nhưng chỉ hai chữ “vàng bạc” đã toát lên sự bề thế, sang trọng của làng nghề. Theo đánh giá của các chuyên gia chế tác vàng bạc thì người Châu Khê có đóng góp lớn đối với nghề kim hoàn trong nước nhờ sự khéo léo của đôi bàn tay kết hợp cùng sự sáng tạo, bí quyết riêng của mỗi nghệ nhân. Trong gần mấy trăm thợ chính của làng thì có đến hai phần ba đạt tay nghề bậc 4, bậc 5/7, được cấp chứng chỉ của ngành kim hoàn Việt Nam.
Chị Hương Giang dẫn tôi đến thẳng xưởng chế tác của vợ chồng anh chị Hạnh Dung – người đã làm ra cặp nhẫn vô cùng ưng ý cho chị. Chén trà đưa chuyện ngược thời gian, tôi thấy câu hát “tay anh trổ vàng, tay em chạm bạc…” như ứng với chuyện đời – chuyện nghề của vợ chồng anh lính Đào Văn Hạnh và chị Nguyễn Thị Sửa vậy.
Anh Hạnh kể: “Tôi hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 1991. Trở về nhà, tôi suy nghĩ rất nhiều về kế sinh nhai bởi đã lập gia đình thì phải an cư. Ông bà ta nói, “của bề bề không bằng nghề trong tay”. Chẳng phải tìm đâu xa, trong xã có làng nghề Châu Khê nổi tiếng với nghề làm vàng bạc có truyền thống hơn 500 năm của cha ông - vốn từng được triều đình nhà Lê tín nhiệm đưa lên lập xưởng đúc bạc tại kinh thành Thăng Long và làm nên con phố Hàng Bạc bây giờ. Nửa thế kỷ người làng sống được với nghề thì mình cũng sống được”.
Nghĩ vậy, anh Hạnh bắt đầu “cơm đùm, cơm nắm” đi tìm thầy để học việc. Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, làng nghề Châu Khê nổi tiếng nhưng chỉ có một số gia đình làm nghề và họ thường ít truyền nghề ra ngoài. Để học nghề, học viên phải trả phí rất cao và thời gian học tính bằng vài năm. Học viên vừa mất học phí, lại vừa phải làm không công trong xưởng của thầy dạy. Anh Đào Văn Hạnh đi học việc với học phí 5 triệu đồng (khoảng một cây vàng khi đó) và mỗi tháng đóng 25kg gạo cho nhà chủ.
Là người sáng dạ, lại cộng thêm tính kiên trì, chịu khó của một người lính, anh quan sát rất kỹ những gì thầy làm trong suốt ba ngày. Anh bảo: “Cách thầy làm, lời thầy truyền đạt mình rất nhớ. Tại sao lại đạp bễ thế này? Tay khò, chân đạp thế nào cho nhịp nhàng và đúng kỹ thuật? Lúc nào thì đạp bễ nhát gừng và tay uốn lượn ra sao? Từng chi tiết mình nhớ lại trong đầu. Biết cách làm là một phần, nhưng làm thế nào để không bị hao nguyên liệu khi chế tác cũng rất quan trọng. Nếu anh làm đẹp, làm tốt nhưng lại hao quá nhiều vàng, bạc thì tiền bù vào còn quá tiền công”.
Vốn là người nhạy bén, khéo tay, chỉ sau thời gian ngắn, anh Hạnh đã có thể gia công thành thạo những sản phẩm phổ biến trên thị trường.
Sáng tạo liên tục
Ai khởi nghiệp chẳng khó khăn trăm bề, nhất là nghề vàng bạc lại cần vốn nhiều. Vợ chồng anh Hạnh bàn nhau vay mượn gia đình, anh em, bạn bè để có vốn làm ăn. Nhờ chăm chỉ và sáng tạo, những sản phẩm vàng bạc của xưởng anh, sau này lấy tên xưởng là Kim Dung và cái tên Kim Dung bắt đầu từ đây cũng vươn ra chinh phục thị trường các tỉnh thành trong nước. Khi tay nghề đã ổn định, anh Hạnh giúp các anh chị em trong gia đình học nghề và dạy cả các học viên trong thôn.
Chị Sửa nhớ lại: “Đến đầu những năm 2000, xưởng của gia đình tôi đã rất phát triển và nhận được nhiều mối hàng. Nhớ năm đó, khi có dự án cải tạo đình làng, chúng tôi cùng các anh em tập hợp, bàn bạc để làm công đức cho đình làng một số sản phẩm nạm vàng, bạc và tạo tác các ngai, kiệu tại đình. Sau đó, chúng tôi thành lập Hợp tác xã kim hoàn, được Đài Truyền hình Bình Giang về đưa tin và làm phóng sự về nghề kim hoàn tại địa phương, rồi được tham gia Hội Doanh nhân tiêu biểu của huyện… Cứ thế, các mối quan hệ mở rộng dần, thị trường cũng mở rộng dần ra, sản phẩm của mình tốt và tinh xảo nên được tạo đà để vươn rộng”.
Nhờ cần cù, chăm chỉ và sáng tạo, xưởng vàng bạc của anh chị đã sản xuất nhiều mẫu mã đa dạng, phong phú và ý nghĩa, gắn liền với văn hóa dân gian như tượng Phật Bà Quan âm độ mạng, đồng tiền hoa mai, hoa đào hay các mẫu chữ cái... Ngoài sự tinh xảo và mới mẻ, anh chị luôn hướng về các mẫu biểu tượng với mong muốn mang đến những điều tốt đẹp, may mắn, bình an và hạnh phúc cho người dùng... Nhờ đó, những sản phẩm của xưởng chinh phục được những khách hàng khó tính.
Chị Sửa nhớ lại khi thành lập xưởng chế tác tại Hà Nội: “Thế giới đã thay đổi nhiều, mình là người thợ làng nghề nhưng cũng phải tiếp cận những công nghệ hiện đại. Các mẫu mã cần có sự sáng tạo liên tục để gây ấn tượng được với khách đến với cửa hàng, tạo nên được thương hiệu cho doanh nghiệp”.
Cùng quan điểm với anh chị, hộ chế tác kim hoàn của bà Nguyễn Thị Mừng ở Châu Khê cũng là một trong những xưởng đi đầu trong việc cải tiến công nghệ chế tác để cho ra lò những sản phẩm ngày càng tinh xảo hơn. Thay vì “cháy hàng” - hàn các gọng vàng, bạc cho khít bằng xăng theo cách truyền thống, hộ bà Mừng dùng công nghệ mới, hiệu quả hơn nhiều mà lại an toàn. Ở giai đoạn đầu, các sản phẩm được chế tác thô sơ, các mối hàn đen xì, nhưng qua nhiều công đoạn thì các sản phẩm ngày càng chau chuốt, tinh xảo.
Anh Đào Văn Hạnh miệt mài giữ lửa làng nghề. (Ảnh: Minh Hòa) |
Nhìn ra biển lớn
Hơn mười năm trước, cái duyên tình cờ đã đưa Việt kiều Dương Thị Hương Giang đến với xưởng chế tác này. Chị Giang nhớ lại: “Hồi đó, tôi đến chọn mua sản phẩm ở xưởng và thấy những nét chạm, trổ trên từng sản phẩm tinh xảo quá. Tôi mới đặt hàng theo mẫu mình thích như nhẫn, dây chuyền, vòng tay bông tai… Tôi vốn thích trang phục và trang sức theo phong cách riêng nên thường gửi ảnh về cho xưởng với góp ý thay đổi ở chi tiết này, chi tiết kia. Đến khi nhận sản phẩm, tôi vô cùng hài lòng vì nó vừa tinh xảo, vừa đúng ý, lại vừa không có cái thứ hai trên thế giới”.
Chị Hương Giang cho biết: “Có lần tôi xem được bảo tàng ở Đức, thấy có cặp nhẫn tình nhân vô cùng ấn tượng. Tôi bèn chụp lại và gửi về cho nhà chế tác. Tôi thường không bao giờ yêu cầu làm theo nguyên mẫu mà sẽ thay đổi một số chi tiết nào đó cho phù hợp với mình hoặc cho người mà tôi định tặng… Thế mà khi nhận cặp nhẫn do Kim Dung gửi sang, tôi hoàn toàn kinh ngạc: đôi nhẫn được làm thủ công gắn đá quý ruby tự nhiên trong hình trái tim. Mỗi chiếc nhẫn mang một nửa trái tim, nên khi ghép lại sẽ tạo thành một trái tim hoàn chỉnh, với viên đá ruby đỏ nằm ở phần nhẫn của nữ - mang ý nghĩa là người giữ lửa cho gia đình. Chúng tôi vô cùng hài lòng!”.
Ngày nay, nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội, các khách hàng của Kim Dung nói riêng và các xưởng chế tác Châu Khê ngày càng đa dạng và đến từ nhiều nước trên thế giới. Sản phẩm vàng bạc Châu Khê đã và đang dần tiếp cận với các khách hàng ở Đức, Czech hay Lào, Thái Lan…
Tôi tin, những người thợ chân chính như anh Hạnh, chị Sửa hay bà Mừng sẽ tìm được hướng đi triển vọng cho những sản phẩm kim hoàn chất lượng cao của mình, đưa sản phẩm của Châu Khê vươn xa.