Lạng Sơn: Tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ quản lý, giáo viên về công tác phòng chống ma túy. |
Chương trình tập huấn diễn ra trong hai ngày 2-3/11. Đây là chuỗi hoạt động nhằm triển khai thực hiện kế hoạch số 599/KH-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về việc triển khai thực hiện 5 nhiệm vụ phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021; Kế hoạch số 168/KH-UBND ngày 28/7/2021 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021; Kế hoạch số 2550/KH-SGDĐT ngày 30/8/2021 của Sở GD&ĐT Lạng Sơn về việc phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021.
Công tác phòng chống ma tuý, phòng chống tệ nạn xã hội cho thế hệ trẻ là một nội dung được các cấp các ngành trong đó có ngành GD&ĐT Lạng Sơn hết sức quan tâm.
Hằng năm, Sở GD&ĐT Lạng Sơn đã triển khai các giải pháp để thực hiện công tác tuyên truyền phòng chống ma tuý bằng những hoạt động cụ thể như: Ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo; Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên toàn ngành; Phối hợp với ngành công an tổ chức các buổi tuyên truyền điểm tại các huyện, thành phố.
Các trường học thường xuyên mời lực lượng chức năng trên địa bàn đến tuyên truyền cho học sinh, sinh viên về tác hại và cách phòng tránh ma tuý, tệ nạn xã hội; lồng ghép giáo dục nội dung này trong các tiết dạy chính khoá, trong các buổi sinh hoạt tập thể, hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Ông Lê Trung Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện PSD hướng dẫn kiến thức toàn diện về loại, chất và mức độ nguy hiểm của ma túy, những loại ma túy mới… |
Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng chống ma túy (PSD) là đơn vị phối hợp với Sở GD&ĐT Lạng Sơn để tổ chức chương trình tập huấn này.
Chia sẻ bài giảng đầu tiên tại chương trình, ông Lê Trung Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện PSD đã cung cấp cho giáo viên, cán bộ quản lý những kiến thức toàn diện về loại, chất và mức độ nguy hiểm của ma túy, những loại ma túy mới… đang tấn công trường học, cộng đồng.
Ông Lê Trung Tuấn nhấn mạnh: “Mỗi năm thế giới đầu tư hàng trăm tỷ USD cho công tác phòng, chống ma túy nhưng đầu tư cho công tác ngăn ngừa và điều trị lại chưa cân xứng.
Trong khi ước tính đầu tư 10 USD cho việc “phòng” sẽ tiết kiệm 100 USD để “chống”. Hiện nay có tới 11 loại tội phạm liên quan ma túy như tham nhũng, buôn người, khủng bố, gian lận bầu cử, rửa tiền… và tội phạm ma túy có sự liên kết, được điều hành có tổ chức phạm vu toàn cầu…
Như vậy để thấy công tác phòng chống ma túy trong trường học ngày càng trở nên không hề đơn giản”.
Đại tá, bác sĩ Tạ Đức Ninh, Phó Viện trưởng Viện PSD đề xuất giải pháp ngăn ngừa ma túy học đường |
Nêu đề xuất giải pháp để ngăn ngừa ma túy trong trường học, Đại tá, bác sĩ Tạ Đức Ninh, Phó Viện trưởng Viện PSD cho biết, giáo dục phòng ngừa lạm dụng ma túy cần được gắn kết với chương trình giáo dục về sức khỏe của nhà trường và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục thay vì một buổi tuyên truyền hoặc nói chuyện chuyên đề đơn lẻ.
Giáo dục phòng ngừa lạm dụng ma túy tốt nhất được thực hiện bởi chính thầy giáo đảm nhiệm các môn giáo dục sức khỏe thể chất.
Chương trình giáo dục phòng ngừa ma túy cần phải được thiết kế theo trình tự, mức độ tăng dần và liên tục từ tiểu học đến bậc đại học, chú trọng đến nhóm có nguy cơ liên quan đến ma túy…
PGS.TS Mai Văn Hưng, Phó Viện trưởng điều hành Viện PSD đưa ra thông tin khoa học về cơ chế gây nghiện… |
PGS.TS. Mai Văn Hưng, Phó Viện trưởng điều hành Viện PSD cũng đã có bài chia sẻ chuyên sâu về “Cơ chế gây nghiện, tái nghiện ma túy và những kỹ năng phòng, chống”, cung cấp lượng kiến thức khoa học cần thiết cho giáo viên và các cán bộ quản lý.
Chia sẻ sau chương trình, bà Trần Thị Hải Yến, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên và Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Lạng Sơn cho biết: “Song song với nhiệm vụ trọng tâm nâng cao chất lượng dạy và học, nhiệm vụ giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống, bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, không tệ nạn xã hội là nội dung hết sức quan trọng mà toàn ngành giáo dục phải quan tâm”.
Sau hai ngày tập huấn, các giáo viên, cán bộ quản lý, cán bộ Đoàn Đội của tỉnh Lạng Sơn đã thu nhận được nhiều kiến thức bổ ích, hiểu đúng và đủ về ma túy, ma túy tổng hợp, ma túy trá hình và những kỹ năng phòng chống.
Từ ngày 8-13/11 tới, Viện PSD sẽ tiếp tục phối hợp với Sở GD&ĐT Lạng Sơn để tổ chức tuyên truyền công tác phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội cho học sinh; khảo sát thực trạng công tác phòng, chống ma túy trong trường học; thí điểm xét nghiệm ma túy trong cơ thể (thông qua xét nghiệm nước tiểu) cho thanh thiếu niên, học sinh trong trường học; triển khai bộ sách “Kỹ năng phòng, chống ma túy” cho học sinh trung học và công tác xã hội hóa thực hiện công tác phòng chống ma túy.