Sau đây là một số hoạt động đã diễn ra tại các quốc tiếp đón lãnh đạo nước ngoài của chính quyền Mỹ.
|
Nghi thức tiếp đón mà Mỹ dành cho lãnh đạo và quan chức nước ngoài khác nhau tùy theo cấp độ của chuyến thăm. Theo quy định của Bộ Ngoại giao Mỹ, các chuyến thăm của lãnh đạo nước ngoài được phân thành 5 cấp từ cao đến thấp gồm: thăm nhà nước, thăm chính thức, thăm làm việc chính thức, thăm làm việc và thăm cá nhân. Trong đó, thăm nhà nước là chuyến thăm của nguyên thủ nước ngoài, còn thăm chính thức được thực hiện bởi người đứng đầu chính phủ, thường là thủ tướng. Trong ảnh, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng phu nhân trong chuyến thăm chính thức Mỹ hồi tháng 2/2017. (Nguồn: Getty). |
|
Đối với chuyến thăm chính thức, chuyên cơ chở khách sẽ hạ cánh ở Căn cứ Không quân Andrews thuộc tiểu bang Marylands. Một tấm thảm đỏ sẽ trải từ chân cầu thang máy bay và đội quân kỳ 3 người đại diện cho hải, lục, không quân cầm quốc kỳ của khách. Vị khách sẽ được chào đón bởi hai hàng quân danh dự hai bên, có cử quốc thiều của khách và của Mỹ. Trong ảnh là nghi lễ đón Thủ tướng Anh David Cameron tại Căn cứ Andrews hồi tháng 3/2012. (Nguồn: BBC). |
|
Sau màn cử quốc thiều, Chánh Văn phòng Lễ Tân sẽ có lời chào mừng thủ tướng và phái đoàn. Khách sẽ chọn việc đi về Washington D.C. bằng ôtô hoặc trực thăng. (Nguồn: Getty). |
|
Thủ tướng hay người đứng đầu chính phủ sẽ được mời ở tại Nhà khách của Tổng thống (Blair House) tại thủ đô Washington D.C. trong 3 đêm 4 ngày. Blair House rất gần Nhà Trắng nên là địa điểm thuận tiện cho các cuộc hội đàm, đồng thời cũng tiện cho việc bảo vệ. (Nguồn: washingtonian.com). |
|
Người đứng đầu chính phủ sẽ tham dự lễ đón chính thức tại Bãi cỏ phía Nam của Nhà Trắng (South Lawn). Khách và phu nhân hoặc phu quân đến bằng xe limousine màu đen, đi trên thảm đỏ, bắt tay với tổng thống Mỹ và phu nhân đã đợi sẵn cùng các quan chức khác trong lúc đội quân nhạc cử bài “Hail To The Chief”. Trong ảnh, Tổng thống Barack Obama và phu nhân Michelle đang chờ đón Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi tháng 4/2015. (Nguồn: Getty). |
|
Sau đó, quốc thiều của khách, của Mỹ lần lượt được cất lên. Nghi thức quy định tất cả quan chức Mỹ trong buổi tiếp đón phải nhìn về phía cột cờ hai nước. Trong ảnh là toàn cảnh lễ đón chính thức Thủ tướng Canada Trudeau tại Bãi cỏ phía Nam ngày 10/3/2016. (Nguồn: CP). |
|
Chủ và khách duyệt hàng quân danh dự, bắt tay dân chúng và phát biểu. Người đứng đầu chính phủ hay thủ tướng nước ngoài cũng sẽ được chào mừng bằng 19 phát súng chào. Trong ảnh, Thủ tướng Trudeau và cựu Tổng thống Obama duyệt hàng quân danh dự trong lễ đón chính tại Nhà Trắng tháng 3/2016. (Nguồn: Nhà Trắng). |
|
Thủ tướng Abe và Tổng thống Obama bắt tay người dân trong chuyến thăm chính thức Mỹ của ông Abe tháng 4/2015. (Nguồn: Getty). |
|
Khi tổng thống Mỹ và vị khách vào phòng họp thì phu nhân hoặc phu quân của khách sẽ được bố trí hoạt động thích hợp ở một nơi nào đó trong Nhà Trắng. (Nguồn: Getty). |
|
Quốc yến có thể được tổ chức ở Nhà Trắng để thiết đãi người đứng đầu chính phủ trong chuyến thăm chính thức. Quốc yến được chủ trì bởi tổng thống Mỹ. Trong ảnh, Thủ tướng Anh David Cameron cùng phu nhân dự quốc yến do Tổng thống Obama chủ trì hồi tháng 3/2012. (Nguồn: Getty). |
|
Sau lễ đón trọng thể tại khu South Lawn, hai bên tiến hành hội đàm và sau đó thường tổ chức cuộc họp báo ở Phòng Bầu Dục. Trong chuyến thăm chính thức Mỹ vào tháng 3, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã có cuộc họp báo chung với Tổng thống Trump sau khi hai bên hội đàm song phương. (Nguồn: Reuters). |
|
Trước khi khai tiệc là phần phát biểu chào mừng của chủ nhà và lời đáp từ của khách. Trong ảnh, Tổng thống Obama phát biểu tại buổi quốc yến thứ 13 cũng là buổi quốc yến cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông được tổ chức vào 18/10/2016 để thiết đãi Thủ tướng Italy Matteo Renzi và phu nhân. (Nguồn: NBC News). |
|
Các màn biểu diễn âm nhạc, khiêu vũ cũng diễn ra trong buổi quốc yến. Tháng 8/2016, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã trở thành lãnh đạo đầu tiên của Đông Nam Á được mời tham dự một buổi quốc yến do tổng thống Mỹ chiêu đãi. (Nguồn: Getty). |
(theo Zing)