📞

Lào Cai cất cánh phát triển, tự tin đồng hành với đối tác Hàn Quốc

Trịnh Xuân Trường - Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai 11:28 | 20/12/2022
Lào Cai lựa chọn hạ tầng là động lực để thu hút đầu tư trong thời gian tới, tập trung vào những dự án tầm cỡ, tạo sức lan tỏa không chỉ riêng với địa phương, mà còn cho cả vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai trao giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư vào địa bàn tỉnh Lào Cai.

Theo Dự thảo Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, để thực hiện mục tiêu “cất cánh phát triển” thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung vào “một trục động lực, hai cực phát triển, ba vùng kinh tế, bốn trụ cột tăng trưởng, năm nhiệm vụ trọng tâm”.

Một trục động lực, hai cực phát triển…

Cụ thể, trục động lực phát triển dọc sông Hồng kết nối với 9 tỉnh, thành phố ở hạ lưu trùng với Hành lang kinh tế Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh.

Hai cực phát triển gồm, cực phía Bắc kết nối Việt Nam và ASEAN với Tây Nam Trung Quốc; cực phía Nam kết nối với các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ và khu vực ASEAN.

Ba vùng kinh tế gồm, Vùng thấp với các huyện Bảo Yên, Văn Bàn tập trung phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, du lịch; Vùng cao gồm Sa Pa, khu vực phía Tây Bát Xát, các huyện Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu, du lịch nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên, văn hoá tộc người…; Vùng trung tâm gồm TP. Lào Cai, huyện Bảo Thắng, phần hạ huyện Bát Xát theo dọc sông Hồng phát triển công nghiệp, dịch vụ - thương mại, với trọng tâm là kinh tế cửa khẩu.

Bốn trụ cột bao gồm: Kinh tế cửa khẩu; Du lịch; nông, lâm nghiệp và thủy sản; Công nghiệp chế biến - chế tạo, là những ngành có nền tảng dựa trên tiềm năng vốn có của tỉnh.

Năm nhiệm vụ trọng tâm gồm: hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng; hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá con người Lào Cai.

Lãnh đạo tỉnh khảo sát tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành.

Lào Cai có vị trí địa lý đặc biệt với mạng lưới giao thông đa dạng. Nằm giữa vùng Tây Bắc và vùng Đông Bắc, tỉnh có vị trí chiến lược trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”, là con đường ra biển ngắn nhất, hiệu quả nhất của hàng hoá từ thị trường Vân Nam, Trung Quốc đến với thị trường Đông Nam Á, Đông Á và ngược lại.

Không chỉ nổi tiếng về tiềm năng du lịch, Lào Cai có thế mạnh lâu dài về phát triển công nghiệp chế biến gắn với hoạt động khai khoáng, với trên 35 loại khoáng sản. Trong đó, trữ lượng quặng apatit và đồng thuộc hàng đầu Đông Nam Á. Đặc biệt, cùng với Lai Châu, tỉnh giữ trữ lượng đất hiếm lớn nhất cả nước.

Lào Cai hiện là nơi dừng chân của nhiều nhà đầu tư lớn, có bề dày kinh nghiệm, tiềm lực tài chính mạnh như: Sun Group, T&T, Geleximco, Bitexco, TNG, CD, Phú Hưng, KOSY... Hiện Lào Cai có 27 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 685,82 triệu USD. Giá trị các dự án đầu tư đăng ký tại tỉnh trong giai đoạn 2020-2030 đạt 125.000 tỷ đồng, tập trung vào các thế mạnh như kinh tế cửa khẩu, phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng, du lịch nghỉ dưỡng, nông nghiệp đặc hữu...

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục có kế hoạch tăng cường hợp tác đầu tư có chọn lọc để góp phần tái cơ cấu nền kinh tế, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, sử dụng và tạo năng lượng sạch, thân thiện môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao như dịch vụ tài chính, logistics, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, lĩnh vực du lịch; sản xuất chế biến hàng xuất khẩu, nuôi thủy sản, khai thác chế biến khoáng sản.

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cắt băng khánh thành nhà sản xuất hàng may thêu xuất khẩu số 3 tại Lào Cai.

Những con đường kết nối bền vững

Dấu ấn đậm nét trong quan hệ hợp tác tốt đẹp Việt Nam-Hàn Quốc là các dự án ODA. Không chỉ hỗ trợ vật chất và tài chính, mà thông qua các chương trình tạo thu nhập, các dự án đã hỗ trợ sinh kế bền vững, hạ tầng thiết yếu tại các thôn bản, đào tạo tăng cường năng lực... trở thành “những con đường” kết nối cho mối quan hệ hợp tác phát triển bền vững.

Đơn cử, Chương trình Hạnh phúc tỉnh Lào Cai (từ 2015-2018) tổng vốn đầu tư 23,8 triệu USD đã thu hút sự tham gia, ủng hộ nhiệt tình của người dân, góp phần khơi dậy sức mạnh cộng đồng, tính tự lực, tự cường, năng động và sáng tạo của cư dân địa phương.

Thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu quả chương trình hợp tác giữa tỉnh Lào Cai và các đối tác Hàn Quốc, Lào Cai đã đề xuất với Chính phủ 2 chương trình nhằm góp phần nâng cấp hạ tầng giao thông; cải thiện điều kiện dạy và học; tạo cơ hội sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương; và củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Hợp tác FDI với nhà đầu tư Hàn Quốc hiện chưa nhiều, với 2 dự án có tổng vốn đầu tư 81 triệu USD, đang trong quá trình thực hiện, nhưng đều có tiêu chí sự dụng công nghệ cao, hiện đại. Những kết quả này chưa thực sự tương xứng với tiềm năng lợi thế của Lào Cai, cũng như khả năng, nhu cầu của các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc. Cùng khai thác hiệu quả tiềm năng của hai bên, chắc chắn chúng ta sẽ có thêm những bước tiến dài trong tương lai.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường thăm và chỉ đạo hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Lào Cai.

Lào Cai mong muốn Đại sứ quán Hàn Quốc và các đối tác quan tâm hỗ trợ, mời gọi các doanh nghiệp Hàn Quốc đến khảo sát, tìm hiểu đầu tư:

- Các dự án nông nghiệp công nghệ cao để sản xuất rau sạch, rau trái vụ chất lượng tốt, giá trị cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

- Các dự án về nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là cá nước lạnh, cá hồi, cá tầm tại thị xã Sa Pa.

- Các dự án trên lĩnh vực du lịch, dịch vụ.

- Các dự án công nghệ cao, chế biến sâu các loại sản phẩm đồng, sắt, xử lý nước thải, rác thải tại các khu công nghiệp.