Du lịch Lào Cai phục hồi mạnh mẽ. (Nguồn: Du lịch Việt) |
Lào Cai là nơi sông đầu nguồn, núi tuyệt đỉnh, ở trung tâm vùng, có cửa khẩu lớn, văn hóa các dân tộc đa dạng, giàu bản sắc; danh lam thắng cảnh, khoáng sản phong phú. Với cửa khẩu quốc tế lớn, Lào Cai hội tụ đầy đủ kết cấu hạ tầng, hệ thống dịch vụ phát triển, thuận lợi cho nhu cầu giao thương, xuất - nhập khẩu, du lịch và dịch vụ.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư
Tận dụng những lợi thế đó, Lào Cai nỗ lực phát triển kinh tế vùng biên, thu hút đầu tư và tăng cường năng lực cạnh tranh. Đặt mục tiêu trở thành một trong tám khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm của cả nước, phấn đấu giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 10 tỷ USD vào năm 2025, tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư, đưa Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai trở thành trung tâm logistics lớn và quan trọng hàng đầu của cả nước, phát triển đa ngành, lĩnh vực.
Những năm qua, Lào Cai đã dành nhiều nguồn lực để xây dựng môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, lấy kinh tế thương mại qua các cửa khẩu biên giới làm nòng cốt, đưa kinh tế cửa khẩu thực sự là mũi nhọn, động lực để phát triển kinh tế địa phương. Cụ thể, tỉnh tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng biên giới; quy hoạch, bố trí các cơ sở công nghiệp, cơ sở kinh tế phù hợp; tiếp tục xây dựng và nâng cao hiệu quả khu kinh tế cửa khẩu, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu; đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện; triển khai hoạt động giao lưu hữu nghị giữa các cơ quan trong nước và nước ngoài; tích cực thúc đẩy xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại biên giới Việt - Trung được Chính phủ hai nước ký kết; thúc đẩy mở mới, nâng cấp các cặp cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt - Trung, triển khai xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới, mậu dịch tự do; đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút nhà đầu tư…
Đặc biệt, Lào Cai chú trọng mở rộng và tăng cường đối ngoại. Riêng năm 2023, tỉnh tổ chức đón tiếp trên 10 đoàn đại sứ các nước đến thăm và làm việc; tăng cường hợp tác, triển khai các thỏa thuận hợp tác với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); triển khai thực hiện biên bản ghi nhớ hợp tác theo hai nhóm tỉnh và riêng lẻ với bảy địa phương trong nước.
Lào Cai đẩy mạnh chuyển đổi số ở các cửa khẩu. (Nguồn: Báo Lao Động) |
Mục tiêu phát triển nhanh và bền vững
Nỗ lực phát triển kinh tế vùng biên đã tạo động lực cho tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai những năm qua đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo báo cáo kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2023 của tỉnh ước đạt 5,11%, thấp hơn so với kế hoạch giao song quy mô kinh tế tỉnh Lào Cai có sự tăng trưởng nhất định, quy mô GRDP theo giá hiện hành tăng 8,16% so với năm 2022. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực: ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 12,8%; ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 41,1%. Ngành dịch vụ tiếp tục có đà tăng trưởng tích cực, ước cả năm tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội bằng 111% so với cùng kỳ, vượt 3,65% kế hoạch. Du lịch Lào Cai phục hồi mạnh mẽ, ước cả năm lượng khách du lịch đạt trên 7 triệu lượt, tăng 56,4% so cùng kỳ năm trước, với mức doanh thu đạt 22.500 tỷ VND.
Ngày 14/10, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1199/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2030, Lào Cai có thêm hai cặp cửa khẩu được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế và sáu lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa. Điều này giúp các doanh nghiệp có thêm nhiều lựa chọn trong xuất nhập khẩu hàng hoá. Với tầm nhìn dài hạn, Lào Cai đang đẩy mạnh quy hoạch, phát triển hạ tầng, khơi thông điểm nghẽn về logictics, thu hút nhà đầu tư...
Phối cảnh Cảng hàng không Sa Pa đang được xây dựng. (Nguồn: Báo Lào Cai) |
Dựa trên định hướng phát triển nhanh và bền vững, tỉnh Lào Cai sẽ ưu tiên các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh để thực hiện theo quy hoạch của tỉnh và các dự án quy mô lớn, có tác động lan tỏa tích cực đối với Lào Cai, vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Tỉnh sẽ hợp tác đầu tư có chọn lọc để góp phần tái cơ cấu nền kinh tế, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, thân thiện môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao như dịch vụ tài chính, logistics, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông - lâm - thủy sản, du lịch; khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu…
Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh quảng bá về tiềm năng, cơ hội đầu tư tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh vận hành có hiệu quả cao Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp, nghiên cứu đề xuất các giải pháp cụ thể hỗ trợ hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao uy tín của địa phương, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, kinh doanh tại đây.
Với tiềm năng rộng mở, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội rõ ràng cùng với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tin tưởng rằng tỉnh Lào Cai sẽ phát triển kinh tế vùng biên mạnh mẽ, gặt hái nhiều thành công, hoàn thành thắng lợi những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra, hướng tới một Lào Cai phát triển mạnh mẽ, hiện đại và bền vững.
| Báo Anh: Việt Nam - 'con hổ kinh tế' mới của châu Á, đang phát triển mạnh mẽ "Chỉ hai thập niên trước, Việt Nam là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Giờ đây, đất nước này là một trung ... |
| Xứng tầm vùng đất ‘địa linh nhân kiệt’, Hải Dương chuyển mình mạnh mẽ và bền vững Tận dụng những tiềm năng to lớn của mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, Hải Dương đang phát triển kinh tế - xã hội nhanh ... |
| Khai phá tiềm năng, phát triển bền vững kinh tế biển Ngày 5/12, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ ... |
| Phát huy động lực tăng trưởng từ 'cỗ xe' kinh tế Việt Nam, tạo tiền đề cho năm 2024 Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển đồng bộ các loại thị trường; gắn kết ... |
| Tạo thuận lợi hơn nữa để kinh tế, thương mại và đầu tư trở thành trụ cột chính, là động lực kết nối ASEAN và GCC Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ASEAN và GCC cần chung tay khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khơi thông các nguồn ... |