📞

Lao động nhập cư ở Ấn Độ chật vật trở lại thành phố

LÊ VY 14:46 | 24/09/2020
TGVN. Nền kinh tế Ấn Độ bị tác động nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 khiến con đường trở lại thành phố của lao động nhập cư Ấn Độ thêm phần chông gai.
Lao động nhập cư ở Ấn Độ chật vật trở lại thành phố. (Nguồn:DW)

Gian nan kiếm sống

Vitthal Bhandari, một thợ sơn, quay lại Mumbai, thủ đô tài chính của Ấn Độ, từ ngôi làng Satara, cách thành phố 250 km. Nguồn thu nhập chính của Bhandari là từ công việc sơn văn phòng và nhà riêng.

Anh từng kiếm được khoảng 800 Rupee (gần 11 USD) mỗi ngày trước khi Chính phủ Ấn Độ tuyên bố lệnh phong tỏa trên toàn quốc vào cuối tháng Ba để ngăn chặn sự lây lan của virus corona.

Hiện tại, anh Bhandari phải vật lộn để có được công việc hàng ngày. Anh nói: “Công việc ở các công trường xây dựng bị đình trệ trong khi các gia đình không cho phép tôi vào nhà của họ”.

Bhandari hối tiếc khi trở lại thành phố: "Tôi đã trả phải 2.000 Rupee (khoảng 30 USD) để trở lại thành phố. Tôi đã vay nhiều khoản để nuôi gia đình. Về quê tôi có thể xoay xở để có hai bữa ăn một ngày. Nhưng giờ, tôi phải vật lộn mới kiếm đủ ăn cho một bữa trong ngày".

Ấn Độ đang chật vật đối phó với đại dịch Covid-19, với số ca nhiễm virus corona cao thứ hai trên toàn thế giới. Nền kinh tế suy giảm tới 23,9% trong quý II năm 2020, mức giảm tồi tệ nhất trong 24 năm trở lại đây.

Nhiều người hy vọng rằng nền kinh tế Ấn Độ sẽ phục hồi vào quý tiếp theo khi hàng trăm nghìn lao động nhập cư, những đã trở về quê sau khi Chính phủ Ấn Độ phong tỏa đất nước vào cuối tháng Ba, đang dần quay trở lại các thành phố khi các nhà máy, công sở bắt đầu mở cửa. Nhưng bức tranh thất nghiệp vẫn còn ảm đạm với đất nước lớn nhất Nam Á này.

Theo Sanjeev Dham, Giám đốc điều hành của Quỹ Smile, một tổ chức phi chính phủ, những người lao động nhập cư làm việc trong ngành xây dựng có thể quay lại và tìm kiếm việc làm tại thành phố nhưng những người làm trong lĩnh vực dịch vụ gặp nhiều khó khăn hơn. Không giống công nhân xây dựng, những người làm trong lĩnh vực dịch vụ bắt buộc phải tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Hiện nhiều ngành dịch vụ của Ấn Độ chưa phục hồi và yêu cầu về đảm bảo tránh lây nhiễm cho khách hàng khiến các ông chủ ngành dịch vụ cũng đưa ra các yêu cầu khắt khe hơn khi tuyển dụng lao động.

"Nhiều người lao động nhập cư ngày càng chán nản với tình hình kinh tế hiện tại và các vụ tự tử ngày càng nhiều. Những người buôn bán nhỏ như bán rau hay bán hoa quả ở thành phố gặp rất nhiều khó khăn khi sức mua giảm. Cuộc sống sẽ không như trước nữa đối với họ", Dham nói.

Đối mặt với nạn đói

Mohammad Badruzzama, một thợ may, đã trở lại Mumbai vào tháng trước từ quận Madhubani ở bang Bihar, miền Bắc nước này, sau khi ngôi làng của anh bị lũ nhấn chìm.

Cuộc sống ở thành phố không như anh hình dung. Các khách hàng không muốn mua những chiếc ví da do anh làm. Badruzzama cho rằng khách hàng tỏ ra kỳ thị những người lao động đến từ Dharavi, khu ổ chuột lớn nhất châu Á nằm ở Mumbai.

Nhiều người lao động nhập cư sống nhờ các suất ăn từ thiện. (Nguồn: DW)

Tayappa Bhimappa, một công nhân xây dựng đến từ quận Gulbarga, phía Nam bang Karnataka cũng cùng cảnh ngộ. Bhimappa, trụ lại ở Mumbai trong thời gian đất nước thực hiện lệnh phong tỏa, cho rằng các người chủ cũ không muốn gọi người lao động ở khu ổ chuột Dharavi quay trở lại làm việc. Điều đó cũng dễ hiểu do khu ổ chuột này là nơi có số lượng người nghiễm virus corona rất cao.

"Người chủ cũ của tôi nói với tôi rằng ông ấy thuê được một công nhân khác sống gần công trường để thay tôi. Ông ấy nói rằng việc di chuyển đến công trường cũng tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh dịch", Bhimappa nói.

"Tôi không có việc làm và sống dựa vào khẩu phần ăn từ thiện của Chỉnh phủ và các tổ chức phi chính phủ. Tôi không chắc liệu mình có thể làm việc ở nơi khác vì tôi không được đào tạo. Tôi cũng không nghĩ đến việc về quê vì ở quê cũng có virus corona", anh nói.

Satyajeet Mohanty, thuộc Quỹ Neptune, hiện đang hỗ trợ khẩu phần ăn cho hàng trăm người lao động nhập cư khắp Mumbai, nói rằng nhiều lao động nhập cư thất nghiệp hiện đang phụ thuộc vào viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ để có bữa ăn hàng ngày.

Nhiều chính trị gia đổ lỗi cho các doanh nghiệp không hỗ trợ công nhân của họ trong giai đoạn đầu Ấn Độ thực hiện phong tỏa, khiến các lao động nhập cư buộc phải về quê do không có thu nhập.

"Các công ty và nhà thầu nhỏ hơn đã không hỗ trợ tiền, thức ăn hoặc nước uống cho công nhân trong hai tháng đầu tiên khi đất nước bị phong tỏa. Các công nhân rõ ràng cảm thấy rằng họ sẽ chết nếu không có thức ăn, vì vậy họ quyết định về nhà”, một chính trị gia thuộc đảng Shiv Sena cho biết.

Nỗi lo thường trực

Tình hình có vẻ khả quan đối với các công nhân trên công trường của Tập đoàn Wadhwa, tập đoàn bất động sản lớn của Ấn Độ. Pankaj Mondal, một công nhân làm việc tại công trường, hối tiếc khi trở về nhà vì công ty của anh đã từng làm, sau một thời gian lệnh phong tỏa được áp dụng, đã cung cấp tất cả các nhu yếu phẩm cần thiết cho những công nhân ở lại thành phố.

"Tôi về quê vì chịu rất nhiều áp lực từ gia đình, những người đang hoảng loạn vì virus corona. Tôi về quê trên một chiếc xe tải và mất ba ngày mới về đến nhà".

Đại diện Tập đoàn Wadhwa cho biết họ đã dựng lên những túp lều cách ly cho công nhân quay trở lại thành phố. Các công nhân được cung cấp khẩu phần ăn để hạn chế phải đi ra ngoài.

"Các biện pháp vệ sinh phòng dịch được áp dụng, kiểm tra y tế thường xuyên, kiểm tra nhiệt độ, cung cấp khẩu trang và quan trọng nhất là hỗ trợ khẩu phần ăn", Mukesh Jaitley, Giám đốc của Tập đoàn Wadhwa, nói.

Tuy nhiên, số công ty có đủ khả năng hỗ trợ công nhân như Tập đoàn Wadhwa chỉ đếm trên đầu ngón tay. Rất nhiều người lao động nhập cư trên khắp Ấn Độ vẫn chung số phận như Vitthal Bhandari, Mohammad và không biết bao giờ cuộc sống bình thường mới trở lại với họ như trước khi dịch Covid-19 xảy ra.

(theo DW)