📞

Lao động trẻ mở ‘cánh cửa’ bước vào ‘sân chơi’ toàn cầu hóa

Nguyệt Anh 13:45 | 18/07/2022
GS. Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh nhận định, người lao động Việt Nam khá dồi dào và trẻ so với các nước trong khu vực ASEAN. Đây là nguồn lực thuận lợi lớn cho quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
GS. Huỳnh Văn Sơn cho rằng, người lao động nước ta khá dồi dào và trẻ so với các nước trong khu vực ASEAN. (Ảnh: NVCC)

Công nghệ số đã và đang tác động trực tiếp, sâu rộng tới phương thức sản xuất cũng như người lao động. Vậy bạn trẻ cần chuẩn bị ra sao trước những biến chuyển to lớn ấy?

Trong bối cảnh công nghệ đã và đang tác động trực tiếp, sâu rộng tới phương thức sản xuất cũng như người lao động, một số ngành nghề sẽ được robot đảm nhiệm trong tương lai. Điều này sẽ gây ra tình trạng mất việc làm, đòi hỏi người trẻ phải có nhiều kĩ năng, kiến thức chuyên môn cao trong thời đại số.

Thay vì nghĩ về sự nghiệp trong một lĩnh vực thủ công cụ thể, chúng ta cần nghĩ về việc đa kỹ năng, kỹ năng liên ngành và các phẩm chất có liên quan như: độc lập, linh hoạt và thích ứng. Vì vậy, cần tập trung vào những gì làm cho người trẻ trở thành con người độc đáo, tập trung vào phát triển các khía cạnh chính của trí thông minh con người mà rõ nhất là trí thông minh, trí tuệ cảm xúc, vận động, trực giác…

Khi phương thức sản xuất đã thay đổi, người lao động cần có tâm thế thích ứng với bối cảnh và sự thay đổi. Song song đó, cần rèn luyện cho mình những kỹ năng có liên quan đến chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công việc và cuộc sống. Điều cũng cần không kém phần quan trọng, đó là rèn luyện cho mình trí tuệ xã hội nhất là các biểu hiện cụ thể của nó trong tương tác với người khác, với cộng đồng.

Theo ông, phải có những tiêu chí gì để trở thành người lao động 4.0?

Để có thể trở thành người lao động 4.0, người trẻ cần phải chuẩn bị trình độ ngoại ngữ tốt, thành thạo kỹ năng mềm và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin cũng như trí tuệ nhân tạo để mở ra “cánh cửa” bước vào “sân chơi” toàn cầu hóa.

Có thể phân tích các vấn đề này một cách khái quát như sau:

Khả năng ngoại ngữ: Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng như hiện nay ở nước ta cũng như việc hội nhập với thế giới bên ngoài trong thời đại 4.0, việc học ngoại ngữ thực sự trở thành bắt buộc với giới trẻ ngày nay.

Nó không chỉ cho phép chúng ta có nhiều cơ hội việc làm mà còn giúp bổ sung thêm vốn kiến thức văn hóa nhân loại, đóng góp quan trọng vào nhu cầu hội nhập nước ta với thế giới. Cần học kỹ năng và biến nó trở thành khả năng thực, nhất là học và sử dụng ngoại ngữ thích ứng với công nghệ và việc giao tiếp toàn cầu.

Thành thạo kỹ năng mềm: Để có thể hòa nhập và thành công trong thời đại Cách mạng 4.0, ngoài trình độ chuyên môn, chúng ta cũng cần tới những kỹ năng thiết yếu khác.

Không chỉ là tiếng Anh mà còn có tư duy phản biện, sáng tạo và giao tiếp cũng như những kỹ năng khác giúp người ta làm việc với con người, chịu đựng áp lực của làm việc chuyên nghiệp, làm việc đa quốc gia, làm việc trực tuyến.

Ứng dụng công nghệ thông tin: Không phải chỉ có lập trình viên mới cần phải học kỹ năng này, mà tất cả chúng ta hãy học ngay những kỹ năng mềm liên quan đến STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), đặc biệt là công nghệ thông tin nếu không muốn trở thành một thành phần lao động thừa thải trong thời đại 4.0 với những đòi hỏi về việc ứng dụng CNTT một cách đích thực và đúng nghĩa, hiệu quả.

Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo cũng phải trở thành khả năng thực bởi hiểu về sức mạnh và giá trị của AI, khai thác các thế mạnh của AI để đảm bảo tính hiệu quả, tính tương tác để máy móc, công nghệ phục vụ cho con người.

So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, ông đánh giá thế nào về người lao động Việt Nam hiện nay?

Người lao động Việt Nam khá dồi dào và trẻ so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Đây là nguồn lực thuận lợi lớn cho quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nhìn chung, có thể nhận thấy người lao động nước ta có thái độ làm việc, sự nỗ lực, sự cố gắng, nhất là có những biểu hiện sáng tạo.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một cách thẳng thắn thông qua các đánh giá của các tổ chức đa quốc gia trên thế giới là chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa cao, lao động theo cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực chưa hợp lý, khả năng chuyên môn cao vẫn còn một số hạn chế.

Bên cạnh đó, năng suất lao động của người Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Philippines… và đang trong quá trình hướng đến sự cân bằng. Chuyên gia của Việt Nam cũng khá nhiều, phong phú nhưng đang làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới nhất là với thời đại thế giới phẳng cũng làm cho nguồn lao động cao vẫn chưa thật ổn định dù chúng ta đang có những chiến lược thu hút và khai thác nguồn lực này.

Cũng cần khẳng định, có những ngành chúng ta có lực lượng lao động rất tốt nhưng có ngành vẫn còn thực trạng trên. Đây chính là những hạn chế cần khắc phục của nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay khi hội nhập vào thời đại công nghệ 4.0

Vai trò của ngành giáo dục không chỉ đơn giản là truyền đạt kiến thức, mà còn giúp người lao động trang bị các kỹ năng để hội nhập toàn cầu. (Nguồn: ĐĐK)

Làm sao để năng suất lao động của Việt Nam ngang bằng với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia? Ông có khuyến nghị chính sách gì?

Đầu tiên, cần phải chú trọng việc đào tạo nghề để có được nguồn nhân lực có kỹ năng tốt, chuyên môn cao đáp ứng được yêu cầu đổi mới của thời đại công nghệ 4.0 bởi bất kỳ ai khi làm việc phải có nghề một cách đúng nghĩa và thực chất.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công tác đào tạo và dạy nghề thông qua việc học hỏi kinh nghiệm, giao lưu. Đồng thời, tổ chức hội thảo với các quốc gia có nền đại học tiên tiến và thành công trong khu vực ASEAN và trên thế giới để nâng tầm người lao động Việt Nam trong khu vực, bởi các kỹ năng lao động chuyên nghiệp cho quốc tế cần được đảm bảo.

Đặc biệt, cần cải cách và đổi mới giáo dục thông qua việc đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng và các trường nghề. Trong đó, lý thuyết phải đi đôi với thực tế và thực hành tại doanh nghiệp, cơ sở làm việc để tạo cơ hội cho nguồn nhân lực trẻ được trau dồi và phát triển kĩ năng, kinh nghiệm làm việc trong thời đại mới.

Các cơ sở giáo dục, đơn vị đào tạo cần điều chỉnh và cập nhật chương trình đào tạo, nội dung đào tạo, phương pháp và trang thiết bị phục vụ giảng dạy, tăng cường kiến thức thực tiễn để phù hợp với quá trình hội nhập khu vực và thế giới.

Điều cũng rất quan trọng đó là thực thi các chính sách: Quán triệt nhận thức của lao động Việt Nam phải làm việc chuyên nghiệp, suy nghĩ, thái độ và cam kết hành động. Thay đổi suy nghĩ và tư duy tích cực về lao động công bằng, cạnh tranh. Thực hiện các chính sách đảm bảo sự công bằng trong lao động, khuyến khích lao động hiệu quả, công bằng và văn minh…

Nhà nước, trường học, doanh nghiệp cũng phải “vào cuộc” thế nào trong chính sách trọng dụng nhân tài, theo ông?

Chính sách trọng dụng nhân tài là chính sách của đất nước và hiện nay đã và đang được Đảng, Nhà nước quan tâm. Chúng ta phải dựa vào hoàn cảnh thực tế và không ngừng điều chỉnh, đổi mới để đảm bảo tính hiệu quả và thích ứng.

Để làm điều này, từ góc độ kích thích người lao động, tôi cho rằng cần trả lương cho nhân tài dựa trên hiệu quả công việc và thường xuyên điều chỉnh, đảm bảo cạnh tranh với khu vực nhà nước, trường học, doanh nghiệp.

Việc bổ nhiệm chức danh, chức vụ, tạo điều kiện thăng tiến trong công việc không chỉ dựa trên thâm niên hay tuổi tác (dù có quan tâm đến vấn đề này ở văn hóa Việt Nam). Hay cũng cần chú trọng đến vấn đề chăm sóc sức khỏe tinh thần và động viên thường xuyên, liên tục cho nhân tài, người lao động.

Ngoài ra, chính sách tạo môi trường làm việc tốt phải đảm bảo nuôi dưỡng, bảo vệ và phát triển nhân tài. Nhân tài cần được giao nhiệm vụ tương xứng và phù hợp với tài năng; được tôn trọng, ghi nhận, tôn vinh cống hiến của họ. Tất cả cần phải cụ thể và đảm bảo kích thích cả động cơ bên ngoài và động cơ bên trong của người lao động.

Hay cũng cần đẩy mạnh chính sách thu hút nhân tài là Việt kiều, du học sinh trở về phục vụ đất nước dưới nhiều hình thức khác nhau như: sinh sống và làm việc toàn thời gian hoặc trong một thời gian nhất định ở trong nước; sống ở nước ngoài nhưng tham gia tư vấn, tham mưu, kiêm nhiệm. Nhất là cần lưu ý khai thác về chỉ số sản phẩm, chất lượng sản phẩm để phá vỡ việc làm việc trực tiếp như bắt buộc hay các quy định về hội họp, điểm danh quá chặt.

Để “chắp cánh” cho người lao động, theo ông, vai trò của ngành giáo dục nên ở vị trí như thế nào?

Vai trò của ngành giáo dục không chỉ đơn giản là truyền đạt kiến thức, mà còn giúp người lao động trang bị các kỹ năng để hội nhập toàn cầu. Giáo dục hướng tới phát triển cá nhân một cách tổng thể. Người lao động không chỉ học để có điểm cao, thi đỗ mà phải có phẩm chất và năng lực của công dân thế kỷ 21, đặc biệt là các phẩm chất và năng lực tương ứng.

Ngành giáo dục đã và đang có những thay đổi, hướng đến sự đóng góp cho người lao động đảm bảo làm việc chuyên nghiệp, biết tự tạo việc làm, không ngừng đổi mới, sáng tạo. Và điều quan trọng nhất là phải đào tạo đúng chuẩn, đạt chuẩn và dự phòng sự thích ứng, thích nghi, rèn luyện bản lĩnh làm việc toàn cầu.

Nhưng chân lý quan trọng là chắp cánh chỉ hiệu quả nếu chủ thể phải quyết tâm, hết lòng, hết sức nhất là không ỷ lại, không chủ quan và không được phép ngừng thách thức chính mình.

Xin cảm ơn ông!