Anh Phạm Công Pha. |
Họ là những ông bố, bà mẹ buộc lòng phải để lại gia đình nhỏ của mình tại Việt Nam để tìm kiếm một công việc tốt hơn ở Đài Loan (Trung Quốc). Tuy nhiên, cuộc sống của họ tại đây là một cuộc vật lộn để chống chọi với sự cô đơn, thiếu thốn, đôi khi là sự vô tâm của giới chủ và những kẻ môi giới…
Khi bị “đem bỏ chợ”
Làm việc tại Đài Trung, Đài Loan (Trung Quốc) cho một công ty sản xuất nhựa đã gần 3 năm, dù hợp đồng lao động sẽ kết thúc vào tháng 12 tới, nhưng Phạm Công Pha (quê Hải Dương) không có ý định đăng ký ở lại thêm 3 năm nữa. Lý do mà Pha đưa ra là khoản tiền anh kiếm được trong vòng 3 năm dường như chỉ đủ bù lại số tiền ban đầu anh phải đầu tư để nhận được một công việc ở xứ Đài.
Pha cho biết, gia đình anh phải chạy vạy khắp nơi mới có được khoản tiền 120 triệu đồng để nộp cho công ty môi giới lao động, chưa kể các chi phí cho quá trình học ngoại ngữ. Trước khi sang đây, anh được họ hứa hẹn mức lương hấp dẫn của nghề cơ khí, được lo chỗ ăn ở tử tế với giá cả phải chăng. Và rồi, Pha nhận được công việc chuyên sản xuất về nhựa vốn không có kinh nghiệm. Công ty của anh chỉ có hai người Việt, chủ yếu là người Indonesia. Họ được xếp ở chung với nhau trong những phòng trọ chật hẹp và tự túc ăn uống.
Nhận mức lương khoảng 13 triệu đồng/tháng, trừ đi rất các khoản chi phí khác như bảo hiểm, thuế, ăn ở sinh hoạt, môi giới…, tháng nào tiết kiệm nhất Pha chỉ để lại được 8 triệu đồng. Theo anh, môi trường làm việc Đài Loan (Trung Quốc) nghiêm túc, nhưng cái khó khăn nhất với họ là không nhận được sự quan tâm của đơn vị môi giới và nhiều công ty còn trả lương không theo quy định của Đài Loan. Vì vậy, có rất nhiều lao động Việt phải “tự bơi” hoặc bỏ việc, tìm cách ra làm ngoài dù biết là vi phạm quy định.
“Nhiều người sang đây như bị đem bỏ chợ. Ai may mắn gặp được công việc tốt, chủ và bên môi giới đối xử tử tế thì hàng tháng mới có một khoản tiền kha khá gửi về cho gia đình. Tôi nhớ vợ và hai con rất nhiều, nhưng tôi phải tiếp tục kiếm tiền gửi về nhà để trả số nợ ban đầu và lo cuộc sống. Vì thế, tôi phải chấp nhận làm hết hợp đồng mới trở lại Việt Nam”, Pha tâm sự.
Chỉ mong được tăng ca
Đó là ước muốn giản dị của Nguyễn Thị Tuyên (quê Bắc Ninh), người phụ nữ phải rời cậu con trai 10 tuổi của mình sang xứ Đài mưu sinh. Tuyên có lẽ may mắn hơn Pha vì chị tìm được một công việc tốt hơn tại một công ty chuyên may đồ da trang bị cho ngựa ở Đài Trung với mức lương khoảng 18 triệu đồng/tháng. Như vậy, trừ đi các khoản chi phí khác thì mỗi tháng chị cũng có thể giữ lại được khoảng 12 triệu đồng gửi về nuôi con và gia đình.
Cảnh tan ca làm của nữ công nhân Việt. |
Cách đây một tháng, khi kết thúc hợp đồng lao động 3 năm, Tuyên đã trở về Việt Nam thăm gia đình rồi quyết định trở lại làm thêm 3 năm nữa. Với chị, công việc đang có được bên này dù sao cũng cho thu nhập tốt hơn ở Việt Nam. Là bà mẹ phải xa con thơ và kiếm sống ở xứ người, chị gặp khó khăn gấp nhiều lần những người đàn ông xa xứ. Cũng may, xung quanh chị còn có bạn nữ Việt Nam đồng cảnh ngộ để chia sẻ, người làm cùng công ty, người làm việc tại các viện dưỡng lão, có người lại đi giúp việc cho các gia đình ở đây.
Không chỉ Tuyên mà hầu hết các lao động Việt Nam ở xứ Đài đều thích “tăng ca”. Điều này có nghĩa họ sẽ kiếm thêm được một khoản tiền dư ra để gửi về quê. Với họ, môi trường lao động ở đây an toàn, công việc không quá vất vả nên ai cũng muốn được bận rộn và có nhiều việc làm hơn.
Và những hy vọng
Tuy nhiên, với những người vừa mới đặt chân đến Đài Loan thì công việc tại đây vẫn còn hấp dẫn và nhiều kỳ vọng. Thực tế, thông tin từ Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan cho biết, sáu tháng đầu năm 2014, có khoảng 34.000 lao động sang Đài Loan, chiếm 62% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Một trong những phòng trọ của công nhân Việt tại Đài Trung. |
Bùi Ngọc, một lao động tại Đài Bắc cho biết, trước mắt, anh thấy tạm hài lòng với công việc mới tại một công ty sản xuất giấy và đồ xốp với mức lương khoảng 14 triệu đồng/tháng. Tại đây, anh được công ty sắp xếp ăn ở trong một phòng 20m2 cùng với 4 người Việt Nam khác. Dù mức lương này còn thấp khi trừ đi các khoản chi phí khác, nhưng anh vẫn thấy mình còn may mắn hơn nhiều lao động khác. “Rất nhiều người bạn của tôi muốn bỏ ra ngoài làm vì công ty của họ làm ăn kém, trả lương rất thấp. Trong khi đó, bên môi giới thì không có trách nhiệm gì, có người được đưa sang 2-3 tháng, họ lại cho về nước. Chỉ mong những người có ý định đi xuất khẩu lao động tỉnh táo hơn trong việc ký hợp đồng và lựa chọn đối tác môi giới. Thực tế, vẫn có những công nhân được giới thiệu làm công việc tốt với mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng”, anh chia sẻ.
Hy vọng cải thiện cuộc sống của Bùi Ngọc và nhiều công nhân khác là có cơ sở vì mới đây, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho biết, Cục đang triển khai các biện pháp siết chặt quản lý lao động, tập trung chấn chỉnh doanh nghiệp và kiểm soát chi phí của người lao động sang Đài Loan. Gần đây, 11 công ty Việt Nam đã bị tạm dừng việc đưa lao động sang Đài Loan từ 45-60 ngày do thu phí, trừ tiền các khoản phí người lao động sai quy định. Hàng chục công ty môi giới Đài Loan cũng đã bị Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội tạm dừng không thời hạn việc tiếp nhận hồ sơ lao động Việt Nam do tổ chức thu phí cao hơn quy định nhiều lần.
HẢI THANH