TIN LIÊN QUAN | |
Hòa nhạc “Giai điệu mùa Thu” 2018 | |
Dàn nhạc giao hưởng trong phòng khách |
Nhiều người biết đến nhạc trưởng Lê Phi Phi không chỉ vì tài danh mà còn vì anh là con trai của cố nhạc sĩ cách mạng nổi tiếng Hoàng Vân...
Nghệ sĩ là công dân toàn cầu
Từng tốt nghiệp Khoa Lý luận và Chỉ huy dàn nhạc của Nhạc viện Hà Nội, Lê Phi Phi tiếp tục theo học và tốt nghiệp xuất sắc tại Nhạc viện P.I.Tchaikovsky (Nga). Sinh ra trong một gia đình truyền thống âm nhạc ở Việt Nam, nhưng anh luôn quan niệm nghệ sĩ biểu diễn là những công dân toàn cầu và mang âm nhạc đi khắp nơi như một sứ mệnh.
Anh từng tâm sự: “Chúng tôi là con người của toàn cầu – một địa chỉ thường trú thật đúng với nghĩa đen của nó. Mang âm nhạc đi khắp nơi cũng là điều mang lại cảm hứng tươi mới, khiến đời sống chúng tôi có nhiều trải nghiệm thú vị”. Suy nghĩ của anh cũng luôn được cha anh khi còn sống ủng hộ và khích lệ anh cố gắng không ngừng trên con đường sự nghiệp.
Nhạc trưởng Lê Phi Phi. |
Sau khi học tại Nga, Lê Phi Phi được mời làm chỉ huy thường trực của Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Macedonia từ năm 1993 - 2000. Suốt khoảng thời gian sau, anh có cơ hội làm việc với nhiều dàn nhạc đến từ các quốc gia khác như: Dàn nhạc Đài phát thanh và truyền hình Belgrad (Serbia), Nhà hát Vũ kịch Tirana (Albania), Dàn nhạc giao hưởng Đài phát thanh và truyền hình Albania, Dàn nhạc giao hưởng Vidin (Bulgaria), Dàn nhạc giao hưởng Nis (Serbia), Dàn nhạc vũ kịch trực thuộc Nhạc viện Tchaikovsky (Nga), Dàn nhạc giao hưởng Kosovo, Dàn nhạc Jyvaskyla sinfonia (Phần lan)...
Từ năm 2007 - 2012, Lê Phi Phi được mời làm chỉ huy trưởng thường trực của Dàn nhạc giao hưởng thành phố Nis (Serbia). Anh có tới hàng ngàn buổi biểu diễn tại Macedonia cũng như các nước như: Nga, Pháp, Đức, Italy, Hy Lạp, Thụy Điển, Albania, Bulgaria, Phần Lan... Hiện nay, anh vừa giảng dạy tại Học viện âm nhạc quốc gia Macedonia, vừa là Nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc của Trung tâm Nhạc và vũ kịch Ilia Nikolovsski-Lui, chỉ huy cộng tác với Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Macedonia và Nhà hát vũ kịch Macedonia.
Sống xa quê hương và gia đình, nhưng Lê Phi Phi rất may mắn khi có duyên kết hôn với nghệ sĩ violin Lidia Dobrevska tại Macedonia. Vợ anh chính là người đồng nghiệp đi theo anh và chia sẻ mọi khó khăn, vất vả trên chặng đường lao động nghệ thuật ở xứ người. Khi được hỏi một nghệ sĩ Việt sẽ duy trì cuộc sống gia đình ở nước ngoài như thế nào, anh kể mình vẫn trang trí nhà hoàn toàn thuần Việt, đồ gỗ đều đặt từ Việt Nam sang từ bộ tủ chè, sập gụ khảm trai, đến tranh, ảnh... Gia đình anh cũng thường xuyên nấu cơm Việt. Thậm chí, anh còn huấn luyện con trai ăn nước mắm và vợ rất thích các ăn món Việt Nam.
Nhạc trưởng Lê Phi Phi trong một buổi hòa nhạc tại Việt Nam. |
Quê hương luôn trong tim
Bận rộn với lịch trình biểu diễn ở nước ngoài, nhưng từ năm 1995, Lê Phi Phi đã thường xuyên về Việt Nam làm nhiều chương trình hoà nhạc từ thiện, cộng tác chặt chẽ với các dàn nhạc trong nước như Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam, Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam, Nhà hát nhạc vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh, Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội.
Gần như chuyến lưu diễn nào tại quê hương anh cũng đưa cả vợ và con trai về thăm gia đình và kết nối với quê hương. Anh còn là chiếc cầu nối chặt chẽ giữa các nghệ sĩ Việt Nam đang sống và làm việc ở nước ngoài với các đơn vị biểu diễn trong nước.
Năm nay, Lê Phi Phi lại tiếp tục trở về với Hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi nhằm mục đích tôn vinh các tác giả, tác phẩm âm nhạc cổ điển của Việt Nam. Tuy nhiên, có một sự khác biệt là nếu như các năm trước, buổi hòa nhạc luôn có sự góp mặt của cha anh, thì năm nay với anh là một khoảng trống rất lớn. Sự trống vắng này còn ảnh hưởng trực tiếp đến cả khâu chuẩn bị vì khi làm bất kỳ chương trình gì ở Việt Nam, anh cũng hỏi ý kiến ông về tác phẩm, tác giả, nghệ sĩ biểu diễn. Như bù lại, Điều còn mãi 2018 sẽ dựng hai tác phẩm của cố nhạc sĩ Hoàng Vân là hợp xướng, lĩnh xướng Việt Nam muôn năm và ca khúc Hát về cây lúa hôm nay. Đó cũng là sự tri ân của chương trình dành cho nhạc sĩ tài danh của Việt Nam.
Lê Phi Phi cũng chia sẻ, tuy học tập và làm việc ở nước ngoài nhưng trước đây, năm nào anh cũng về Việt Nam hai lần, có khoảng thời gian tới ba tháng để sống với cha mẹ. “Việt Nam luôn là địa điểm đầu tiên tôi nghĩ đến và lên lịch biểu diễn hàng năm của mình. Ở xa, nhưng tôi luôn hướng về Tổ quốc và mong muốn đóng góp hết mình cho sự nghiệp phát triển nền âm nhạc cổ điển ở Việt Nam”, anh nói.
Nghệ sỹ Việt phát động dự án âm nhạc cộng đồng về chủ quyền Biển Đông Bức tâm thư kêu gọi giới nghệ sỹ và tất cả người dân Việt Nam tham gia dự án âm nhạc cộng đồng lớn nhất từ ... |
Giai điệu của người "nhập cư" Một nghệ sĩ tuồng, ba nhạc công và rất nhiều người bán hàng rong trên phố... Những câu chuyện của họ với Thủ đô Hà ... |
Thần đồng Piano của Anh Lavinia Ramirez đã thể hiện tài năng chơi đàn piano điêu luyện của mình và được ngợi khen như một nhạc công nhí tài ba, ... |