Nhà báo Hoàng Minh Trí - Báo Công an nhân dân |
Gần đây, người ta nói nhiều hơn đến hai từ “tử tế” trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Có người cho rằng, trong xã hội này, niềm tin và sự tử tế là hai thứ xa xỉ. Càng giàu vật chất lại càng khan hiếm sự tử tế. Anh nghĩ thế nào về quan điểm này?
Tôi tin rằng những người đang lạm dụng mạng xã hội, cụ thể ở đây là Facebook thì họ sẽ có nhãn quan như vậy. Ở đó, người ta lan truyền nhau những bi kịch xã hội, những mảng xám xã hội và tất nhiên điều xấu lan truyền rất nhanh. Tôi không tin sự tử tế là xa xỉ. Lòng tốt không bao giờ hết khi vẫn còn con người.
Tất nhiên, vì một lý do nào đó mà khi sự tử tế không được lan truyền, người ta nghi ngờ cả lòng tốt. Thực sự với những người làm điều tử tế, họ không hành động để... kể chuyện. Bạn bè tôi có nhiều người như vậy. Họ lăn xả cứu người tai nạn ngoài đường. Họ bỏ công ăn việc làm để gây quỹ phẫu thuật cho trẻ em nghèo. Họ túc tắc nuôi dăm bảy sinh viên nghèo học giỏi. Họ bất chấp nguy hiểm đi vào vùng lũ để vận chuyển lương thực cho người dân... Họ muốn được lặng lẽ làm.
Nếu chúng ta tiếp tục bi quan, có lẽ khó lòng nhấc một cánh tay.
Giới trẻ thường hay than thở rằng con người ngày càng sống nhạt. Tại sao lại như vậy, thưa anh?
Giá trị cũng như quan niệm sống ngày nay thay đổi quá nhiều, nó nặng về vật chất. Nói đúng hơn là chủ nghĩa vật chất đang được nhiều bạn trẻ đặt lên trên như một quan niệm sống. Bởi họ sống lọt thỏm trong môi trường đó nên càng dễ bi quan khi không thực hiện được giấc mơ tiền bạc như người ta hay phải chứng kiến trên mạng xã hội.
Cuộc sống ảo làm thay đổi tư duy cũng như nhận thức với những người thiếu kinh nghiệm sống. Họ “đắm đuối” vào cuộc chơi đó và quên nạp thêm năng lượng văn hoá là đọc sách, nghe nhạc, giao lưu ít màu tiền bạc. Người ta tự nhốt mình vào thứ nhạt nhẽo cô đơn đó để rồi họ tự nghĩ rằng con người đối xử với nhau ngày càng... nhạt!
Chuyện tử tế dường như vẫn là vấn đề thời sự đối với xã hội. (Nguồn: CAND) |
Vừa qua, khi nhiều nhân vật nổi tiếng chung tay làm từ thiện, kêu gọi mọi người quyên góp để giúp dân vùng lũ lại bị chỉ trích là “làm màu”, là đánh bóng tên tuổi. Phải chăng làm người tốt thời nay cũng chẳng dễ, phải không anh?
Tôi rất thích một câu nói được cho là của văn hào William Shakespeare: “Lòng tốt là thứ khiến người khiếm thị cũng có thể nhìn thấy và người điếc cũng có thể nghe thấy”.
Tôi cho rằng, mọi lời lên án người làm việc thiện tâm đều có một cái tâm chưa đủ sáng. Sự nghi ngờ có thể làm mờ đi nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống. Làm việc thiện, trước hết, người nghèo được hưởng lợi tại thời điểm cần thiết. Tiếp đó, việc thiện làm nhân rộng sự tử tế. Còn cứ đứng đó không làm gì và tiếp tục nghi ngờ thì đó hiển nhiên chẳng hay ho gì. Không nói gì cũng đã là giúp cho người có lòng.
Ngay bản thân tôi đã từng có ám ảnh ký ức về cái đêm được một người nhặt rác đưa vào bệnh viện sau vụ tai nạn cách đây chục năm. Tôi đã đi tìm bác suốt nhiều năm nhưng đều vô vọng. Tôi cũng không muốn xóa đi vết sẹo dài 4cm trên gương mặt – hậu quả của vụ tai nạn ấy.
Hàng ngày đi qua ngã tư ấy, tôi luôn cố hình dung ra gương mặt ân nhân Chắc hẳn, bà rất phúc hậu và cho tôi niềm tin mạnh mẽ vào lòng tốt của con người luôn hiện hữu. Cuộc sống quá mong manh để kịp hoài nghi lẫn nhau.
Chuyện tử tế dường như vẫn là vấn đề thời sự đối với xã hội. Nhiều người đặt câu hỏi là sống tử tế thì được gì? Trong sự lên ngôi của "chủ nghĩa vật chất" thì theo anh, làm cách nào để lan tỏa những điều tử tế trong xã hội?
Người có tâm làm điều tử tế, tôi tin họ không mong muốn nhận lại điều gì cho mình. Được gì ư? Họ được nhiều lắm, là ánh mắt, là nụ cười, là sự biết ơn. Hạnh phúc là làm cho nhiều người hạnh phúc. Để lan toả được điều tử tế cho xã hội trước hết cần có ánh nhìn xã hội thoáng rộng, sự sân si làm tím tái tâm can.
Một vĩ nhân từng nói, đại ý rằng: Xã hội sẽ trở nên tồi tệ không phải bởi quá đông kẻ xấu, còn bởi sự im lặng của những người tử tế.
Không ít người luôn bi quan cho rằng sự tử tế, lòng tốt đang chạm ngưỡng tuyệt chủng. Nhưng theo tôi bất kể thiên đường hay mảnh đất nào có sự hiện diện của loài người thì nơi ấy hiển nhiên luôn tồn tại những điều tốt đẹp và cả xấu xa.
Mỗi người lùi lại một chút, yêu mến nhau bằng sự tử tế giữa con người với con người và hạn chế dùng mạng xã hội như chỗ buông xả. Chỉ cần thế thôi, cuộc sống đã đẹp rồi.
Xin cảm ơn anh!