GS.TS Ngô Đức Thịnh (hàng đầu, thứ hai từ trái) trong buổi giao lưu Lên đồng giữa Việt Nam và Hàn Quốc tại Phủ Giầy, Nam Định. |
Vẻ đẹp Đạo Mẫu
Người Việt có câu: "Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ" như nhắc nhở đến ngày "Quốc lễ" của dân tộc. Bởi từ lâu ngày giỗ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn mà dân gian gọi là Đức Thánh Trần vào ngày 20/8 Âm lịch được gọi là “Giỗ Cha”. Ngày 3/3 là ngày giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh được tôn vinh như người Mẹ. Đó chính là những nhân vật có thật, được lịch sử hóa trong tín ngưỡng thờ Mẫu.
Bên cạnh đó, Đạo Mẫu còn là đạo thờ Mẹ: người Mẹ ở đây không chỉ là người Mẹ của nhân vật có thật, được lịch sử hóa, mà còn là Mẹ Tự nhiên. Việc tôn thờ Mẫu không chỉ với tư cách là hiện thân của bản thể tự nhiên (Mẹ Mưa, Mẹ Mây, Mẹ Sấm, Mẹ Chớp - Mẹ Tứ Pháp; Mẹ Kim, Mẹ Mộc, Mẹ Thủy, Mẹ Hỏa, Mẹ Thổ - Mẹ Ngũ Hành) mà còn là lực lượng cai quản tự nhiên (Mẫu Thiên: cai quản vùng trời, Mẫu Địa: cai quản vùng đất, Mẫu Thoải: cai quản vùng sông nước, Mẫu Thượng Ngàn: cai quản vùng núi rừng- Mẫu Tứ phủ). Mẫu, hiện thân của người "Mẹ Tự nhiên" ấy có thể che chở, mang lại những điều tốt lành cho con người.
GS.TS. Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng, Ủy viên Hội đồng di sản Quốc gia, Phó chủ tịch Hội đồng Folklore châu Á, cho biết thêm: "Khác với Kito giáo và Phật giáo, Đạo Mẫu không hướng chính con người và niềm tin của con người về thế giới sau khi chết, mà là hướng vào thế giới hiện tại. Thế giới mà con người cần phải có sức khỏe, tài năng để tồn tại. Tôn vinh Đạo Mẫu và người ta cầu sức khỏe - tài - lộc. Vì vậy, Đạo Mẫu càng gần gũi và có sức sống mãnh liệt trong đời sống con người".
Nghệ thuật "diễn xướng" độc đáo
Lên đồng (Hầu đồng, Hầu bóng) là một nghi thức của đạo Mẫu, là sự tái sinh của thần linh. Trong buổi Lên đồng, những nhân vật lịch sử được thần thánh hóa, có thần thánh được lịch sử hóa... hiện diện bằng hiện tượng nhập hồn nhiều lần của các thần linh trong Đạo Mẫu Tứ phủ vào các "bà đồng" hay "ông đồng" - những người có "căn đồng" bị các thần thánh trên "bắt lính", tức ra trình đồng. Trong khi các thần thánh nhập, con người có thể cầu sức khỏe - tài - lộc.
Cái hay và độc đáo ở Lên đồng có lẽ là chưa có loại hình nghệ thuật nào trên thế giới đạt đến mức diễn viên và khán giả, không tập luyện với nhau giờ nào, mà có sự phối hợp hoàn hảo. Khán giả đồng điệu, không cần ai nhắc, không cần nhạc trưởng, tất cả hết mình "diễn xướng" cùng với các "vai diễn" trên Đàn (sân khấu nhỏ nhưng rất thấp). Trên "diễn" như diễn kịch, dưới hòa nhịp "xướng"…
Lên đồng (Gánh Chầu) có 36 giá. Giá hiểu nôm như là những "vai diễn" của các kịch (mỗi lần vị Thánh nào đó nhập hồn vào Thanh Đồng, rồi thăng đồng thì gọi là một giá đồng). Hiện tại, trung bình một buổi lên đồng chỉ còn khoảng 10 giá.
Một bảo tàng sống động
Nói về Lên đồng, TS. Frank Proschan đánh giá: "Hơn bất kỳ quyển sách khô cứng, bức tranh hay bức tượng nào, Lên đồng là một bảo tàng sống động... Những người tham gia hầu đồng chính là những người quản lý bảo tàng và bảo vệ cho văn hóa Việt Nam. Việc làm của họ đảm bảo cho các thế hệ tương lai vẫn sẽ tiếp tục có cơ hội được chiêm ngưỡng những khía cạnh khác nhau của văn hóa Việt Nam".
Dân gian có câu "Thứ nhất ngồi đồng, thứ nhì lấy chồng quan" để lột tả sự hồ hởi tận hưởng sau mỗi buổi Lên đồng. Đặc trưng Đạo Mẫu là có lễ, vật, tiền dâng. Vui nhất là khi ông, bà đồng, được nhập Thánh phán truyền và ban phát cho con người. Con người nhận lộc từ Thánh: Lộc rơi, lộc vãi theo quan niệm dân gian là linh thiêng, "một chút lộc Thánh còn hơn gánh lộc trần", làm an lòng người.
Tuy nhiên, Lên đồng cũng đang bị người ta lợi dụng mang lợi ích cá nhân. Một số ông, bà đồng, chủ đền đã cấu kết với người làm vàng mã, yêu cầu thật nhiều, hay bệnh chơi trội ông, bà đồng là phải vung nhiều tiền… đã gây ảnh hưởng xấu và làm những người bình dân không có khả năng tham gia Lên đồng và ngày càng xa dần chính đạo.
"Có tâm, tâm mới mọc"
Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, trước đây các Thanh đồng chỉ cần áo dài, khăn phủ diện màu đỏ. Lễ vật đủ chỉ cần hoa, quả, bánh trái, đồ vật với màu sắc phù hợp với từng nhân vật, bữa tiệc của các thành thần mà dâng. Trong sách Phật, Đạo Mẫu đều nói: "Lòng thành thắp một nén nhang. Lòng thành thấu đến trời xanh".
Thanh đồng Nhật Hồng cũng cho biết, khi hiển Thánh, các thánh không đòi hỏi nhiều lễ vật. Cái chính là "Có tâm, tâm mới mọc", nhưng khi làm, lễ nên đủ. Nếu trả nợ bốn phủ, bên cạnh ít hoa, quả, vàng mã, tiền lẻ, có thêm như ngựa, voi, thuyền rồng. Không cần to vì thần thánh hô mọi thứ nhỏ sẽ biến thành to.
Ngay trong hướng dẫn lễ vật Lên đồng vàng mã, nhà Trần cũng đề rõ: Vàng mã nhà Trần không được quy định như bốn phủ vì không có nợ hay mở phủ nhà Trần. Chỉ cần chục vàng lá, trăm vàng đại thiếc là hành lễ được.
Cùng với sự phát triển của đất nước, sự đổi mới về nhận thức và hành động trong việc bảo vệ di sản văn hóa dân tộc, nghi thức Lên đồng ngày càng được nhìn nhận đúng. Tuy nhiên, để phát huy giá trị di sản một cách bền vững luôn đặt ra thách thức cho chủ thể và cộng đồng.
Minh Hòa