Cách đây đã khá lâu, tôi cùng mấy bạn Đan Mạch và Việt Nam đến thăm mảnh đất địa đầu Tổ quốc, nơi có làng Cực Bắc là Lũng Cú. Chúng tôi leo lên những núi và cao nguyên trùng trùng điệp điệp, có nơi hẻm sâu 1000m như hẻm sông Nho Quế, lên đèo Mã Pí Lèng (yên ngựa) ở huyện Mèo Vạc tít trên núi cao, theo nhiều con đường bò quanh sườn núi, bên vách đá cheo leo bên vực thẳm, chỉ cần anh lái xe sẩy tay một chút là toi mạng. Quang cảnh vùng hiểm trở nhất nước này nói lên sức bám núi mà sống của nhân dân ta, tôi chợt hiểu thâm ý câu nói của anh Viện: qua bao nghìn năm đấu tranh để sinh tồn, tổ tiên ta đã phải đổ bao mồ hôi và xương máu để cắm được cái mốc Lũng Cú thay cho cột “đồng trụ” của Mã Viện.
Đi ô tô chạy veo veo trên con đường nhựa từ Tuyên Quang lên Cổng trời Quảng Bạ, tôi nhớ lại cách đây hơn nửa thế kỷ, trong kháng chiến chống Pháp, tôi đã từng lẽo đẽo đi bộ dẫn một đoàn hàng binh Âu – Phi đến đây để đi tiếp sang Vân Nam, ở lại làng Bản Long đợi đi Khai Viễn, lên xe lửa sang cư trú ở các nước bạn Đông Âu. Ở bên Việt Nam thường ban ngày nghỉ trong các làng gần đường, tối đi tới khuya. Sang đất Trung Quốc, phải đi hàng tháng trên các đường mòn. Nay xem các huyện lỵ trên đường cái trải nhựa hoặc trong các thung lũng sâu ở Việt Nam, nhà gạch mái bằng nhan nhản, các trụ sở cơ quan đẹp đẽ, thật quả là khác xưa.
Hà Giang (cùng Tuyên Quang) là tỉnh thượng du, tỉnh của sông Lô (và chi nhánh là sông Gâm), gồm khoảng 22 dân tộc, người thiểu số đông nhất là H’Mông, Tày, Dao, người Kinh có thể ít hơn. Người H’Mông (Mèo) sống từng làng từ vài nhà đến vài chục nhà ở sườn núi hay thung lũng độ cao 800-1600m, qua Cổng Trời, họ di cư từ Tây Nam Trung Quốc sang từ mấy thế kỷ nay. Họ ở nhà đất, trồng ngô (trước kia nhiều cây thuốc phiện). Người Dao (trước gọi là Mán) cùng nguồn gốc với người H’Mông có mặt ở Việt Nam từ thế kỷ XIII. Họ có trang phục phụ nữ đặc sắc nhất, do đó có tên gọi từng nhóm (quần chẹt, quần trắng, thanh y, tiền...). Họ sống vùng cao dưới người H’Mông, làm nương rẫy. Người Tày thuộc nhóm ngôn ngữ Tày-Thái đã liên minh với người Việt cổ từ thời Hùng Vương. Họ giỏi làm lúa nước, ở nhà sàn, mỗi bản từ 20 đến 70 nhà ở chân núi, ven suối.
Ở thị xã Hà Giang (nay là thành phố), đoàn ca múa nhạc tỉnh diễn cho chúng tôi xem một chương trình của nhiều dân tộc. Có hai tiết mục rất gây ấn tượng, tôi chưa từng được xem ở Hà Nội. Múa của người Dao Tà Pan vào dịp lễ lập tịnh để công nhận trai gái thiếu niên đã bước sang tuổi trưởng thành. Điệu múa lửa của người Pà Thẻng có ý nghĩa tẩy uế được cách điệu hóa.
Ở gần huyện lỵ Bắc Quang, chúng tôi đến thăm thôn Mỹ Bắc xã Tân Trịnh của người Pà Thẻng, thuộc hệ H’Mông-Dao. Trước đây, người Pà Thẻng (Bát tỉnh=8 họ) tránh giao tiếp với các dân tộc khác, thường dựng thôn ở sườn núi, trong rừng tre nứa, họ có tục đàn bà đẻ đứng, đàn ông chôn ngồi, có một số ván dựng quanh, không có áo quan. Dân Mỹ Bắc (93 họ, 560 nhân khẩu) tách ra khỏi xã gốc bên kia núi sang lập nghiệp ở đây mới vài chục năm mà đã phồn thịnh hơn xã gốc.
Ở sát huyện lỵ Mèo Vạc, có làng Lô Lô, tuy là vùng của người H’Mông. Người Lô Lô thuộc hệ ngữ Hán-Tạng nhóm Tạng-Miến. Trước kia, họ dùng chữ nho để ghi sách cúng và các văn bản. Họ trồng ngô trên nương, trong hốc đá, trồng xen các loại rau cải, dưa chuột, đậu răng ngựa, ớt, tỏi. Trống đồng Lô Lô là sản phẩm cổ truyền độc đáo, được chôn dưới đất, chỉ khi tang ma lễ hội mới dùng đến.