📞

Lệnh cấm LNG Nga chưa thể thực hiện bởi Moscow và châu Âu vẫn 'cần có nhau'

Việt An 10:19 | 20/04/2024
Ngày 19/4, Acer - cơ quan giám sát năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) - cho biết, những nỗ lực nhằm hạn chế khối lượng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) kỷ lục từ Nga của châu Âu “cần được tiếp cận một cách thận trọng”.
Phần lớn các nước thành viên EU đã chuyển hướng ngừng mua khí đốt qua đường ống của Nga bằng cách tăng cường mua LNG. (Nguồn: Kyodo)

Acer khuyến cáo: “Việc giảm nhập khẩu LNG của Nga nên được xem xét theo từng bước”.

Cơ quan này đồng thời nhấn mạnh khó khăn của EU trong việc cân bằng an ninh năng lượng với nỗ lực tác động đến tài chính của Moscow bằng cách cắt giảm mua khí đốt.

Đóng vai trò chủ đạo trong việc điều phối các cơ quan quản lý quốc gia, Acer luôn giám sát chặt chẽ thị trường năng lượng của châu Âu để phát hiện những diễn biến bất lợi.

EU đã thành công trong việc thay thế khí đốt qua đường ống của Nga sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đầu năm 2022.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lo ngại khi thị trường năng lượng đã biến động mạnh trong năm nay, trong bối cảnh lo ngại về khả năng leo thang trong cuộc chiến giữa Israel với Hamas và đối đầu giữa Israel với Iran.

Phần lớn các nước thành viên EU đã chuyển hướng ngừng mua khí đốt qua đường ống của Nga bằng cách tăng cường mua LNG từ nước này hoặc các nhà cung cấp khác.

Moscow hiện là nhà cung cấp LNG lớn thứ hai cho khối sau Mỹ, chiếm 16% tổng lượng nhập khẩu vào năm ngoái.

Theo nhà cung cấp dữ liệu Kpler, 15,5 triệu tấn LNG của Nga được các quốc gia EU mua vào năm ngoái, cao hơn gần 40% so với tổng lượng vào năm 2021.

Các nhà ngoại giao EU cho biết, các quốc gia bao gồm Thụy Điển, Phần Lan và các nước vùng Baltic đang thúc đẩy EU áp đặt lệnh cấm hoàn toàn ngay lập tức đối với LNG của Nga - một bước đi đòi hỏi sự nhất trí của các quốc gia thành viên.

Các quan chức của các quốc gia thành viên dự kiến sẽ vận động Ủy ban châu Âu về kế hoạch này vào tuần tới.

* Ngược lại, đối với Nga, EU vẫn là điểm đến của gần một nửa lượng sản lượng khí LNG xuất khẩu.

Đặc biệt, 75% khối lượng LNG xuất khẩu từ nhà máy Yamal khổng lồ được dành cho thị trường châu Âu vào năm 2023.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), việc áp dụng mức giá trần 17 Euro/MWh trên toàn cầu có thể khiến doanh thu liên quan đến xuất khẩu LNG của Nga giảm 60% vào năm 2023.

CREA đề nghị áp dụng mức giá trần này ngay ở EU cho đến cuối năm 2027 - tức thời điểm European RepowerEU đã hoàn toàn thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga theo kế hoạch trước đó.

(theo Financial Times, AFP)