📞

Libya: Nguy cơ bùng phát xung đột do tranh chấp dầu mỏ

10:11 | 14/09/2016
Các phe phái đối địch đang tranh giành quyền kiểm soát các cảng và mỏ dầu ở miền Đông nước này.
Tướng Khalifa Haftar. (Nguồn: Reuters)

Theo một nguồn tin quân sự công bố ngày 13/9, các lực lượng trung thành với Tướng Khalifa Haftar ở miền Đông Libya tiếp tục chiếm thêm cảng dầu Brega ở khu vực được xem là “vựa dầu” của quốc gia Bắc Phi này.

Đây là cảng dầu lớn thứ tư bị rơi vào tay lực lượng chống Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) trong vòng vài ngày qua. Trước đó, lực lượng của Tướng Haftar đã giành quyền kiểm soát 3 cảng gồm Ras Lanuf, Al-Sidra và Zuwaytina ở miền Đông. Các cảng nói trên là nguồn thu nhập chủ chốt của nền kinh tế Libya.

Việc để mất cảng Brega được coi là một đòn mới giáng vào GNA được Liên hợp quốc hậu thuẫn, vốn đang phải nỗ lực xác lập quyền lãnh đạo trên cả nước trong sự phản đối của các phe phái đối địch.

Trước những diễn biến ngày càng phức tạp tại Libya, các nước Mỹ, Pháp, Đức Italy, Tây Ban Nha, Anh đã lên tiếng kêu gọi các lực lượng trung thành với Tướng Haftar rút khỏi các cảng dầu vừa chiếm giữ. Trong một tuyên bố ngày 12/9, các nước này nhấn mạnh, chính phủ được LHQ hậu thuẫn ở Tripoli là lực lượng quản lý duy nhất đối với các nguồn tài nguyên dầu mỏ ở Libya, đồng thời tuyên bố dầu mỏ của Libya phải thuộc về người dân Libya. Tuyên bố cũng kêu gọi tất cả các lực lượng tránh có bất kỳ hành động nào có thể hủy hoại hệ thống hạ tầng năng lượng cũng như làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Libya.

Libya có trữ lượng dầu mỏ đã qua kiểm chứng lớn nhất châu Phi, với hơn 48 tỷ thùng. Bất ổn chính trị và an ninh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ của nước này. Sản lượng dầu của Libya đã giảm mạnh từ 1,6 triệu thùng/ngày trước thời điểm xảy ra chính biến năm 2011, xuống còn khoảng 200.000 thùng hiện nay. Libya đã xuất khẩu tổng cộng 146 triệu thùng dầu thô trong năm 2015, giảm mạnh so với 531 triệu thùng của ba năm trước đó.

Libya rơi vào hỗn loạn kể từ sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Muammar Gaddafi năm 2011. Hai cơ quan lập pháp và hai chính phủ đã tồn tại song song kể từ khi thủ đô Tripoli bị lực lượng nổi dậy Fajr Libya (Bình minh Libya) chiếm giữ. Dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, GNA đã được thành lập hồi đầu năm nay để thay thế các chính quyền đối địch. Tuy nhiên, chính phủ mới của Libya tới nay vẫn chưa được công nhận sau khi Quốc hội ở miền Đông đã bỏ phiếu bất tín nhiệm GNA hôm 22/8. Đây được xem là đòn giáng mạnh vào những nỗ lực của quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại quốc gia Bắc Phi này.

(theo Reuters)