Đặc phái viên Liên hợp quốc phụ trách các quốc gia kém phát triển nhất Rabab Fatima. (Nguồn: AFP) |
Theo bà Fatima, khoảng 1,2 tỷ người ở 46 quốc gia kém phát triển nhất trên thế giới "có thể phải chịu gánh nặng nặng nề nhất" do tác động của đại dịch Covid-19, thảm họa khí hậu và cuộc xung đột tại Ukraine.
Trong những thảm họa trên, đại dịch Covid-19 đang làm thụt lùi 1 thập kỷ hoặc nhiều hơn nữa sự phát triển, đặc biệt là việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của các nước kém phát triển nhất.
Đặc phái viên LHQ nhấn mạnh, nếu muốn đảo ngược quá trình này và để đảm bảo rằng các nước có thể quay trở lại quỹ đạo nhằm đạt được SDGs, đặc biệt là trong thập kỷ hành động cuối cùng này, thế giới cần nỗ lực và đầu tư nhiều nguồn lực hơn nữa cho các quốc gia kém phát triển nhất thế giới này.
Năm 2015, các quốc gia thành viên LHQ đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 với 17 SDGs, trong đó có các mục tiêu như đạt được an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo và quyền tiếp cận năng lượng sạch với giá cả phải chăng.
Theo bà Fatima, sẽ "không thể có sự phục hồi bền vững, không thể có Chương trình nghị sự 2030 để kỷ niệm vào năm 2030 nếu nhiều người ở những quốc gia nghèo nhất bị bỏ lại phía sau".
Quan chức LHQ bày tỏ hy vọng, các quốc gia tài trợ truyền thống sẽ mang "những cam kết cụ thể" đến Hội nghị về các nước kém phát triển nhất lần thứ 5, dự kiến diễn ra từ ngày 5-9/3 tới tại Doha (Qata).
Bà Fatima cho rằng, thế giới cần hỗ trợ các nước kém phát triển nhất xây dựng khả năng phục hồi trước những cú sốc như vậy trong tương lai nhằm xây dựng cấu trúc và năng lực của chính các quốc gia kém phát triển nhất để giúp những nước này giảm sự phụ thuộc vào viện trợ và nâng cao năng lực thương mại, đầu tư.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres và Tổng giám đốc Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) cùng công bố việc bổ nhiệm bà Cindy McCain, một nhà ngoại giao Mỹ, làm Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực thế giới (WFP).
Người tiền nhiệm của bà McCain, ông David Beasley, dự kiến kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 4/4 tới.
Trong tuyên bố, Tổng Thư ký LHQ và Tổng Giám đốc FAO đánh giá cao bà Cindy McCain về những đóng góp giúp người yếu thế trong xã hội được thể hiện tiếng nói trước cộng đồng quốc tế. Bà cũng là người hoạt động tích cực trong việc ủng hộ quyền trẻ em.
WFP là tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giới, không chỉ cứu trợ trong các trường hợp khẩn cấp, mà còn sử dụng viện trợ lương thực để hỗ trợ xây dựng hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho những nơi đang phục hồi sau xung đột, thảm họa và tác động của biến đổi khí hậu.
WFP được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 2020.