📞

Liên hợp quốc sát cánh cùng Việt Nam bảo vệ trẻ em

08:44 | 24/06/2016
Đại diện của Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi hợp tác và hành động mạnh mẽ nhằm xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em ở Việt Nam.

Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký LHQ về vấn đề bạo lực đối với trẻ em Marta Santos Pais vừa có chuyến thăm trong ba ngày trải nghiệm thực tế tại Việt Nam. Tại buổi họp báo ngày 22/6 tại Hà Nội nhân kết thúc chuyến thăm, bà Marta Santos Pais bày tỏ vui mừng trước những cam kết của Chính phủ trong công tác bảo vệ trẻ em ở Việt Nam.

“Bạo lực đối với trẻ em gây thiệt hại lớn về mặt tài chính cho xã hội vì những tác hại lâu dài của bạo lực đối với sự phát triển của trẻ em và các chi tiêu ngân sách về y tế, phúc lợi xã hội và hệ thống tư pháp hình sự. Nếu đầu tư vào việc ngăn chặn bạo lực, chúng ta có thể tăng cường nguồn vốn về nhân lực và xã hội của Việt Nam” bà nói.

Ấn tượng với những nỗ lực của Việt Nam

Lần thứ hai đến Việt Nam, bà Marta Santos Pais đã ấn tượng với những cam kết và những gì mà Chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự đã làm được để bảo vệ trẻ em ở Việt Nam. Theo bà, việc thông qua Luật trẻ em gần đây và một mạng lưới cán bộ xã hội vững mạnh cùng với nguồn nhân lực và tài chính phù hợp đã góp phần quan trọng trong việc biến luật pháp thành hành động cụ thể để xóa bỏ bạo lực với trẻ em.

Bà Marta Santos Pais (ở giữa) tặng quà cho trẻ em ở  TP Đà Nẵng. (Nguồn: UNICEF Việt Nam)

Trong ngày 20/6, Đại diện của Liên hợp quốc đã tham dự diễn đàn trẻ em ASEAN lần thứ 4 diễn ra tại Hà Nội. Trong lễ khai mạc, bà đã chúc mừng các quốc gia thành viên vì những nỗ lực và thành tựu đã đạt được nhằm loại bỏ vấn đề bạo lực đối với trẻ em. Bà đã gặp gỡ với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và nhấn mạnh tới các tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được, ví dụ như gần đây Việt Nam đã thông qua Luật Trẻ em và quyết định thành lập của Tòa án Gia đình và vị thành niên.

Tuy nhiên, bà Marta Santos Pais vẫn kêu gọi chính phủ Việt Nam nỗ lực hơn nữa trong việc đảm bảo trẻ em từ 16 đến 18 tuổi được bảo vệ đầy đủ. Bà cũng khẳng định lại tầm quan trọng mạng lưới hoạt động rất mạnh mẽ của các cán bộ làm công tác xã hội trên toàn quốc. Họ là những người luôn nhắc nhở xã hội phải để tâm đến những trẻ em bị lãng quên nhiều nhất đó là nhóm trẻ khuyết tật hoặc trẻ vi phạm pháp luật.

Ngày thứ hai trong chuyến thăm Việt Nam, bà Marta Santos Pais đã đến thăm Trung tâm Công tác Xã hội tại thành phố Đà Nẵng. Trong chuyến thăm này bà đã tham dự buổi sinh hoạt của các em nhỏ trong Trung tâm Công tác xã hội tìm hiểu về bạo lực đối với trẻ em, những biện pháp các em có thể sử dụng để ngăn chặn bạo lực và hiểu được những ai có thể hỗ trợ các em khi bạo lực xảy ra.

Tại đây, bà đã giao lưu với trẻ em để tìm hiểu suy nghĩ của các em về vấn đề bạo lực đối với trẻ em như là bạo lực đối với trẻ em có tác động gì tới các em, các em có thể làm gì để ngăn chặn bạo lực và ai có thể hỗ trợ các em trong việc này. Bà cũng đã thảo luận cùng với lãnh đạo Tp. Đà Nẵng và các tổ chức xã hội dân sự về các chinh sách và chương trình của thành phố nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo vệ trẻ em và hệ thống phúc lợi xã hội nhằm ngăn chặn và giải quyết vấn đề bạo lực đối với trẻ em.

Hành động thiết thực từ những con số

Theo Văn phòng Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký LHQ về bạo lực với trẻ em, khoảng 3,3 triệu trẻ em ở Việt Nam cần được bảo vệ đặc biệt và có nguy cơ bị bạo lực, chiếm khoảng 12% trẻ em Việt Nam. Ngoài ra, còn nhiều trẻ em có nguy cơ bị xao lãng, lạm dụng, buôn bán và bóc lột tình dục.

Trẻ khuyết tật đặc biệt dễ bị tổn thương và có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực, xao lãng, lạm dụng tình dục cao gấp 3 hoặc 4 lần các bạn cùng trang lứa. Hơn 1,7 trẻ em là lao động trẻ em, 172.000 trẻ em không được bố mẹ chăm sóc, 21.000 trẻ em đường phố, 12.000 trẻ em vi phạm pháp luật, 2.381 trẻ em có HIV/AIDS, 1.067 trẻ em sử dụng ma túy.

Bà Marta Santos Pais phát biểu tại cuộc hội thảo ở TP Đà Nẵng. (Nguồn: UNICEF Việt Nam)

Bên cạnh các bạo lực về thân thể, trẻ em ngày càng có nhiều nguy cơ bị lạm dụng tình dục hoặc bị lợi dụng trên mạng internet. Một thăm dò ý kiến gần đây ở Việt Nam cho thấy 41% thanh thiếu niên ở độ tuổi 18 đã chứng kiến các bạn mình tham gia vào các hành động có nguy cơ trên mạng. Trên toàn cầu, một trong ba người sử dụng internet là trẻ em và sự phát triển của internet và điện thoại di động đã làm thay đổi cách thức thanh thiếu niên tìm kiếm thông tin, nhưng cũng mang đến những rủi ro trên thực tế cho trẻ em về lạm dụng qua mạng internet.

Bà Marta Santos Pais cho biết: “Thay đổi bắt đầu từ mỗi chúng ta. Chúng ta có thể khuyến khích đẩy mạnh phương thức nuôi dạy trẻ em không bạo lực để các bậc làm cha mẹ cảm thấy tự tin khi nuôi nấng con em mình trong một môi trường tích cực, yêu thương mà không có bạo lực về thân thể và trường học thực sự là môi trường học tập an toàn cho mọi trẻ em. Nếu chúng ta chứng kiến một trẻ em là nạn nhân của bạo lực, chúng ta phải hành động để ngăn chặn điều đó và phải báo cáo với chính quyền”.

Bà cũng nhấn mạnh, Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em sửa đổi mới được thông qua là công cụ hiệu quả để Việt Nam thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Với nhận định như vậy, bà khuyến nghị Việt Nam cần phân bổ nguồn nhân lực và tài chính để đưa Luật này đi vào cuộc sống. Đặc biệt, bà khẳng định việc ngăn chặn và đối phó với bạo lực đối với trẻ em là ưu tiên quan trọng của LHQ tại Việt Nam.

Bà Marta Santos Pais được bổ nhiệm giữ chức Đại diện đặc biệt đầu tiên cho Tổng Thư ký LHQ về vấn đề Bạo lực đối với Trẻ em vào năm 2009. Bà có hơn 30 năm kinh nghiệm về các vấn đề nhân quyền, tham gia vào LHQ và các quy trình liên chính phủ khác. Trước khi được bổ nhiệm làm Đại diện Đặc biệt đầu tiên cho Tổng Thư ký LHQ về vấn đề Bạo lực đối với Trẻ em, bà Marta Santos Pais từng giữ chức Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu UNICEF Innoceti.