Nhóm công tác nhất trí Báo cáo đã cung cấp thông tin toàn diện, phong phú về tình hình đảm bảo quyền con người ở Việt Nam, làm rõ những vấn đề các nước quan tâm về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội ở Việt Nam. Đại diện 60 nước đã trực tiếp tham gia đối thoại với Việt Nam.
Các nước đánh giá cao những thành tựu nổi bật trong công cuộc đổi mới của nhân dân Việt Nam và cam kết rõ ràng của Nhà nước Việt Nam đối với việc thúc đẩy quyền con người. Algeria đặc biệt hoan nghênh ưu tiên của Việt Nam về tạo công ăn việc làm. Các nước Châu Phi khác như Morocco, Nigeria, Nam Phi, Zimbabwe… đã đề cao những kết quả đạt được của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người, trong đó có thành tựu đạt và vượt Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG), đảm bảo lương thực, cung cấp dịch vụ y tế cơ sở cho người dân.
Các nước khu vực Mỹ Latinh, trong đó có Mexico, Chile, Brazil, Venezuela nêu đậm những nỗ lực của Việt Nam về thực hiện phát triển, cải cách tư pháp, thúc đẩy bình đẳng giữa các dân tộc, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ cho công cuộc phát triển ở Việt Nam.
Các nước ASEAN nhấn mạnh việc Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế về quyền con người, tích cực tham gia hợp tác quốc tế về nhân quyền, tăng cường sự phối hợp của Việt Nam để thành lập cơ chế nhân quyền ASEAN. Các nước này cũng ghi nhận thành công của Việt Nam trong việc giữ vững ổn định xã hội. “Việt Nam đã đạt được những kết quả trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo và chúng tôi tin tưởng rằng những thành tựu đó có thể được xem như là như mô hình cho các quốc gia đang phát triển khác. Việt Nam cũng đã tích cực hợp tác trong các cơ chế nhân quyền quốc tế, tham gia đối thoại về nhân quyền”, đại diện Philippines phát biểu.
Thái Lan khuyến nghị Việt Nam củng cố các dịch vụ và phương tiện y tế chăm sóc sức khỏe hơn nữa để nâng cao đời sống của người dân cũng như tiếp tục nỗ lực cải thiện hệ thống luật pháp liên quan đến thực hiện quyền con người. “Chúng tôi đã chứng kiến sự chuyển đổi nền kinh tế đầy ấn tượng của Việt Nam. Chúng tôi đánh giá cao những cam kết mạnh mẽ cũng như kế hoạch hành động của Chính phủ về việc đảm bảo thực hiện quyền con người trong mọi lĩnh vực”, đại diện Thái Lan nói.
Đoàn Trung Quốc ấn tượng việc Chính phủ Việt Nam khuyến khích sự cân bằng trong phát triển kinh tế cùng với việc đưa ra những ưu tiên, nguồn lực cho phát triển giáo dục, y tế, nhân quyền, nâng cao chất lượng sống cho người dân, phổ cập giáo dục tiểu học… Đại diện Trung Quốc đề xuất Chính phủ Việt Nam có những giải pháp mạnh mẽ để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, đặc biệt vùng miền núi và nông thôn.
Đoàn đại biểu Nga đánh giá cao về kết quả nâng cao mức sống của người dân Việt Nam, tận dụng các thành tựu thông tin để phát triển quyền con người. Na Uy ghi nhận tiến bộ xuất sắc của Việt Nam về phát triển kinh tế-xã hội. Thuỵ Sĩ, Australia hoan nghênh Việt Nam đã chủ động tranh thủ kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực quyền con người, ghi nhận chất lượng về đối thoại nhân quyền mang tính xây dựng với các đối tác quốc tế.
Tuy nhiên, tại cuộc họp, cũng có một số ý kiến chưa phản ánh đúng thực tế và chưa phù hợp với hoàn cảnh của đất nước. Vì vậy, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội đồng nhân quyền, cho rằng “Việt Nam khó có thể đồng tình với các khuyến nghị đó”. Nhận thức về nhân quyền ở mỗi nước, đặc biệt các nước đang phát triển và phát triển khác nhau. Do đó, không thể tránh được sự khác biệt về đánh giá giá trị nhân quyền như thế nào. “Qua phát biểu của một số nước, đặc biệt nước phát triển, họ đưa các giá trị hiểu biết nhân quyền của họ, thì đây cũng là cơ hội để ta giải thích và nêu được quan điểm của mình”, ông Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Đại sứ về các vấn đề nhân quyền của Thụy Sĩ Rudolf Knoblauch cho rằng: “Không thể chối bỏ những tiến bộ mà Việt Nam đạt được trong việc thực hiện quyền con người trong những năm phát triển vừa qua”. |
Nam Hải