TIN LIÊN QUAN | |
Gặp gỡ giữa Tây Nguyên và Ngoại giao đoàn | |
Liên hoan ẩm thực quốc tế - món quà đặc sắc của Ngoại giao Đoàn |
Hội nghị đã thu hút 150 đại biểu là Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, các Trưởng Cơ quan đại diện và tổ chức quốc tế tại Việt Nam, Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên, đại diện hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài và một số doanh nghiệp tiêu biểu của địa phương.
Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Tuấn Anh/TGVN |
Qua một phiên khai mạc và ba phiên thảo luận theo các chủ đề khác nhau, các đại biểu đã cùng nhau điểm lại và khẳng định những tiềm năng to lớn của khu vực Tây Nguyên; thảo luận về các biện pháp để Tây Nguyên thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn, phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.
Tiềm năng lớn của Tây Nguyên
Trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Tây Nguyên là vùng đất có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội của Việt Nam, là giao điểm của hai khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và ven biển miền Trung, có chung đường biên giới với Lào và Campuchia. Tây Nguyên có lợi thế rất lớn về tài nguyên thiên nhiên, có nền khí hậu ôn hòa cùng hệ thống sông ngòi cung cấp nguồn nước phong phú, thuận lợi cho việc trồng các loại cây công nghiệp và cây ăn quả có giá trị cao.
Hơn thế nữa, Tây Nguyên còn là mảnh đất có bề dày lịch sử với nền văn hóa phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc các dân tộc của khu vực với những lễ hội truyền thống, kiến trúc đặc thù và đặc biệt là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Với đặc điểm địa hình đa dạng, khí hậu thuận lợi, nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, đây cũng là nơi có tiềm năng to lớn về du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa cũng như khám phá trải nghiệm.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Tuấn Anh/TGVN |
Cụ thể, Tây Nguyên có 2 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp và 3,2 triệu ha đất lâm nghiệp. Bước đầu, Tây Nguyên phát triển hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa với sản lượng cà phê có sản lượng 1,3 triệu tấn, chiếm 93% sản lượng của cả nước; hồ tiêu 83 nghìn tấn chiếm 56% sản lượng cả nước.
Các mặt hàng khác như: sắn, ngô, chè, hạt điều, cao su… đều có sản lượng chiếm từ 22-28% sản lượng cả nước. Đây là cơ hội để Tây Nguyên phát triển trở thành địa điểm sản xuất hàng hóa nông nghiệp chất lượng phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Về tiềm năng phát triển du lịch, Tây Nguyên có 2,25 triệu ha rừng tự nhiên, trong đó có 13 vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên; hệ thống sông suối có nhiều thác nước hùng vĩ, cảnh quan đẹp và 54 dân tộc anh em cùng sinh sống với nhiều nét văn hóa độc đáo… là tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, văn hóa, tiềm năng cảnh quan rừng và sản xuất nông lâm nghiệp gắn với khác giá trị lịch sử, văn hóa của các dân tộc để hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo của vùng.
Về chủ trương, những năm qua, Tây Nguyên đã nhận được sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam; đã có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù được ban hành nhằm hỗ trợ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên đến năm 2020 nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào khu vực này. Hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông đường bộ và hàng không từng bước được đầu tư, đến nay đã hình thành mạng lưới giao thông thuận lợi giữa các tỉnh. Nhờ vậy, những năm qua Tây Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân.
Vẫn còn nhiều điểm nghẽn
Phiên thảo luận thứ nhất "Tiềm năng liên kết kinh tế vùng Tây Nguyên và nâng cao sức cạnh tranh của vùng". Ảnh: Tuấn Anh/TGVN |
Với tiềm năng, thế mạnh đó nhưng Tây Nguyên vẫn còn nhiều hạn chế trong phát triển kinh tế xã hội.
Điểm đầu tiên mà các đại biểu nhắc đến nhiều nhất là cơ sở hạ tầng giao thông chưa đảm bảo lưu thông hàng hóa và hành khách với tốc độ cao và thông suốt giữa các địa phương trong vùng và liên vùng; chưa có hệ thống đường sắt và giao thông đường không chưa nối tuyến quốc tế.
Đến nay, khu vực này mới hoàn thành dự án nâng cấp, mở rộng QL14, tạo điều kiện kết nối, lưu thông hàng hoá giữa 4 tỉnh (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông) với TP. Hồ Chí Minh và khu vực Đông Nam Bộ.
Hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung còn rất manh mún, kém tính kết nối, làm giảm khả năng thu hút đầu tư, hiện đang là “điểm nghẽn” của quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên.
Cà phê, tiêu, điều, cao su là những sản phẩm nông nghiệp chiếm phần lớn sản lượng cả nước, nhưng do sản xuất từ nhiều loại giống khác nhau, công nghệ, kỹ thuật canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến lạc hậu, sản phẩm không đồng chất lượng, nên thị trường bấp bênh, không ổn định; chưa liên kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ để làm chủ thị trường, còn bị doanh nghiệp nước ngoài chèn ép, chiếm lĩnh thị trường, thương hiệu. Nói chung tiềm năng, lợi thế về đất, rừng, tài nguyên khoáng sản mặc dù rất lớn nhưng mới tập trung khai thác bề rộng, chưa có chiều sâu để phát huy hiệu quả.
Sự liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp trong vùng và với các tỉnh Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ để phát triển du lịch còn yếu, mang đậm tính tự phát. Các tỉnh trong vùng có xu hướng gia tăng liên kết ngoại vùng mà có phần xem nhẹ liên kết, hợp tác nội vùng. Lực lượng doanh nghiệp - nhân tố chủ lực của công cuộc phát triển hiện đại vẫn rất mỏng và yếu.
Phiên thảo luận thứ hai "Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Tây Nguyên và nâng cao chuỗi giá trị nông sản". Ảnh: Tuấn Anh/TGVN |
Dù Nhà nước đã có sự quan tâm lớn đến khu vực nhưng nguồn lực đầu tư, nhất là vốn còn hạn chế. Vốn đầu tư vào Tây Nguyên chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng vốn đầu tư của cả nước. Trong giai đoạn 2010 - 2015, tổng vốn đầu tư toàn xã hội vùng Tây Nguyên chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội của cả nước. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Tây Nguyên còn rất hạn chế cả về số dự án, số vốn, vốn bình quân một dự án.
Vì vậy, các đại biểu đều chung nhận định để phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, tất yếu phải liên kết vùng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và phát triển du lịch bền vững.
Sự tất yếu phải liên kết
Qua ba phiên thảo luận, các diễn giả đã chỉ ra, thực tế quá trình phát triển vừa qua tại các tỉnh Tây Nguyên đã cho thấy, nếu chỉ dựa vào “lợi thế tĩnh” về điều kiện tự nhiên mỗi địa phương có được để thực hiện chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư mà thiếu sự liên kết để tạo ra “lợi thế động” nhằm tối ưu hóa nguồn lực hữu hạn, thì khó có thể đẩy mạnh phát triển và nâng cao sức cạnh tranh toàn vùng.
Phiên thảo luận thứ ba "Phát triển du lịch bền vững và bảo tồn giá trị văn hóa vùng Tây Nguyên". Ảnh: Tuấn Anh/TGVN |
Thực tiễn cũng cho thấy, sự phát triển giữa các địa phương ở Tây Nguyên vẫn còn thiếu sự liên kết, phối hợp. Tình trạng đầu tư trùng lặp chưa hoàn toàn được khắc phục. Có lúc còn có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh để thu hút đầu tư giữa các tỉnh bằng cách “phá rào”, đưa ra các ưu đãi quá lớn để hấp dẫn các nhà đầu tư gây tổn thất cho lợi ích chung của cả nền kinh tế.
Vì vậy, ông Nguyễn Đức Phong, Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nguyên nhấn mạnh, việc hoàn thiện cơ bản thể chế kinh tế vùng với vai trò của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên trở thành trung tâm điều tiết, phối hợp vùng sẽ giúp Tây Nguyên cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Các đại biểu dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Tuấn Anh/TGVN |
Cũng chỉ có liên kết vùng, Tây Nguyên mới phát triển hạ tầng giao thông và sản xuất, phát triển du lịch và phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm nông lâm nghiệp chủ lực. “Liên kết là xu hướng của thời đại. Các địa phương của các nước trên thế giới cũng đang liên kết lại để tăng cường sức cạnh, tăng sức mạnh của vùng”, ông Valeriu Arteni, Đại sứ Rumani nói.
Và như lời phát biểu của Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, cùng với cả nước, các địa phương của Tây Nguyên đang trong quá trình hội nhập quốc tế, tận dụng quá trình này cho phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Với những chủ đề thảo luận gắn chặt với thực tiễn phát triển của vùng như liên kết phát triển vùng, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển văn hóa và du lịch bền vững, đây sẽ là diễn đàn bổ ích để lãnh đạo và doanh nghiệp các tỉnh khu vực Tây Nguyên và các bạn quốc tế kết nối, thảo luận, trao đổi về tiềm năng, thế mạnh, kinh nghiệm phát triển và cơ hội hợp tác, qua đó góp phần vào sự phát triển bền vững của vùng, tăng cường tình hữu nghị và hợp tác cùng có lợi giữa các nước chúng ta.
Thu hút nguồn lực để phát triển khu vực Tây Nguyên Sáng 8/6, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Đoàn các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ ... |
Khai giảng lớp Nghiệp vụ đối ngoại thực hành cho cán bộ miền Trung và Tây Nguyên Ngày 29/6, lớp Nghiệp vụ đối ngoại thực hành cho cán bộ các tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên đã được khai giảng ... |
Ngân hàng cam kết rót 15.000 tỷ đồng vào Tây Nguyên Năm 2015, các ngân hàng thương mại cam kết đầu tư vào Tây Nguyên khoảng 15.000 tỷ đồng, tập trung cho các lĩnh vực như ... |