📞

Liên minh giá dầu OPEC chia rẽ vì dầu đá phiến

09:23 | 13/03/2018
Sau hơn một năm thống nhất, OPEC đang có những dấu hiệu chia rẽ rõ rệt. Nếu Saudi Arabia muốn giữ giá dầu ở mức 70 USD/thùng hoặc cao hơn, thì Iran lại chỉ muốn giữ ở mức khoảng 60 USD.

Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh lo ngại, nếu giá dầu nhảy xung quanh mức 70 USD/thùng chắc chắn sẽ kích thích các hoạt động sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ.

Nhưng lo ngại của ông hiện cũng chỉ là một ý kiến của một bên tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng để kích thích giá dầu giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Nga và các quốc gia sản xuất dầu mỏ khác. Theo kế hoạch, OPEC và các đối tác sẽ nhóm họp lần tiếp theo vào tháng Sáu tới để ra những quyết sách có lợi cho các nhà xuất khẩu dầu mỏ.

Tuy nhiên, sau hơn một năm thống nhất, OPEC đang có những dấu hiệu chia rẽ rõ rệt. Nếu Saudi Arabia muốn giữ giá dầu ở mức 70 USD/thùng hoặc cao hơn, thì Iran lại chỉ muốn giữ ở mức khoảng 60 USD. Sự chia rẽ này được đưa ra từ những quan điểm khác nhau về việc liệu mức giá 70 USD/thùng có cổ vũ các công ty khai thác dầu đá phiến của Mỹ biến thành “cơn sốt” sản xuất, đẩy nhanh sản lượng dầu ra thị trường, khiến giá lại giảm.

Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh (Nguồn: Market Watch)

Hạn chế nguồn cung vốn là mục tiêu trong thoả thuận nhằm hồi phục thị trường dầu mỏ của OPEC và một số quốc gia xuất khẩu dầu mỏ khác, trừ Mỹ đã được ký kết từ cuối năm 2016, nhằm ứng phó với tình trạng dư thừa dầu toàn cầu và giá dầu thô thế giới giảm mạnh kể từ giữa năm 2014. Theo quan điểm của Iran, chỉ khi OPEC đồng thuận chốt giá dầu giao động quanh mức 60 USD/thùng thì các nhà máy sản xuất dầu đá phiến mới không “bùng nổ” hoạt động, Bộ trưởng Dầu mỏ Bijan Zanganeh đã nói như vậy trong buổi phỏng vấn với tờ WSJ mới đây. Mức giá này hiện đang thấp hơn chút ít so với mức giá trên thị trường quốc tế vào ngày thứ Sáu (9/3) vừa qua, hiện là 65,49 USD/thùng đối với dầu Brent.

Theo phân tích của Bộ trưởng Zanganeh, nếu giá nhảy vọt lên khoảng 70 USD/ thùng, mức giá này sẽ là ngưỡng lý tưởng  để thúc đẩy cả ngành sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ. Bởi tiềm năng hiện tại của các nhà sản xuất dầu đá phiến lớn hơn các nhà sản xuất OPEC, việc sử dụng kỹ thuật mới cho phép họ tăng hoặc giảm sản xuất tùy thuộc vào giá dầu.

Trên thực tế, trong ngày mở đầu tuần này (thứ Hai, ngày 12/3), giá dầu kỳ hạn đã giảm mạnh do lo ngại sản lượng của Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong năm nay, xóa đi các mức giá mới mà thị trường vừa thiết lập được hồi cuối tuần trước, do thông tin về số lượng giàn khoan trong ngắn hạn của Mỹ thấp hơn dự báo và báo cáo về việc làm cho thấy việc tuyển dụng và mức lương nhân công đều không có chiều hướng gia tăng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Telegraph)

Hồi tuần trước, báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, sản lượng dầu của Mỹ đã tăng 86.000 thùng/ngày trong tuần kết thúc vào ngày 2/3. Con số này đã gần đạt mức tăng 91.000 thùng/ngày trong tháng hai và cao gấp 4 lần so với tốc độ tăng trưởng sản lượng của chính nước này vào năm 2017. Theo phân tích của đồng Chủ bút tạp chí Sevens Report, thị trường đang ngày càng lo ngại bởi tiềm năng to lớn của ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ có thể đẩy thị trường dầu mỏ thế giới nhanh chóng chuyển từ mức cân bằng sang dư thừa. Đó cũng chính là lý do đằng sau sự “sụp đổ” của thị trường dầu mỏ giai đoạn 2014-2015.

Trong tuần này, EIA sẽ đưa ra dự báo về sản lượng dầu từ bảy vùng đất đá phiến lớn của Mỹ trong tháng Tư. Trong khi đó, các số liệu được công bố hôm thứ Sáu đã cho thấy, lần đầu tiên trong vòng ba tuần qua, các quỹ bảo hiểm và nhà đầu tư đã cắt giảm các khoản đầu cơ lạc quan của họ đối với dầu thô của Mỹ. Theo các nhà phân tích hàng hoá của ING, sản lượng và hàng tồn kho tăng cao tại Mỹ đã làm giảm kỳ vọng của giới đầu cơ từ khi đạt tới đỉnh điểm vào cuối tháng Một.

Ngoài ra, bộ dữ liệu quan trọng về việc làm và tiền lương, một yếu tố thường có ảnh hưởng khá lớn tới thị trường dự kiến sẽ được công bố vào thứ Ba. Báo cáo kỳ trước cho thấy, 313.000 việc làm đã được tạo ra vào tháng Hai vừa qua, tốt hơn dự kiến. Tuy nhiên, mức tăng thu nhập đã ở dưới mức mong đợi. Đó là lý do, các nhà đầu tư lo ngại rằng, một thị trường lao động thắt chặt hơn có thể dẫn đến lạm phát cao hơn, cộng thêm áp lực từ việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) để ngỏ khả năng tăng lãi suất.

Như vậy, kỳ vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và phản ứng nhẹ với chính sách lãi suất, cộng thêm dự báo thời tiết giá lạnh ở miền đông nước Mỹ khiến gia tăng nhu cầu năng lượng để sưởi ấm… được xem là những yếu tố sẽ hỗ trợ nhu cầu về các sản phẩm năng lượng trên thị trường thời gian tới.

 

(theo Marketwatch)