📞

Liệu Đông Nam Á có duy trì được sự bùng nổ về đầu tư?

16:49 | 09/01/2019
Đầu tư mạo hiểm và đầu tư tư nhân tại Đông Nam Á đã tăng vọt lên mức kỷ lục khi chứng kiến hàng loạt nhà đầu tư mới đổ vào khu vực.

Năm 2017, đầu tư trong khu vực Đông Nam Á đã ra khỏi giai đoạn tăng trưởng “phẳng” kéo dài trong suốt 10 năm, với số lượng giao dịch đầu tư mạo hiểm là 524 giao dịch, tăng gấp bốn lần năm 2012 và giá trị các giao dịch đầu tư vốn tư nhân tăng 75% lên đến 15 tỷ USD.

Các công ty công nghệ thu hút phần lớn lượng vốn mới, tăng tới 40% số lượng giao dịch trong năm 2017 (năm 2014 là 20%). Tại khu vực Đông Nam Á, đã xuất hiện nhiều công ty start-up khởi nghiệp xuất sắc được định giá thị trường từ 1 tỷ USD trở lên. Kể từ 2012, 10 công ty start-up khởi nghiệp bao gồm Grab, Go-Jek và Traveloka đã tạo ra tổng giá trị thị trường là 34 tỷ USD, góp phần đưa thị trường Đông Nam Á đứng thứ 3 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Hãng taxi công nghệ Grab tại Campuchia. (Nguồn: AFP)

Liệu khu vực Đông Nam Á có thể tiếp tục duy trì đà đầu tư này? Điều kiện tại chỗ cho phát triển đầu tư dài hạn đã có; hệ sinh thái cho đầu tư mạo hiểm và đầu tư tư nhân đã được hình thành tốt và đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mới. Theo nghiên cứu, giá trị các giao dịch có vốn tư nhân trong 5 năm tới có thể đạt 70 tỷ USD, gấp đôi mức của 5 năm trước. Đến 2024, người ta hy vọng khu vực này sẽ có thêm ít nhất 10 công ty start-up khởi nghiệp mới.

Tuy nhiên, đầu tư tăng mạnh ở Đông Nam Á có nghĩa là cạnh tranh tăng và định giá cao hơn. Để phát triển trong một thị trường có nhiều biến động đòi hỏi các nhà đầu tư mạo hiểm và đầu tư tư nhân cần phải tập trung nhiều hơn vào việc tạo giá trị và tăng trưởng hữu cơ. Một số thay đổi quan trọng giải thích cho sự gia tăng về đầu tư tại khu vực là có dòng vốn đầu tư mạo hiểm bền vững và sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư tư nhân. Trong năm 2017, lượng đầu tư tư nhân hoàn thành giao dịch với giá trị từ 10 triệu USD trở lên là 124, tăng 45% so với mức trung bình 5 năm trước.

Các nhà đầu tư bị hấp dẫn bởi các nền tảng kinh tế vĩ mô mạnh của khu vực, cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực mới và một thị trường thứ cấp đa dạng cho các giao dịch ở mọi quy mô. Đây là một sự pha trộn kết hợp giữa các quỹ đầu tư mạo hiểm địa phương và quỹ đầu tư tư nhân, quỹ tài sản chủ quyền và quỹ toàn cầu. Nhìn chung, nhu cầu vốn và nguồn cung tăng là tín hiệu cho thấy khu vực Đông Nam Á ngày càng dễ tiếp nhận hơn các dòng vốn đầu tư mạo hiểm và đầu tư tư nhân.

Sự liên kết sâu rộng của thị trường ASEAN khích lệ các công ty mở rộng đầu tư xuyên biên giới. Ngay cả các doanh nghiệp từ trước tới nay chỉ tập trung vào thị trường nội địa cũng đang thu hút vốn để mở rộng đầu tư ra khu vực. Mặc dù Singapore vẫn là trung tâm đầu tư của khu vực, nhưng các hệ sinh thái khởi nghiệp đang mọc lên trong khắp Đông Nam Á, tạo nền tảng rộng lớn hơn cho đầu tư tương lai.

Trong 5 năm qua, hai nước Indonesia và Việt Nam đã tạo được 20% giá trị đầu tư vốn tư nhân trong khu vực và con số này có thể sẽ tiếp tục tăng. Theo một khảo sát gần đây của Bain & Company, 90% các nhà đầu tư cho rằng trong năm ‎2018 - 2019, các thị trường Đông Nam Á được quan tâm nhiều nhất ngoài Singapore sẽ là Indonesia và Việt Nam.

Sự liên kết sâu rộng của thị trường ASEAN khích lệ các công ty mở rộng đầu tư xuyên biên giới. (Nguồn: Pinterest)

Sự quan tâm mạnh mẽ của đầu tư trong lĩnh vực công nghệ và các ngành công nghiệp dựa trên tiêu dùng có thể sẽ giúp duy trì mức đầu tư cao. Đáng chú ý, ngành công nghệ tài chính cũng đang được mở rộng một cách nhanh chóng; các công ty công nghệ thông tin và truyền thông đang nở rộ, thu hút nhiều khoản đầu tư mạo hiểm và đầu tư tư nhân. Theo các chuyên gia trong khu vực, công nghệ sẽ là lĩnh vực đầu tư hàng đầu trong năm ‎2018 - 2019.

Thực tế là, để tạo giá trị trong một thị trường luôn biến động và duy trì mức đầu tư, các nhà đầu tư mạo hiểm và đầu tư tư nhân cũng sẽ cần phải giúp các công ty hoạt động có hiệu quả và đạt tăng trưởng.

(theo Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia)