Hợp tác đầu tư Việt Nam-Lào thời gian qua đã có sự phát triển không ngừng. Hình ảnh người dân tại thủ đô Vientiane, Lào. (Nguồn: AFP) |
Sát cánh cùng chính phủ, người dân Lào
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hợp tác đầu tư Việt Nam-Lào thời gian qua đã có sự phát triển không ngừng. Lào luôn đứng thứ nhất trong số 78 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, với 209 dự án, có tổng vốn đăng ký 5,1 tỷ USD.
Các dự án đầu tư của Việt Nam có mặt tại hầu khắp các vùng miền của Lào, thuộc nhiều lĩnh vực như tài chính ngân hàng, viễn thông, dịch vụ, nông lâm nghiệp.... Điển hình là các dự án như Unitel của Viettel; siêu dự án 500 triệu USD của Vinamilk; loạt dự án trồng cao su, cọ dầu, sân bay của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai hay Dự án Thủy điện Xekamản 1...
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho thấy, trong 8 tháng năm 2022, có 24 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam. Dẫn đầu là Lào với 4 dự án đầu tư mới và 3 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 66,42 triệu USD, chiếm 16,8% tổng vốn đầu tư.
Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng đánh giá, tại Lào, nhà đầu tư Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như tài chính-ngân hàng, năng lượng điện, viễn thông, nông-lâm, khai khoáng...
Hiện các dự án đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang góp phần thúc đẩy nền kinh tế Lào phát triển bền vững, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng và tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân.
Đơn cử như các dự án của Hoàng Anh Gia lai giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 người dân lao động tại Lào, Unitel (thương hiệu Viettel tại Lào) tạo công ăn việc làm cho hơn 25.000 lao động Lào… Tổng số vốn đầu tư cho an sinh xã hội mà các doanh nghiệp Việt Nam triển khai tại Lào đến nay đạt xấp xỉ 71 triệu USD, tập trung chủ yếu cho lĩnh vực y tế, giáo dục, xây dựng nhà cho bà con nghèo vùng sâu vùng xa.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam, đơn cử như Viettel, không chỉ là nhà đầu tư mà còn là "đầu tàu" hỗ trợ chính phủ Lào trong trong chuyển đổi số và xây dựng chính phủ điện tử.
Cụ thể, Unitel - Viettel đã hỗ trợ cho chính phủ Lào trong chuyển đổi số và xây dựng hạ tầng chính phủ điện tử với tổng giá trị trên 3,3 triệu USD; tài trợ hơn 27 triệu USD Internet miễn phí cho gần 1000 trường học, đào tạo hàng trăm nhân sự chất lượng cao công nghệ thông tin-viễn thông cho Lào, hỗ trợ xây dựng trường học, trạm y tế, hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng lũ lụt thiên tai...
Unitel - Viettel đã đồng hành, sát cánh cùng chính phủ, người dân Lào. (Nguồn: Viettel) |
Hướng tới đầu tư thực chất và hiệu quả hơn
Tại Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam-Lào diễn ra hồi tháng 3/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định: "Hợp tác kinh tế là trụ cột chính, là một trong những ưu tiên hàng đầu trong hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam. Điều này cũng đặt ra yêu cầu cho chúng ta là phải đặt mục tiêu cao hơn và đổi mới cách làm để hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước ngày càng thực chất và hiệu quả hơn”.
Vì vậy, để thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, có 5 nhóm giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới.
Thứ nhất, bảo đảm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; tạo lập một hành lang pháp lý ổn định, minh bạch; xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án tại Lào.
Thứ hai, hai bên cần có cơ chế đặc thù cho một số dự án trọng điểm có tính chiến lược đòn bẩy trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước; đẩy mạnh việc tiếp cận, huy động nguồn lực từ các đối tác phát triển cùng tham gia vào các dự án hợp tác lớn, kết nối cơ sở hạ tầng giữa hai nước.
Thứ ba, phía Lào cần tập trung xử lý kiến nghị về tồn tại, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của một số dự án đầu tư quy mô lớn; đồng thời, xem xét, giải quyết thỏa đáng quyền và lợi ích hợp pháp đối với một số dự án trên cơ sở khách quan, hợp tình, hợp lý, không để vướng mắc kéo dài, làm mất mất cơ hội đầu tư.
Thứ tư, hai nước cùng nhau hợp tác có hiệu quả trong khuôn khổ ASEAN, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); kết hợp có hiệu quả với việc Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với ưu đãi cao, hàng hóa của Lào và Việt Nam tiếp cận thị trường nêu trên; đồng thời, thu hút nguồn vốn đầu tư có chất lượng từ các đối tác này.
Thứ năm, tập trung nguồn lực đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư, bảo đảm đúng tiến độ, chấp hành pháp luật của hai nước; đồng thời luôn nêu cao trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng, tạo việc làm, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội với Lào và giữ gìn hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam tại Lào.
| Bắc Ninh kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào Ngày 26/8, tại Trung tâm văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh, đã diễn ra buổi gặp mặt kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập ... |
| Cộng đồng người Việt Nam tại Vientiane đoàn kết, vững mạnh, là cầu nối thúc đẩy quan hệ Việt-Lào Đại hội đại biểu khóa XI của Hội người Việt Nam tại Vientiane là sự kiện hết sức có ý nghĩa đối với cộng đồng ... |
| Thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ nữ hai Bộ Ngoại giao Việt-Lào Nhận lời mời của bà Alouny Kommasith, Phu nhân Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch danh dự Hội phụ nữ Bộ Ngoại ... |
| Việt Nam-Lào: Hợp tác chặt chẽ trong phòng, chống các loại tội phạm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Lào trong ... |
| Việt Nam-Lào: Chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong các hoạt động tư pháp Chủ tịch nước khẳng định Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng như Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam luôn sẵn sàng ... |